Phòng chống tham nhũng và “liều thuốc” mới

25/06/2018 09:15 GMT+7

Cuộc chiến chống tham nhũng thời gian gần đây đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, được cả xã hội đồng thuận, người dân ngày càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, tham nhũng như “giặc nội xâm” và cuộc chiến chống loại giặc này đòi hỏi phải trường kỳ, cần những giải pháp mới trong tình hình mới.
Trước thềm Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh Niên ghi nhận ý kiến của một số cán bộ, nhân sĩ, trí thức xung quanh công tác này.
Thực tâm chống tham nhũng, hỏi dân là biết hết
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ảnh: Lê Hiệp
Phòng chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước nói đến từ lâu trong những Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) khóa VIII vào năm 1999, chúng ta cũng có Pháp lệnh về Phòng chống tham nhũng từ năm 1998, sau này là luật Phòng chống tham nhũng. Nhưng phải đến Đại hội Đảng lần thứ XII thì công cuộc phòng chống tham nhũng mới thực sự khởi sắc và đem lại niềm tin cho đảng viên và nhân dân. Những kết quả đạt được trong thời gian qua, theo tôi là rất đáng ghi nhận và trân trọng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu. Cuộc chiến chống tham nhũng như Đảng đã khẳng định là cuộc chiến chống nội xâm và vì vậy đây cũng là cuộc chiến trường kỳ, quyết liệt không khác gì cuộc chiến chống giặc ngoại xâm. Nếu trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm chúng ta đã có khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” thì tôi cho rằng, khẩu hiệu đó vẫn có giá trị thời sự đối với cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.
Bởi lẽ, còn con người, còn xã hội thì vẫn còn những vấn đề liên quan tới tham nhũng. Lịch sử dân tộc ta đã cho thấy, nhân dân và chính quyền tiến bộ đều chống tham quan, ô lại và nhờ vậy mà lịch sử dân tộc ta phát triển.
Tôi rất kỳ vọng vào hội nghị về công tác phòng chống tham nhũng lần này. Đây là lúc chúng ta rút ra những vấn đề lý luận từ tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn để vạch ra chương trình hành động mới. Cần xác định rõ lý luận về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn tới là gì trên cơ sở rút kinh nghiệm từ kinh nghiệm của ông cha và kinh nghiệm của các nước với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và nói đúng sự thật. Trên cơ sở đó, đề ra chiến lược, sách lược và phương pháp phù hợp với mục tiêu là phải chỉ ra cho được, cụ thể hóa được những địa chỉ tham nhũng, từ những ổ tham nhũng cho tới những cá nhân tham nhũng.
Muốn đạt được mục tiêu này, cần phải dựa vào một hệ thống cán bộ tham mưu, giúp việc trong các cơ quan chống tham nhũng thực sự trung thành, trung thực và trong sáng. Quan trọng hơn là phải có một kế hoạch, chương trình và biện pháp để hỏi dân, trong đó có báo chí. Bác Hồ từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã nhiều lần nhấn mạnh chuyện này nhưng đi vào thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều đảng viên, thậm chí đảng viên có tuổi Đảng cao cũng có tâm tư rằng không biết nói với ai, nói có nghe không. Nhiều nơi công bố đường dây nóng nhưng có người gọi điện cả chục lần cũng không ai nghe. Những cuộc tiếp xúc cử tri của hội đồng nhân dân các cấp đều làm đầy đủ nhưng chất lượng không thực cao…
Chúng ta khuyến khích người dân nói thì phải có người lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đó, thậm chí phản hồi lại cho họ biết thông tin của họ đúng sai tới đâu. Nhiều tổ chức, bộ máy, nhiều cơ quan, đơn vị gần như mắc căn bệnh vô cảm trước những phản ánh của người dân. Do đó, tôi cho rằng, tới đây cần phải sốc lại toàn bộ hệ thống của chúng ta, nâng cao trách nhiệm, nhất là của những cơ quan liên quan tới phòng chống tham nhũng. Bởi lẽ, nếu thực tâm chống tham nhũng, hỏi dân là biết hết.
Nhiều kẻ xuyên tạc công cuộc chống tham nhũng của chúng ta là “đấu đá nội bộ”, thực chất, những kẻ đó chỉ muốn vô hiệu hóa cuộc chiến chống tham nhũng của chúng ta, hạ thấp những ý nghĩa, kết quả đã đạt được. Đây là những luận điệu không đúng với bản chất vấn đề. Tính chất của cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp vì đó là cuộc đấu tranh trong chính nội bộ, làm trong sạch chính cơ thể mình, không có trận tuyến, không có kẻ địch một cách rõ ràng. Đây chính là lý do để những kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc. Song, tôi tin rằng, động cơ và mục đích của công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta đang tiến hành hiện nay là hợp với quy luật. Điều chúng ta muốn là làm lành mạnh xã hội, làm trong sạch Đảng, để chế độ này vững chắc. Đó là cuộc chiến giữa những người chân chính chống lại những kẻ tham nhũng; những người muốn cho đất nước được phát triển, những người có trách nhiệm với dân chống lại những kẻ tiêu cực chứ không có chuyện phe nọ đánh phe kia.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư
Nâng cao vai trò của báo chí
Ông Nguyễn Mai Bộ, ĐBQH, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH Ảnh: Gia Hân
Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua, các cơ quan Đảng, Nhà nước đã đưa ra được một số văn bản thể hiện quyết tâm chính trị, đặc biệt là Quy định 102 của Ban Chấp hành T.Ư về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm hay Quy định 01 về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trong phòng chống tham nhũng, trong đó có quy định UBKT các cấp có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh… Bên cạnh đó, việc xử lý được một số vụ án lớn đã khẳng định kết quả thực tiễn của công cuộc phòng chống tham nhũng không có vùng cấm mà chúng ta đề ra. Điều này tạo ra sự lan tỏa. Tôi đã quan sát thấy nhiều người đương chức giờ đây phải tự điều chỉnh hành vi của mình, không dám thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Rõ ràng, tác dụng răn đe và lan tỏa bước đầu là có.
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận sự lan tỏa của tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn chưa thực sự sâu rộng khắp cả nước.
Thứ nữa, công tác phòng chống tham nhũng ở một số bộ, ngành địa phương vẫn khá “lạnh” dù ở trên đã nóng, thậm chí, cá biệt ở nhiều nơi, tôi cho rằng công tác phòng chống tham nhũng gần như tê liệt. Đó chính là việc những người đứng đầu tại các cơ quan chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng lại là những người “bảo kê” cho tội phạm. Đó là những hiện tượng “lạ” như chiếc xe chở cây quái thú đi qua 16 tỉnh nhưng đến nay vẫn không tìm thấy trách nhiệm thuộc về ai. Rồi rất nhiều vụ việc ở tỉnh A, tỉnh B được báo chí phản ánh nhiều năm nhưng không được xử lý… Bên cạnh đó, hầu hết các vụ việc được đưa ra xử lý trong thời gian vừa qua bị kéo khá dài về mặt thời gian, khiến tâm lý và dư luận xã hội cho rằng, nhiều vụ việc đã bị “chìm xuồng”.
Để khắc phục những hạn chế vừa qua, tôi cho rằng, rất cần phải giám sát, nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương trong phòng chống tham nhũng mà vừa qua chúng ta đã làm song hiệu quả chưa cao. Nâng cao vai trò phản ánh của báo chí kèm theo đó là nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, một khi đã phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm và không kéo dài thời gian xử lý. Đồng thời cần ngăn chặn tình trạng cứ phạm tội là bỏ trốn và áp dụng các biện pháp kê biên tài sản ngay khi khởi tố bị can, chứ nếu không sau này rất khó thu hồi được tài sản tham nhũng, gây thất thoát cho nhà nước.
Ông Nguyễn Mai Bộ, ĐBQH, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh QH
Kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Ông Nguyễn Đình Hương nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Ảnh: Vũ Hân
Tham nhũng bây giờ đã trở thành vấn đề quá lớn. Ngày xưa chúng ta chống Mỹ, chống Pháp là khó ở tương quan lực lượng, trang bị; nhưng chống giặc nội xâm khó khăn hơn bội lần, vì nó nằm ngay trong “đồng chí”, “đồng đội”.
Thế nên, muốn chống tham nhũng không chỉ họp Hội nghị T.Ư để tổng kết rút kinh nghiệm được đâu, mà phải rà soát người đứng đầu. Người đứng đầu các tỉnh đã chuẩn chưa, các bộ đã chuẩn chưa, Ban Chấp hành T.Ư đã chuẩn chưa? Có bao nhiêu người trong sạch? Phải rà soát kể cả các ông đã về hưu.
Kiểm soát quyền lực trước hết là kiểm soát những người đứng đầu các bộ, các địa phương, còn bao nhiêu người xứng đáng? Không làm rõ cái đó thì làm thế nào trong sạch được.
Vũ “nhôm” bắt rồi, Út “trọc” bắt rồi, Vĩnh "chột" bắt rồi, Tuấn “trung tướng” bị bắt rồi, nhưng trên đó là ai? Ai đề bạt những người này, họ dựa vào ai để lộng hành như thế? Phải xử ông trên chứ. Tôi cho rằng phải công bằng, sòng phẳng. Làm được thì khen, không làm được thì cách chức.
Nhiều luận điệu xuyên tạc, nói rằng công cuộc chống tham nhũng này thực ra chỉ là một cuộc thanh trừng nội bộ, nhưng Đảng không chống tham nhũng vì việc đó. Tôi cũng là một anh về hưu có "máu" chống tham nhũng. Tôi nói không phải nói cho tôi, mà tôi nói cho Đảng của tôi, nhân dân của tôi. Nhưng cuộc chống tham nhũng này đừng sốt ruột. Phải làm từng bước, phải tin rằng cuộc đấu tranh này sẽ thành công nhưng phải có bước đi, phải có tổ chức phù hợp.
Ông Nguyễn Đình Hương nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư
Không để nhập nhằng giữa trách nhiệm tập thể và cá nhân
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an
Chỉ trong chưa đầy 2 năm, số vụ trọng án về tham nhũng được đưa ra xét xử nhiều gấp 10 lần trong 20 năm qua. Số cán bộ trung, cao cấp bị xử lý dưới nhiều hình thức cũng nhiều gấp 20 lần so với 20 năm vừa rồi. Bên cạnh đó, những cán bộ được đề bạt mà không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ tiêu chuẩn đã bị đưa ra khỏi bộ máy một cách kiên quyết. Đây cũng là lần đầu tiên trong mấy chục năm chúng ta làm chuyện này. Hàng loạt vụ xử lý kỷ luật cán bộ cao cấp tại Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đồng Nai… với khoảng gần 30 cán bộ trong vòng 2 năm qua cho thấy thái độ kiên quyết, không khoan nhượng không chỉ với tham nhũng mà còn với cả những biểu hiện của suy thoái, tha hóa trong nội bộ.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua cũng cho chúng ta thấy dẫu sao tham nhũng, tha hóa đã nằm sâu trong bộ máy công quyền của chúng ta hàng chục năm nay rồi. Vì vậy, dù 2 năm qua chúng ta đã làm rất tốt, song không có nghĩa là mọi chuyện đã xong xuôi. Yêu cầu của đảng viên, người dân đối với Đảng, Nhà nước là phải tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa để cuộc đấu tranh này đạt được những kết quả căn bản trong thời gian tới.
Để thực hiện được điều này, tôi kiến nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mọi đảng viên thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết T.Ư 4 Đại hội Đảng lần thứ XII. Đảng, Nhà nước cũng cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp để hoàn chỉnh hệ thống giám sát quyền lực trong các cơ quan công quyền. Sửa đổi các quy định của pháp luật để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tránh nhập nhằng giữa trách nhiệm tập thể và cá nhân. Vì chừng nào không quy được trách nhiệm cá nhân một cách rõ ràng, một việc chỉ do một cơ quan chịu trách nhiệm và mỗi cơ quan chỉ có một người chịu trách nhiệm thì không thể giải quyết triệt để được tham nhũng và tha hóa.
Cuối cùng là phải tạo cơ chế để người dân có thể kiểm tra được hoạt động của đảng viên, các tổ chức Đảng. Chúng ta đã nói đến sự giám sát của nhân dân rất nhiều trong các nghị quyết nhưng chưa có một cơ chế thực sự rõ ràng để thực hiện điều này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.