Chương trình Mùa xuân biên giới 7: Ước mơ nơi đảo xa

13/01/2009 08:56 GMT+7

Hòn Khoai, trước có tên gọi rất thơ mộng - hòn Giáng Hương - và nhiều tên gọi khác như hòn Độc Lập, đảo Poulo Obi. Tên Hòn Khoai được gọi vì nhìn từ xa đảo giống như củ khoai khổng lồ và đá cuội trên đảo to và cũng tròn tròn như củ khoai tây. Hòn Khoai cách đất liền khoảng 16 hải lý, tính từ cửa Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển.

“Vật thể lạ” trên đảo 
 
Cụm đảo Hòn Khoai có nhiều đảo nhỏ nằm gần kề như Hòn Sao (hình con sao biển), hòn Đồi mồi (có hình dáng con rùa biển đang ngâm mình dưới nước), hòn Đá lẻ, hòn Tượng… Hòn Khoai nhìn từ đất liền chỉ là một chấm nhỏ phía cực Nam của mũi Cà Mau nhưng lại là vị trí đèn biển quan trọng ở biển Tây Nam và vịnh Thái Lan mà còn là vị trí tiền tiêu quan trọng ở cực Nam Tổ quốc.

Hòn Khoai có tên là Độc Lập là có lý do. Năm 1940, cuộc khởi nghĩa do thầy giáo Phan Ngọc Hiển chỉ huy nổ ra tại Hòn Khoai, giết chết tên chúa đảo là Oliever và tịch thu kho vũ khí. Sau 7 ngày chiến đấu anh dũng giữ đảo, nhiều người rơi vào tay giặc, trong đó có thầy giáo Hiển.

Ngày 12 -7- 1941, nhà giáo yêu nước Phan Ngọc Hiển bị Pháp đem ra xử bắn tại sân vận động thị xã Cà Mau. Cuộc khởi nghĩa của các chiến sĩ tại Hòn Khoai đã để lại sự khâm phục trong lòng nhân dân cả nước. 

Đại úy Lê Văn Bản, Trưởng trạm ra đa 595, thuộc Hải quân vùng 5 đóng trên Hòn Khoai đã nóng lòng vào ra chờ đoàn chúng tôi trên đỉnh đảo. Đường lên đỉnh đảo là một đoạn dốc với những viên đá  xếp lổn nhổn lên nhau dài khoảng 100m, tiếp đó là những con dốc đứng 70° xoắn hình trôn ốc.

Mọi người tuôn mồ hôi như tắm và thở dốc. Đúng lúc tôi “chịu hết xiết” thì có tiếng xe gắn máy nổ từ xa. Trung úy Nguyễn Tiến Hòa, Phó Bí thư chi đoàn trạm ra đa chạy chiếc xe gắn máy xuống dốc đón người “yếu nhất đoàn”, là tôi. Nhìn chiếc xe gắn máy cũ kỹ đầy “sẹo”, không vè, không bô, không đèn còi, tôi không đoán được xe đó của hãng nào và nó bao nhiêu “tuổi” nên cũng hơi ngại.

Để lên đến đỉnh Hòn Khoai, chiếc xe phải tháo ống bô và chỉ gài một số duy nhất - số 1. Đi một đỗi chiếc xe đảo như “lên đồng” vì xẹp bánh. Thấy tôi sợ quá, trung úy Hòa dừng xe ở ven rừng rút ống bơm trên xe ra bơm lấy bơm để. Và tôi được chở lên đỉnh đảo với cái xe thời tiền sử ấy.

Hỏi mới biết, đó là chiếc xe mà Công ty Viễn thông Viettel dùng làm phương tiện vận chuyển vật liệu lên đỉnh đảo khi họ thi công một công trình của hãng ở đảo. Xong việc, họ tặng lại trạm ra đa của hải quân. Nhìn xe xấu thế, nhưng “vật thể lạ” đang là chiếc xe duy nhất của các lực lượng vũ trang giữ đảo.

Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Kiểm lâm nhiều lần có việc gấp, chạy bộ không kịp cũng phải mượn xe của hải quân. Để chuẩn bị “cõng” tôi xuống núi, trung úy Hòa và một cậu hải quân trẻ đã phải hì hục sửa chiếc xe cà tàng ấy hàng giờ liền.

Lần phát hiện một tàu dân bị tai nạn tại Hòn Khoai, chiếc xe cà tàng ấy phải chạy lên, chạy xuống giữa bãi biển và đỉnh đảo nhiều lần, không chịu nổi sự “vất vả” đã nằm vạ giữa rừng. Các chiến sĩ hải quân phải ôm thiết bị cứu sinh chạy bộ để cứu dân.

Xong việc, giận quá họ bỏ mặc chiếc xe cà tàng trong rừng nhưng ngày hôm sau, họ lại xuống hì hục sửa chữa, bởi nếu không có nó, các chiến sĩ hải quân trên đỉnh đảo và các chiến sĩ giữ đèn biển còn phải nai lưng cõng thực phẩm, nước sạch và hàng tiếp vận từ bãi dài vượt hàng chục  con dốc đứng  lên đỉnh đảo.

Chuyện kể của trạm ra đa này được bắt đầu từ  năm 1988 và người gắn liền với đảo Hòn Khoai thuở còn hoang sơ ngày ấy là chàng thiếu úy hải quân trẻ Nguyễn Ngọc Hòe, quê Nghệ An, được điều động từ đảo Thổ Chu sang đây để thiết lập cơ sở hạ tầng cho trạm ra đa trong tình hình mới.

Ngày ấy, cây cối trên đảo rậm ri, âm u đến rợn người. Con đường nhựa cũ dẫn lên căn cứ hải lục không quân của chế độ cũ chi chít cây rừng bò ra chắn lối. Con đường dốc đứng dài 3 km được khơi thông bởi nhóm chiến sĩ hải quân. Và trên nền nhà tiền chế cũ, đổ nát và khung cảnh hoang tàn quanh đó, tổ chiến sĩ gồm 3 người đã đặt nền cho khu trạm ra đa vững chải ngày hôm nay.

 

Chiếc xe gắn máy duy nhất trên đảo Hòn Khoai

Cái khó nhất lúc ấy là nước ngọt và lương thực. Những ngày ấy, thiếu úy Hòe, trạm trưởng trạm ra đa đầu tiên và các chiến sĩ phải sống những ngày vất vả vì tất cả lương thực, nước uống các anh đều phải chờ tiếp tế từ đất liền. Có khi biển động cả tháng, cán bộ, chiến sĩ phải tính toán gạo, rau và đặc biệt họ đã phải tính toán nước uống cầm hơi như đang đi trên sa mạc.

Trong tình huống ấy, các chiến sĩ hải quân vùng 5 vẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “khai hoang” trên chóp đảo Hòn Khoai. Và bây giờ, theo đại úy Bản, trưởng trạm hiện nay, các anh đã tự lo cho bữa ăn của mình những món rau xanh, thịt heo và cá tươi, hơn thế, các anh đã xây được một hồ chứa nước ngọt trên đỉnh đảo.

Trên đỉnh đảo hoang vắng này bây giờ đã có vườn rau xanh mướt rộng gần 700m2, thu hoạch từ hai ao cá được hơn 500kg cá các loại và có cả 2 chú heo được nuôi để chuẩn bị làm nhân cho bánh chưng ngày tết.

Chiếc dao bào của bà Tư Chuối 
 
Đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời, cách cửa Sông Đốc khoảng 3 giờ tàu chạy, trước giải phóng  vốn là nơi trú ẩn an toàn của những thanh niên trốn quân dịch. Năm 1973, cha bà Tư đưa anh trai bà ra đảo để trốn lính.

Quay về đất liền, nghĩ thương thằng con trai chơ vơ giữa biển một mình nên cha bà Tư “khuân” hết cả nhà ra đảo sống. Năm ấy bà Tư còn là cô gái trẻ 16 tuổi, tên thật là Nguyễn Thị Hà.

Những tưởng chỉ một gia đình mình sống ngoài đảo  nhưng sau đó họ mới phát hiện còn vài người khác cũng đang sống  trên đảo  vì trốn quân dịch như  ông Chiến, ông Hai...

Cuộc sống khó khăn trên đảo đã đẩy những người cô đơn lại với nhau và bà Tư lập gia đình trên đảo. Chồng chết, 6 đứa con lần lượt vào bờ sinh sống. Bà Tư ở lại đảo sống với những kỷ niệm xưa và vườn chuối cũ. Thằng con trai thấy vậy lại mang vợ trở ra đảo sống với bà.

Những ngày gió lớn, biển động, bà Tư không bán chuối cho ai được thì mang chuối ép phơi và nướng chuối bán cho cư dân trên đảo. Từ đó, bà có tên bà Tư chuối nướng. Cũng tưởng bà Tư  “chết danh” với những trái chuối trên đảo này, nhưng một bất ngờ khác đã đẩy đưa “bà Tư chuối nướng” thành “bà Tư đỡ đẻ”.

Cư dân ở đảo suốt ngày hụp lặn dưới biển sâu kiếm sống, với họ, việc đánh bắt được mùa nào con gì quan trọng hơn việc biết chữ. Và chuyện bà Tư “chuối nướng” trở thành bà Tư “đỡ đẻ” cũng chẳng qua học hành gì. Thường phụ nữ ngoài đảo sắp sanh phải vào ở trong đất liền cả tháng chờ sinh. Sinh xong cũng chờ đầy tháng mới ra.

Nhưng nào phải ai cũng có người thân trong đất liền mà vào ở chờ sinh đâu. Gia đình Nhí, chuyên phụ việc gắp câu kiếm sống thật khổ. Nhí có người bà con xa ở tận U Minh, vào đó xa lắm nên cô cứ lần chần chờ chồng đi biển về để đưa vào “nằm chờ đẻ” ở nhà họ hàng xa trong Năm Căn.

Nghe nói chồng đã có vợ khác trong bờ, không ra đảo nữa nên tối ấy, Nhí ra ghềnh đá nhìn vào đất liền mà khóc rồi chuyển bụng đẻ rớt ở gốc cây gần đó. Nghe tiếng con nít khóc nghẹn nghẹn, tiếng rên la khe khẽ của người mẹ, bà Tư vội vàng lấy cái đèn pin ra coi. Bà hét toáng gọi mọi người gần đấy giúp mẹ con Nhí vào nhà. Người nấu nước, người chạy lấy  cái mền quấn cho đứa trẻ trong khi bà Tư vội lấy con dao bào mà “chú hải quân mới cho” hơ lửa rồi cắt rốn ngon ơ.

Bà bảo: “Mình sanh 6 lần rồi nên biết các “thủ tục”, làm như vậy là được”. Mà bà Tư thật mát tay, lũ trẻ ở đảo Hòn Chuối được bà đỡ sinh ra sống dễ như cây cỏ ngoài hòn vậy. Chúng lớn lên khỏe mạnh như cây rừng trên đảo. Có lần, “Con nhỏ nhà Mơ đẻ ngược. Thấy chân tay lòi ra trước tui hết hồn, nhưng lúc ấy mình thấy như con cái  mình đang gặp nguy hiểm, thế là tự dưng suy nghĩ ra cách đỡ đẻ an toàn cho mẹ con nó, vậy thôi”, bà Tư cười hiền lành kể.

Từ đó đến nay, cứ mỗi chiếc dao bào bà Tư xin được từ các chiến sĩ hải quân là một lần bà Tư giúp cho vài đứa trẻ ra đời khỏe mạnh trên đảo.

Trong chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tuấn Khanh tại đảo Hòn Chuối, bà Tư kể ông nghe những nỗi khó khăn của phụ nữ vượt cạn ngoài đảo  và bà  không ngại nói với ông “mơ ước có một bộ đồ nghề đỡ đẻ cho đúng vệ sinh”. Ông Bí thư gật đầu và đưa tay nắm lấy bàn tay của bà Tư và nói “sẽ có bà Tư à”. 

Bà Sáu và ông tổ trưởng an ninh nhân dân trên đảo ngồi gần bên cũng “tranh thủ” nói với ông  Bí thư về mơ ước có một lớp  học “theo chương trình giáo dục đúng chuẩn hẳn hoi để khi chúng lớn hơn vào đất liền sẽ được tiếp nhận vào học tiếp”…

Những “mơ ước không của riêng ai” được các cư dân trên đảo và các chiến sĩ biên phòng bàn bạc với ông Bí thư một cách triệt để, trước khi tàu đón ông và đoàn cán bộ tỉnh Cà Mau vào bờ…

Theo Phạm Thục / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.