Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Công chức ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’ phải bị loại bỏ

14/06/2015 05:56 GMT+7

Trong phiên chất vấn hôm qua (13.6), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời 28 câu hỏi, trong đó nhiều nội dung đi thẳng vào những vấn đề cử tri bức xúc nhất thời gian qua.

Trong phiên chất vấn hôm qua (13.6), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời 28 câu hỏi, trong đó nhiều nội dung đi thẳng vào những vấn đề cử tri bức xúc nhất thời gian qua.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân PhúcPhó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Ngọc Thắng

Tiếp tục kiểm tra vụ lấp sông Đồng Nai

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) mở đầu: “Vừa qua, dư luận cử tri rất bức xúc với việc Hà Nội chặt hàng trăm cây xanh và vụ lấp sông ở Đồng Nai. Có hay không việc đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích của cộng đồng. Chính phủ sẽ xử lý các vụ việc này thế nào và lãnh đạo hai địa phương này chịu trách nhiệm ra sao?”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Sau khi xảy ra việc chặt cây xanh ở Hà Nội, Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra và Tổng thanh tra Chính phủ cũng có ý kiến. Khi đó, UBND, Thành ủy Hà Nội chủ động thành lập đoàn thanh tra. Kết quả cho thấy việc chặt cây ở đường Nguyễn Trãi phải làm vì để làm dự án đường sắt trên cao, theo luật là phải chặt để đảm bảo an toàn hành lang 15 - 18 m. Còn trên đường Nguyễn Chí Thanh, theo báo cáo việc chặt để cải tạo hàng cây tạp theo đề án trồng mới, thay thế các cây hư hỏng, ngã đổ”. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho biết: “Qua thanh tra xác định đề án làm còn sơ sài, khi thực hiện có sai sót, không công khai, dân chủ, không bàn với dân, không tham khảo ý kiến chuyên gia”. “Nhưng trong vụ này sai sót cũng có mức độ. UBND TP.Hà Nội đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân trong quá trình làm. Chính phủ đánh giá sự nghiêm túc của Hà Nội trong việc kiểm điểm”, Phó thủ tướng nhận định.

Từ đầu nhiệm kỳ, dư luận cho rằng có tới 30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Bây giờ, cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ này còn bao nhiêu?

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị)

Vừa qua, tình trạng này có giảm đi. Bộ Chính trị cũng đã có yêu cầu tinh giản biên chế. Nói chung, loại (cán bộ, công chức) này phải giảm xuống. Không thể nói chung chung được

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về vụ lấp sông Đồng Nai làm dự án, Phó thủ tướng cho biết đoàn thanh tra liên ngành do Bộ TN-MT chủ trì, được Thủ tướng chỉ đạo vào thanh tra, đã có báo cáo, đề xuất tạm dừng thực hiện dự án. “Đoàn đã yêu cầu tỉnh Đồng Nai xem xét việc lấp sông trong các phạm vi 50, 70, 100 m... có ảnh hưởng đến dòng chảy, gây xói lở và ảnh hưởng tới 6 tỉnh xung quanh không. Hiện Chính phủ đã giao đoàn thanh tra tiếp tục làm việc với Đồng Nai và các tỉnh liên quan để xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định”, Phó thủ tướng nêu rõ.

Vẫn có một bộ phận cán bộ, công chức xa dân, quan liêu

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đặt câu hỏi: “Thưa Phó thủ tướng, cử tri bất bình vì một bộ phận cán bộ viên chức vòi vĩnh, nhũng nhiễu, vô cảm, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử... Chính phủ có giải pháp mạnh nào cải cách công vụ?”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta có gần 4 triệu cán bộ, công chức viên chức, chưa kể lực lượng vũ trang, nếu tất cả làm việc tốt thì đó là nguồn lực lớn để thực hiện đầy đủ chính sách. Nhưng thực sự vẫn có một bộ phận xa dân, quan liêu”. “Đây là vấn đề đạo đức công vụ và chúng ta đã có luật Công chức, viên chức với 18 nghị định hướng dẫn để điều chỉnh. Chính phủ sắp tới sẽ có một số biện pháp như đổi mới chế độ chính sách công vụ như mô tả việc làm thi tuyển, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tổ chức đánh giá hằng năm để loại bỏ những cán bộ, công chức không đủ năng lực, phẩm chất ra khỏi bộ máy”, Phó thủ tướng nói.

ĐB Lê Như Tiến chất vấn tiếp: “Từ đầu nhiệm kỳ, dư luận cho rằng có tới 30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Bây giờ, cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ này còn bao nhiêu?”. Phó thủ tướng: “Tôi nghĩ có tình trạng này, dù không nhiều... Nhưng dù sao, các bộ, các ngành cũng phải rà soát đội ngũ để hạn chế tình trạng này. Vừa qua, tình trạng này có giảm đi. Bộ Chính trị cũng đã có yêu cầu tinh giản biên chế. Nói chung, loại (cán bộ, công chức) này phải giảm xuống. Không thể nói chung chung được”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Như Tiến
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) - Ảnh: TTXVN

Kiềm chế nợ công

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Từ kỳ họp thứ 8, QH khóa 13, mặc dù Thủ tướng đã có giải trình chi tiết rằng nợ công vẫn trong giới hạn an toàn theo nghị quyết, nhưng cử tri vẫn lo sợ và ĐBQH cũng lo quá đi. Vì sao có sự lỗi nhịp trong suy nghĩ về nợ công. Chính phủ làm thế nào đảm bảo an toàn nợ công?”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trấn an: “Nhiều nước tỷ lệ nợ công cũng rất cao, như tỷ lệ nợ công Nhật Bản trên 300%. Điều quan trọng nhất là khả năng vay, quản lý vay và trả nợ thế nào cho hiệu quả chứ không chỉ là tỷ lệ”. “Vừa qua, ta đầu tư lớn cho hạ tầng, tỷ lệ nợ công tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP. Hiện nay nợ công đã ở mức 62% GDP và giới hạn QH là 65%. Cũng vì cân nhắc các khoản nợ nên vừa qua Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 02 yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường quản lý chi tiêu công, tăng vay dài hạn và ưu tiên các khoản vay lãi suất thấp, tăng vay trong nước để có lọt sàng cũng xuống nia...”, Phó thủ tướng nói và cho rằng vấn đề chính là phải tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư tốt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh mới có thể trả nợ tốt, kiềm chế nợ công.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) hỏi tiếp: “Hiện nay, nhiều nước đã từ chối vay ODA, ta thì hiện vẫn vay quá cao mà nhiều khoản chưa hiệu quả. Phó thủ tướng có ý kiến gì và Chính phủ có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả nguồn vốn này?”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Thực ra, một trong những thành công của chúng ta là đã thu hút được vốn ODA. Nhiều công trình hạ tầng đầu tư bằng vốn ODA đã đem lại hiệu quả tốt. Lãi suất vay ODA nói chung thấp, lãi suất nếu chia ra từng tháng rất thấp, thời gian vay lại dài nên chúng ta vẫn nên tiếp tục kêu gọi”.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhìn nhận một số công trình dùng vốn ODA kéo dài thời gian thi công, do khâu giải phóng mặt bằng quá chậm, vốn đối ứng cấp chậm nên chưa hiệu quả. “Nếu chúng ta cải thiện được tình trạng đó thì sẽ giảm được nợ công xuống. Ngày nay, VN đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đã phải tìm những nguồn vốn khác vì ODA không còn dễ thu hút nữa đâu”, Phó thủ tướng nói.

Xử lý triệt để tin nhắn rác

ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) chất vấn: “Tình trạng tin nhắn rác với hàng chục triệu nạn nhân thường xuyên, nói mãi không sao quản lý được. Bộ TT-TT còn chưa biết bao giờ ngăn chặn được tình trạng này. Chính phủ có chỉ đạo việc này thế nào?”. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Sáng nay, Báo Thanh Niên đã đăng bài nổi bật về vấn đề này, nêu: quản lý sim cần hơn quản lý tin nhắn. Tôi đề nghị đồng chí Nguyễn Bắc Son (Bộ trưởng TT-TT - PV) nghiên cứu, xem xét xử lý lâu dài”.

“Vừa qua, cơ quan chức năng đã dừng một số lượng lớn máy vi phạm quy định, phạt 3 tỉ đồng, nhưng hiện nay số máy di động quá lớn với khoảng 150 triệu máy, 8 triệu thuê bao internet. Vấn đề của chúng ta là việc quản lý CMND chưa chặt nên quản lý đầu vào còn hạn chế”, Phó thủ tướng nói và yêu cầu: “Ở đây có trách nhiệm của 8 nhà mạng, một mặt phải quản lý chế tài, xử phạt nặng hơn tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng cũng cần quản lý chặt đầu vào. Các nhà mạng phải nâng cao trách nhiệm quản lý tin nhắn rác”.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.