Chủ tịch huyện viết sách

19/04/2010 13:56 GMT+7

(TNTT>) Văn hóa người C’tu là cuốn sách mới xuất bản của Bh’ríu Liếc, chủ tịch UBND huyện Tây Giang, Quảng Nam. Ngoài đam mê nghiên cứu văn hóa C’tu (Cơtu), vị chủ tịch huyện này còn được biết đến nhiều bởi khả năng… đi bộ nhiều nhất nước.

Sinh năm 1964, ông Liếc được xem là người con Cơtu ưu tú của đất Tr’Hy thuộc khu 7 cũ,  hiện thuộc xã mới Axan. Rời vùng cao heo hút, Bh'riu Liếc cùng số ít bạn bè Cơtu học lên cao mãi.

“Nghiên cứu” ngẫu hứng

Rồi ông được chuyển xuống TP Đà Nẵng theo học chương trình cấp 3. Giai đoạn đó chiến tranh biên giới Tây Nam đang nổ ra, chàng trai họ Bh’ríu cũng xin nhập ngũ nhưng “bị” các già làng từ chối, bắt phải đi học.

Bốn người bạn Cơtu khác bỏ học quay về vì không chịu nổi đói khát và nhớ bản làng, chỉ Bh’ríu Liếc trụ lại, tự nuôi sống mình nhờ bắt cá, hái rau dọc dãy ruộng nằm sát bên chân cầu Trần Thị Lý, Đà Nẵng. 

Những đêm nằm nhớ bản làng, Bh’ríu Liếc viết nhật ký. “Viết nhật ký đã trở thành căn “bệnh” của tôi, rất siêng viết. Giờ đọc lại thấy cũng… hay lắm!” – Bh’ríu Liếc cười sảng khoái nhớ lại. Và nhiều trang nhật ký của anh bây giờ được giới thiệu lại trong công trình đầu tay vừa xuất bản.

"Tôi giống như một nhành cây giữa bao la rừng núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Và, có một thời tôi sống giữa đô thành lòng đau đáu nhớ rừng, nhớ quê, nhớ dòng thác đổ rì rầm, nhớ tiếng chim kêu, vượn hót, nhớ ánh trăng vằng vặc với làn gió thoảng mát rượi; nhớ từng bậc thang bước lên nhà sàn ấm cúng; nhớ bà con cô bác, nhớ giọng nói của người mẹ yêu thương khi tôi còn bé bỏng...".


Bh’ríu Liếc (phải) trong lần trao đổi thông tin văn hóa, du lịch với du khách lên Tây Giang khảo sát - Ảnh: Nguyễn Hữu Sáng

Giờ Bh’ríu Liếc vẫn viết nhật ký đều. Ấy là một cách gọi khác của ông về niềm đam mê nghiên cứu văn hóa Cơtu, bắt đầu đã hàng chục năm nay. "Tôi không được như những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Chỉ gặp đâu viết đó, như viết... nhật ký. Khi cần thì tập hợp, sắp xếp lại", ông tâm sự.

Cuốn sách Tiếng thông dụng C'tu - Kinh và văn hóa làng C'tu (sau này là Văn hóa người C’tu) đã ra đời bất ngờ như thế, từ những trang ghi chép nghiêm túc nhưng đầy ngẫu hứng.

Khởi thảo rải rác từ gần 20 năm trước, đến năm 2003-2004 Bh’ríu Liếc dồn nhiều thời gian viết sách. Chính UBND H.Tây Giang đã mời những người Cơtu am hiểu văn hóa của đồng bào mình tham dự nhiều hội thảo để góp ý.

Sau công trình này, được huyện thưởng hơn 10 triệu đồng, Bh’ríu Liếc không chịu lấy tiền, chỉ muốn được mua tặng chiếc máy vi tính xách tay để viết lách lưu trữ tốt hơn. “Cái máy điện thoại di động của tôi bây giờ cũng tiện lợi lắm đấy nhé, là nơi tôi… viết nhật ký thường xuyên” - ông khoe.

Đau đáu nỗi lo mất gốc

Rồi cuốn sách của Bh’ríu Liếc đã ra đời như một lời nguyện. Bởi từ rất lâu, Bh’ríu Liếc vẫn đau đáu nỗi lo bản sắc Cơtu sẽ mai một khi lớp trẻ vùng cao lớn lên mà không biết chữ viết, không nắm bắt ngọn nguồn văn hóa…

“Trước hết là trách nhiệm, sau đó mới kể đến đam mê, anh ạ. Tôi luôn lo sợ nên cố gắng góp nhặt và giữ gìn. Khách sẽ không đến xem người Cơtu ăn cái gì, mà sẽ đặt câu hỏi: người Cơtu có văn hóa gì?” - Bh’ríu Liếc thổ lộ.

Ông đã lặn lội nhiều nơi, tập hợp những tư liệu quý qua đó giới thiệu, phân tích kỹ lưỡng về văn hóa làng, quan hệ gia đình, lễ hội, ẩm thực, luật tục, kinh nghiệm sản xuất, săn bắt... của đồng bào Cơtu.

Để viết được một trang sách, ông ra tận Viện Bảo tàng dân tộc học ở Hà Nội nhờ người quen tìm giúp các bản đồ xưa do người Pháp chụp từ năm 1938.

Để hiểu biết thấu đáo và viết đúng (chừng 3 trang sách) về cách pha chế rượu Tr'đin đang có nguy cơ thất truyền, Bh’ríu Liếc vào rừng sâu, ở riết cả tháng trong thôn bản mới được các già làng “bật mí” cho.


Bh’ríu Liếc là cán bộ lãnh đạo huyện luôn có mặt ở nhiều bản làng

Cứ thế, ông có nhiều trang viết tỉ mỉ về cây thuốc, về các món ăn gần như thất truyền vừa được địa phương khôi phục như rượu tà vạt, buốh, buốh prí, a viết,  r'lang; về những điều huyền bí đang lưu truyền trong dân gian Cơtu như cách dùng ngải thương, thuốc độc Ch'pơơr, bệnh dịch P'rong hay cách xem trứng gà, xem gan mật heo, xem vỏ ốc đá… để tiên đoán.

Đã có một vị tiến sĩ ngoài Hà Nội khi viết sách về người Cơtu phải nhờ đến Bh’ríu Liếc chỉnh sửa bản thảo.

Xuyên rừng đi lấy tư liệu

Gặp dân để lấy tư liệu viết, những gì không hiểu lại phải xuống dân hỏi lại. Xong, mở nhiều hội thảo lấy ý kiến. Quả là niềm đam mê được “nâng đỡ” bằng một cách làm việc nghiêm túc, khoa học. Bh’ríu Liếc gần dân, ở lẫn trong dân.

Đã có người thử “thống kê” trong vòng nửa năm, ông đi bộ đến gần 70 thôn bản, được xem là vị chủ tịch huyện đi bộ nhiều nhất nước! “Ở vùng cao như Tây Giang, tất nhiên phải thường xuyên đi bộ. Tôi vẫn thường lên 4 xã vùng cao sát biên giới. Ở các bản làng, năm nào mà tôi không xuống đó 2 lần thì bà con nhớ, còn mình thì thấy thiếu thiếu cái gì đó” – ông tâm sự.

Giữa tháng 3.2010 vừa qua, chàng thanh niên Bh’ríu Liếc từng theo huyền thoại Clâu Bhlao phá rừng mở lối 28 năm trước đã quay trở lại, tận tay trao tặng Clâu Bhlao cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng nhân sự kiện thông tuyến đường lên vùng biên giới Việt - Lào.

Clâu Bhlao chính là người tìm ra con đường ngắn nhất từ vùng biên giới xuống trung tâm huyện Hiên cũ (nay tách thành Đông Giang, Tây Giang), rút ngắn chỉ còn 1/3 thời gian. Và trên con đường này, Bh’ríu Liếc và nhiều thanh niên Cơtu vùng cao được đi học, rồi đi làm cán bộ…

Phải có một nghị lực lớn và niềm đam mê bền bỉ để một đứa trẻ Cơtu mồ côi mẹ từ năm 14 tuổi như Bh’ríu Liếc vượt qua các con “dốc” đói nghèo, khát chữ, trở thành vị Chủ tịch UBND huyện và xuất bản sách.

Nhưng ông chưa dừng lại. “Có hai công trình quan trọng tôi muốn làm: viết từ điển Kinh-Cơtu và cuốn dư địa chí Tây Giang. Có lẽ tôi chọn viết dư địa chí trước, vì sợ các cụ Cơtu cao tuổi “đi” hết và mang theo về thế giới bên kia những tư liệu quý báu, tin rằng mình sẽ làm được!”.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.