Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc

17/02/2012 03:44 GMT+7

Mãi đến tận tháng 7.1989, những tàn tro cuối cùng của ngọn lửa chiến tranh biên giới bùng lên hơn mười năm trước đó mới nguội tắt hẳn ở Hà Giang. Thêm hai thập niên nữa, việc phân định một đường biên trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được hoàn thành. Suốt 30 năm ròng rã ấy đã có biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu mà quân, dân ta đổ xuống để cắm giữ những cột mốc thiêng liêng bảo vệ chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc.

Mãi đến tận tháng 7.1989, những tàn tro cuối cùng của ngọn lửa chiến tranh biên giới bùng lên hơn mười năm trước đó mới nguội tắt hẳn ở Hà Giang. Thêm hai thập niên nữa, việc phân định một đường biên trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được hoàn thành. Suốt 30 năm ròng rã ấy đã có biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu mà quân, dân ta đổ xuống để cắm giữ những cột mốc thiêng liêng bảo vệ chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc.

Săm Pun tuyết bỏng

Cho đến khi cột mốc cuối cùng phân định đường biên giữa Hà Giang và Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), được cắm xuống vào ngày 30.12.2008, trung tá Vũ Quang Vịnh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Phó Bảng (huyện Đồng Văn), mới thực sự tin rằng những ngày gian nan nhất của những người lính biên phòng Hà Giang đã tạm ở lại sau lưng. Gần trọn binh nghiệp gắn bó với vùng đất biên viễn này, đã qua nhiều địa bàn “nóng”, nhưng có lẽ những tháng ngày ở Săm Pun (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc) để lại trong ông những ký ức khó quên nhất.

 
Cố đại tá Nguyễn Xuân Hồng (phải), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Giang - Ảnh: Thu Trang

Đã hơn 10 năm trung tá Vịnh rời mảnh đất ấy. Nhưng nhắc đến Săm Pun, kỷ niệm lại ùa về ào ạt. Hơn 30 năm trước, để vượt qua quãng đường hơn 160 km từ thị xã Hà Giang đến trung tâm huyện Mèo Vạc cũng mất 2 ngày ô tô. Đường đá hộc, đèo cao, dốc dựng. Xe đổ, xe rơi, xe “chết” giữa đường là chuyện thường xuyên. Để vào được Săm Pun lại mất thêm 1 ngày lội bộ nữa. Đấy là với những người lính biên phòng chứ người bình thường có khi phải gấp đôi khoảng thời gian ấy.

Mỗi chuyến ra huyện cõng gạo, những người lính Săm Pun cũng mất đứt 3 ngày băng rừng, vượt dốc đi về. Nằm ở độ cao 2.000m so với mặt biển, khí hậu Săm Pun cực kỳ khắc nghiệt. Mùa đông, nhiệt độ xuống dưới âm dăm bảy độ là bình thường. Mùa hè những người lính lại trần mình chống chọi với cái nóng ngột ngạt trên dưới 40oC.

Nhưng đó chưa phải là những thử thách lớn nhất.

Thập niên 1980, Săm Pun “rừng thiêng nước độc” còn là nơi mà nhiều toán phỉ manh động thường xuyên gây rối dưới sự kích động, hậu thuẫn và chỉ đạo của nước ngoài. Không chỉ nuôi giấu, chỉ điểm cho biệt kích, thám báo địch xâm nhập, gài mìn, tập kích bộ đội Việt Nam, các toán phỉ còn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân bằng việc đặt mìn phá hoại, bỏ thuốc độc vào nguồn nước.

Năm 1980, toán phỉ Lý Nhè Lùng từng gài mìn đánh cháy một xe khách trên đỉnh Mã Pí Lèng gây thương vong lớn. Năm 1981, chúng gài mìn đánh trúng một xe quân sự làm 4 bộ đội hy sinh. Ngoài ra còn một loạt âm mưu khác bị ta ngăn chặn như vụ đặt mìn phá cầu Tràng Hương bắc qua sông Nho Quế, vụ đặt mìn phục kích xe đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên (sau tách thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang) năm 1985...

Sau hàng loạt hoạt động trấn áp của ta đến năm 1988, các cụm phỉ ở đây mới hoàn toàn tan rã.

Có khi đạn đã lên nòng

Trong suốt 13 năm gắn bó với Săm Pun (1988-2001), giai đoạn 1992-1998 có lẽ là khoảng thời gian vất vả, gian khó nhất với trung tá Vịnh. Gần như hằng ngày, hằng giờ bộ đội biên phòng cùng nhân dân xã Xín Cái phải đối phó với những thủ đoạn xâm lấn đất đai. Thời gian đó khu vực Lùng Vần Chải (xã Xín Cái) là một trong những nơi căng thẳng nhất. “Không có tiếng súng nổ, nhưng đã có rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu mà quân, dân Hà Giang đã đổ ra trong những năm tháng ấy...”, trung tá Vịnh hồi tưởng.

Khắc tinh của phỉ

Nguyện vọng được gặp đại tá Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Giang, của chúng tôi cuối cùng đã không thể thực hiện được. Cựu sĩ quan biên phòng từng hàng chục năm gắn bó với Săm Pun đã qua đời vào tháng 3.2011 sau cơn bạo bệnh. Những năm 1970-1980 cái tên Nguyễn Xuân Hồng từng là nỗi kinh hoàng của những cụm phỉ và những kẻ xâm phạm đến từ bên kia biên giới. Kẻ thù thậm chí từng “treo giải lấy đầu” ông với cái giá hàng chục nghìn nhân dân tệ. Lên công tác ở Săm Pun từ năm 1975 khi đường lên vùng đất này còn chưa thành hình, đại tá Hồng đã để lại trong lòng người dân Săm Pun và lực lượng biên phòng Hà Giang những ký ức không thể phai mờ.

Theo Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên đường biên giới được ký kết vào 7.11.1991, hai bên phải giữ nguyên đường biên mốc giới, không được làm thay đổi thực trạng. Nhưng trên thực địa, phía bên kia vẫn liên tục tổ chức các hoạt động xâm lấn để tạo lợi thế cho đàm phán sau này. “Giai đoạn căng thẳng nhất có lẽ là thời kỳ 1992-1994 khi mà họ liên tục có những hoạt động lấn chiếm trắng trợn”, trung tá Vịnh kể.

Ngày 4.3.1992, đối phương cho gần 30 lính, dân mang theo vũ khí xâm nhập vào xóm Xéo Lủng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), ngang ngược tuyên bố đất Xéo Lủng là lãnh thổ của họ rồi nổi lửa đốt phá làm cháy rụi 18 ngôi nhà, hơn 3,5 tấn lương thực và nhiều tài sản khác của người dân.

Ngày 14.3.1994, họ cho khoảng 60 dân mang theo dao, cuốc có lính vũ trang hộ tống ngang nhiên sang xâm chiếm phần đất giáp biên của xóm Lùng Vần Chải (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc). Khi lực lượng biên phòng và nhân dân ta ra đấu tranh quyết liệt họ đã phải rút lui.

Hơn 10 ngày sau đó (25.3.1994), họ lại huy động 150 dân có lính vũ trang đi kèm sang Lùng Vần Chải để cày cuốc, gieo trồng. Khi bị ta phản đối, họ dùng gậy, cuốc, gạch đá đe dọa và sau đó hành hung người dân Việt Nam. Khi thấy ta tăng cường lực lượng họ mới chịu chạy về bên kia biên giới.

Ngày 30.3.1994, đối phương cho 60 lính kèm chó nghiệp vụ hộ tống 200 dân tiếp tục sang lấn chiếm. Ỷ thế đông người, họ đã tấn công lực lượng đấu tranh của Việt Nam làm 17 người bị thương nặng trong đó có cả cụ già và trẻ nhỏ. Chúng còn hung hãn xông vào xóm Lùng Vần Chải đập phá tài sản và phá sập ba ngôi nhà. Có lực lượng áp đảo và vô cùng ngang ngược nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt của ta, một lần nữa chúng phải rút về bên kia biên giới.

Ngay sau đó, Đồn biên phòng Săm Pun và UBND xã Xín Cái đã gửi kháng thư  yêu cầu chấm dứt những hành động lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, một tổ công tác đặc biệt gồm 10 cán bộ, chiến sĩ của đồn Săm Pun đã được đưa về bám trụ tại Lùng Vần Chải để kịp thời đối phó với các ý đồ xấu.

Các vụ việc kể trên chỉ là những câu chuyện điển hình trong số hàng trăm cuộc đấu tranh diễn ra liên miên thời kỳ ấy. Suốt hơn 6 năm trời, quân dân Săm Pun đã phải chống lại vô số trận mưa đá và các cuộc tấn công bằng gậy gộc đến từ bên kia biên giới. Bí thư xã Xín Cái bị hành hung, Đồn trưởng biên phòng Vũ Duy Quyết từng bị đánh gây tổn hại sức khỏe đến gần 30%, chiến sĩ Hoàng Văn Phát bị đánh đến mức phải nằm viện hàng tháng trời... “Đó là thời gian vô cùng căng thẳng, thậm chí có lúc khi đối mặt, súng hai bên đều đã lên đạn...”, ông Vịnh nhớ lại. 

Thời kỳ đó, nếu ta không kiên cường thì không biết hậu quả cho quá trình phân giới cắm mốc sau này sẽ kinh khủng như thế nào? Câu hỏi của tôi được ông Vịnh đáp lại bằng một nụ cười nhẹ.

Lúc ấy, tôi chợt hiểu ra, mình đã hỏi một câu thừa.

Nguyên Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.