Bí mật “hành phi” - Bài 1: Thâm nhập “làng hành phi”

22/11/2009 23:10 GMT+7

Mỗi ngày, những cơ sở phi hành ở TP.HCM tung ra thị trường hàng chục tấn hành phi thành phẩm. Hành phi sau đó được làm gia vị cho rất nhiều món ăn tại quán xá bình dân cho đến những nhà hàng sang trọng ở khách sạn cao cấp. Thế nhưng, ít ai biết được một lượng lớn hành phi đang sử dụng trên thị trường lại được chế biến bằng một công nghệ cực kỳ mất vệ sinh... Mời nghe đọc bài

Từ phản ánh của một bạn đọc về tình trạng mất vệ sinh ở những lò chế biến hành phi, suốt gần hai tháng ròng rã, PV Thanh Niên đã tìm mọi cách thâm nhập để phanh phui một công nghệ sản xuất lạ đời chưa từng thấy!

Một trong những nơi tập trung phi hành cung cấp cho thị trường TP.HCM và cả một số tỉnh lân cận là làng hành phi ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Mỗi ngày, làng hành phi này đưa ra thị trường hàng chục tấn hành thành phẩm. Ở đây, các lò phi hành phừng phực lửa ngày đêm, đi đến đâu cũng bắt gặp các hộ dân làm nghề lột vỏ hành thuê cho các cơ sở phi hành...

Cho vào... máy giặt

Trong vai một khách hàng, PV Thanh Niên đến ấp Giữa và thâm nhập vào cơ sở của hai chị em bà T., được xem là cơ sở phi hành lớn nhất của làng, mỗi ngày tung ra thị trường hàng tấn hành phi thành phẩm. Choáng ngợp ngay từ cổng là hàng trăm bao hành tươi xếp cao tận nóc nhà, với đủ các loại hành tây, hành ta.

Phía bên trái từ cổng vào là nhà chứa hành thành phẩm. Hàng trăm thùng nhựa chứa hành mới phi xong, thùng nào cũng nhơm nhớp dầu thừa của hành phi chảy ra, bị bụi bám lâu ngày không rửa tạo thành một lớp đất đã chuyển sang màu đen, bết lại như keo. Lúc này, thùng chứa thành phẩm xếp kín không còn chỗ trống, khiến hai công nhân tận dụng luôn miệng thùng làm nơi đóng hàng. Hai chân gác lên miệng thùng, tay cầm vá xúc hàng đổ vào từng bịch nilon (loại 5 kg) rồi lại quăng ngay xuống nền đất. Gần đó, bà chủ T. liên tục nhận điện thoại giao dịch với khách hàng...

Phía cuối đường vào là xưởng sản xuất, rộng chừng 200m2, được xây tường và che tôn cũ đã han gỉ, nền tráng xi măng. Chúng tôi đã suýt té ngửa khi bước vào xưởng, do bị trượt chân khi giẫm lên lớp đất nhem nhép nước và dầu dưới sàn. Trong xưởng, 23 lò xây thủ công đang phừng phực lửa.

Vô tư đóng gói hành thành phẩm - Ảnh: Hoài Nam

Hai máy bào hành đã gỉ sét được đặt trên nền xi măng ngay lối vào đang được hai công nhân vận hành hết công suất. Từng bao hành đã lột vỏ được đổ vào máy, hành bào chảy xuống văng cả ra ngoài nền xi măng lại được công nhân tay đầy mồ hôi, đất cát hốt vào chậu. Đây là công đoạn đầu tiên trong quy trình sản xuất. Tiếp đến, hành đã bào mỏng được cho vào những chiếc máy giặt cũ kỹ, sét gỉ để vắt nước, rồi được chuyển sang trộn tẩm bột mì trước khi đổ vào chảo phi.

Trộn tạp chất...

Mỗi lò phi hành có ít nhất một thanh niên phụ trách. Người thì cởi trần, người mặc những chiếc áo mỏng bết vào da thịt do mồ hôi túa ra như tắm bởi sức nóng hầm hập của những lò lửa và chảo dầu sôi ùng ục.

Một tấn hành tươi nếu không trộn chỉ cho ra khoảng 280 kg hành phi. Nhưng bình thường các chủ lò thu về tới 450 kg hành phi thành phẩm, đó là nhờ trộn nhiều thứ khác.
Một công nhân ở ấp Giữa, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM

Ở một lò gần giữa xưởng, anh thợ bê chậu hành đã trộn bột mì đổ vào chảo dầu đen ngòm đang sôi. Một tay cầm vá đảo hành trong chảo, tay còn lại anh giơ lên quệt mồ hôi mặt đang chảy thành dòng. Chiếc áo mỏng không thấm hết mồ hôi nên mỗi khi anh giơ tay đảo hành, mồ hôi trên tay áo lại nhỏ tong tỏng vào chảo. Đến khi hành vừa đủ vàng, thợ phi cầm vá vớt ngay ra chậu phía dưới mà miệng và thành chậu bám đầy mùn cưa, bụi đất...

Đặc biệt, hành sau khi phi xong, chờ cho nguội bớt sẽ... được bỏ vào máy giặt để vắt kiệt dầu. Dầu thừa từ máy vắt hành sẽ được tái sử dụng để phi hành. Còn hành thành phẩm được đổ vào những thùng nhựa lớn, chuyển sang công đoạn đóng gói...

Tại cơ sở của một ông cũng tên T., mặc dù không quy mô bằng cơ sở của chị em bà T., nhưng mỗi ngày cho ra lò trên dưới một tấn hành phi thành phẩm. Hôm chúng tôi đến thì thấy một tấm bạt cũ lâu ngày không giặt đã chuyển sang màu ố vàng loang lổ do dầu, đất bụi bám vào, được trải xuống giữa nhà để làm “xưởng đóng gói hành thành phẩm”. Một công nhân chân đất, quần đùi vô tư giẫm lên đống hành thành phẩm giữa bạt để đóng gói...

Ở một góc, 7 lò phi hành đang rực lửa. Công nhân không mang đồ bảo hộ luôn tay với công việc bào hành, phi hành, tẩm bột, máy bào hành, máy vắt chạy hết công suất trên một nền đất ẩm ướt đầy dầu, nước, đất quyện vào nhau đen xì, nhớp nhúa...

Trong suốt gần hai tháng, chúng tôi đến nhiều cơ sở phi hành ở Củ Chi và Hóc Môn để ghi nhận “công nghệ” chế biến hành phi. Đi đến đâu cũng cảnh ruồi nhặng bay khắp xưởng, dầu, nước thải đen ngòm túa trên nền xưởng nhèm nhẹp, hành thành phẩm đổ ngay ra đất, những bịch hành đóng gói xong vứt lăn lóc dưới nền nhà...

Khó có thể tưởng tượng, những lát hành phi này sau đó lại được rắc lên những tô hủ tiếu, những dĩa bánh cuốn... ở những quán xá nơi đô thị.

Phi... dầu đen

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở ấp Giữa có tổng cộng 11 cơ sở phi hành, với 48 công nhân trực tiếp đứng lò. Các cơ sở phi hành ở đây tạo công ăn việc làm (thuê lột vỏ hành) cho khoảng 50% trong tổng số hơn 1 ngàn hộ dân ấp. Chủ nhiều lò hành phi cho biết hành thành phẩm từ đây được chuyển đến cho thương lái ở các chợ trong thành phố như An Đông, Chợ Lớn, Ông Tạ, Bình Tây... Tiếp theo, tiểu thương sẽ bán sỉ cho những nhà hàng lớn chế biến các món ăn và bán lẻ cho các quán bán hủ tíu, bánh cuốn, bánh ướt, xôi, gỏi...

Ngoài mối tiêu thụ trong thành phố, các lò hành phi còn cung cấp cho mối lái ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai... mỗi ngày hàng tấn hành phi thành phẩm.

Vốc một nắm hành thành phẩm còn ấm lên đưa ra trước mặt PV Thanh Niên, bà T. đầy tự tin: “Hành ở cơ sở tôi là nhất, chiên bằng dầu tốt và ít trộn. Đảm bảo không nơi nào hành và giá tốt hơn đây đâu”. Tuy nhiên thực tế, việc trộn bột vào hành trước khi phi nơi nào cũng có, mà theo tiết lộ của một số công nhân là để tăng trọng lượng hành và hành thêm giòn. Bình quân, cứ một tấn hành tươi được các chủ lò cho trộn khoảng 200 đến 300 kg bột mì, bột năng.

Bên cạnh đó, các chủ lò còn áp dụng thủ thuật bào cả hành tây, củ cải, củ mì để phi, sau đó trộn lẫn với hành ta phi nguyên chất mang đóng gói... nhằm hạ giá thành để cạnh tranh. “Một tấn hành tươi nếu không trộn chỉ cho ra khoảng 280 kg hành phi. Nhưng bình thường các chủ lò thu về tới 450 kg hành phi thành phẩm, đó là nhờ trộn nhiều thứ khác”, một công nhân nói. Có lẽ, do trộn nhiều tạp chất nên giá bán sỉ hành phi thành phẩm của các cơ sở ở đây thấp nhất là 19 ngàn đồng, còn cao nhất cũng chỉ 55 ngàn đồng/kg. “Nếu không dùng những thủ thuật để tăng trọng lượng thì một kg hành phi thành phẩm phải bán với giá 120 ngàn đồng mới có lời”, một chủ cơ sở cho biết.

Một điểm chung khác PV ghi nhận tại nhiều cơ sở phi hành ở ấp Giữa là loại dầu để phi hành thường có màu đen như nước cống (chủ cơ sở phi hành gọi là dầu đen), đựng trong những can nhựa bẩn. Khi mở nắp can thì mùi hôi, thậm chí mùi thối, bốc ra nồng nặc, rất khó chịu, nếu để ý kỹ sẽ thấy dầu lợn cợn những chất giống như đồ ăn dư thừa hoặc chất hữu cơ đóng vón...

Theo một số công nhân, loại dầu đen này được mua từ các cơ sở chế biến dầu phế thải, với giá chỉ từ 7 đến 8 ngàn đồng/kg. Vậy dầu đen là dầu gì mà lại có mùi hôi thối nồng nặc? Theo chân một số người bỏ mối dầu, PV Thanh Niên tiếp tục thâm nhập các cơ sở chế biến dầu phế thải chuyên cung cấp cho các lò phi hành và phát hiện một công nghệ thu gom - chế biến dầu thừa cặn không thể tưởng tượng nổi! (Còn tiếp)

Điều tra của Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.