Chặt phá rừng, buôn bán lâm sản, đào đãi rồi buôn đá đỏ... Nhưng, "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt", trác táng núi tiền rồi cũng đến lúc trắng tay... Và "hảo hán lương sơn" mới ngộ ra rằng, đồng tiền chân chính làm ra từ mồ hôi, nước mắt mới được bền lâu.
Từ “trùm lâm tặc” đến “đại ca” đá đỏ
Năm 1984, từ một làng quê trung du đất chật, người đông nghèo khó của huyện Đô Lương, Phan Bá Giang cùng gia đình di dân lên xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu lập nghiệp. Ngày đó trên quốc lộ 48, mỗi tuần chỉ có hai chuyến xe chở khách ì ạch cả ngày đường mới đến được nơi rừng thiêng nước độc thâm u này. Gia đình khai phá đất hoang nơi vùng kinh tế mới, còn Giang mở một tiệm may nhỏ tại nhà.
Một chiếc máy khâu hiệu “con bướm” cũ kỹ của Trung Quốc thời đó không thể đủ để trang trải cho cuộc sống hơn một tá miệng ăn. Anh trai cả đi nghĩa vụ quân sự, một mình Giang ở nhà cùng cha mẹ bươn chải nơi chốn sơn lâm để nuôi các em ăn học. Thấy nhiều người vào rừng hạ gỗ thu nhập nhiều hơn đánh vật với đường kim mũi chỉ bên chiếc máy khâu, với chút máu giang hồ, Giang xoay sang kiếm tiền bằng việc vác rìu, cưa vào rừng đốn hạ, xẻ gỗ bán.
Khi đã có chút vốn, Giang trở thành ông chủ thuê người khai thác, vận chuyển gỗ cho mình. Rồi cả những “ tay anh chị” nơi chốn “sơn cùng thuỷ tận” này cũng dần dần quy phục về dưới trướng của “đại ca” Giang. Thuộc hạ của Giang dọc ngang hầu khắp trên các cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn ở vùng này.
Với sự tàn phá của nhiều nhóm lâm tặc khác, rừng đầu nguồn ở Châu Bình và những vùng lân cận bị triệt hạ đến tan hoang, xơ xác. Sau khi cắt được gỗ về nơi tập kết, Giang tiếp tục thuê thợ xẻ thành từng tấm, khúc và vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Cái tên Giang “lâm tặc” bắt đầu có từ đây.
Từ hạ gỗ những cánh rừng miền tây, Giang giàu lên trông thấy, cuộc đời xoay chuyển đến không ngờ, từ chỗ không đủ ăn bỗng chốc có trong tay tiền tỉ. Giang kể: “Ngày đó, loại gỗ lim ở vùng rừng này nhiều vô kể, có những cây gỗ lim đường kính từ 1-2m, tôi đều cho người đánh dấu và đốn hạ bằng hết, có khi thuê trâu của dân bản, có khi bằng sức người để vận chuyển”.
Phan Bá Giang bên cây keo lai 5 năm tuổi trong rừng trồng của mình |
Trở về sẵn có vốn, Giang lập ngay một tiệm mua - bán đá quý tại nhà. Cái tên Giang “lâm tặc” được nhanh chóng đổi thành Giang “đá đỏ”. “Đại ca” Giang lúc đó lại thêm giàu. Trong những lần rong ruổi đi thu gom đá đỏ ở vùng bản, Giang may mắn gặp “một bông hoa rừng” của mường Chiêng Ngam (tên xưa của huyện Quỳ Châu). Chính “bông hoa rừng” này đã trở thành người vai kề, gối ấp với Giang bây giờ.
Đến lúc tiền nhiều, thế là ăn chơi, thả sức bay nhảy và “nướng” vào trò tiêu khiển đỏ đen... Không bao lâu, tiệm đá quý và cả nếp nhà toàn gỗ lim bao năm gây dựng đều “cháy” trong chiếu bạc. Mặc vợ và mọi người trong gia đình ra sức can ngăn, nhưng Giang bất cần bỏ vào tai lao vào cuộc sống ăn chơi trác táng và cũng từ đây cuộc đời Giang xuống dốc.
Rồi những đồng tiền cuối cùng đội nón ra đi, từ một người có trong tay tiền tỉ bỗng chốc trở thành kẻ nợ nần túng thiếu, nhà cửa tan hoang, cơm không đủ ăn... Lúc này, cơn lốc đá đỏ cũng đã đi qua, tiếp đến là những chuỗi ngày lang thang, vật vờ, lang bạt khắp nơi của chàng trai một thời tỉ phú.
Sám hối với rừng xanh
Đến lúc tỉnh ngộ qua nhiều đêm trắng gác tay lên trán, Giang vẫn quẩn quanh trong ngõ cụt. Trong một chuyến lang thang vô định trở về quê nhà trong những ngày dưới đáy của tỉ phú một thời, Giang tình cờ nghe được câu chuyện trồng rừng của những người dân quê mình.
Đêm nằm lại gác tay lên trán nghĩ: “Mấy ông cụ già ở quê này đã ở tuổi chồn chân, mỏi gối rồi mà vẫn làm được, tại sao mình còn trẻ khoẻ thế này lại không bằng họ?”. Cầm trong tay cuốn giáo trình “Kỹ thuật lâm sinh” của cô kỹ sư lâm sinh - con gái út ông già bán nước đầu làng cho mượn và nhìn khu rừng keo mới trồng của ông cùng những viễn cảnh do ông cụ phác hoạ trước mắt, Giang quyết định trở về vùng đá đỏ tan hoang Châu Bình tìm hướng đi mới cho cuộc đời.
Nhưng quyết định của Giang không được gia đình ủng hộ. Quá khứ như Giang mấy ai tin được nữa? Phải tự chứng minh thôi. Lặng lẽ, cây cuốc trên vai, con dao trong tay và còn hơn 100.000 đồng trong túi, Phan Bá Giang cùng vợ xách cây kiềng ba chân cùng với một cái nồi, vài cái bát sứt mẻ xin được đi về phía khu rừng đầy lau lách mênh mông.
Với người từng tiêu tiền tỉ như Giang thì đó là những ngày thử thách cam go nhất. Phải trả nợ cho rừng! Động lực ấy đã thôi thúc và giúp Giang vượt qua tất cả.Vừa trồng rừng, Giang vừa đi hái măng về bán để mua gạo ăn hằng ngày. Nơi ở của cả gia đình Giang là một cái lán dựng tạm bợ, ẩm thấp, mỗi lần mưa xuống, lán lại như bồng bềnh trong nước, đó là lúc những giọt nước mắt hối hận của Giang chua xót hơn lúc nào hết. Bao mất mát của cuộc đời đi qua, những lời ra tiếng vào khiến nhiều lần Giang muốn gục ngã.
Cho đến lúc những cây con bắt đầu đâm chồi non, xanh lá trên khoảnh đồi trọc thì một vài gia đình trong xã bắt đầu tìm đến mua cây giống của Giang. Hai công việc được thực hiện cùng lúc đó là ươm cây bán cho người dân trong vùng và trồng rừng. Cứ như thế, mỗi ngày số vốn lại được nhân lên, lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng Giang bám trụ giữa bạt ngàn núi rừng - nơi mà trước đây Giang cùng các “chiến hữu lâm tặc” từng đốn hạ, xẻ cây.
Có tiền bán cây giống, Giang lại đầu tư ươm thêm cây rồi xin đất, thuê người đem vào rừng trồng. Xin được của xã mảnh đất hoang hoá nào, vợ chồng Giang lại ươm cây trồng vào đó.
Năm 1994, khi Nhà nước có Chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mỗi nhân khẩu được giao ít nhất 30ha đất rừng, từ chương trình này, vợ chồng Giang xin nhận tất cả đất rừng thuộc tiêu chuẩn của năm anh em trong gia đình để trồng luôn một thể. Sau khi trồng được hơn 20ha rừng, tiền đã cạn, vợ chồng lại tiếp tục ươm giống cây bán cho người dân trong và ngoài xã.
Đến năm 1998, diện tích rừng do vợ chồng Giang trồng đã tăng lên hơn 50ha với hai loại cây chủ yếu là bạch đàn và keo lai. Sau khi phủ kín đất được giao của gia đình, Giang lại tính chuyện đầu tư cho các hộ gia đình khác trong vùng.
Thấy Giang làm tốt, gia đình bắt đầu tin tưởng, hưởng ứng nên anh có điều kiện mở rộng diện tích. Bãi “chiến trường” ở những “đồi triệu, đồi tỉ nham nhở, loang lổ, tan hoang sau cơn lốc đá đỏ những năm 1990 giờ được Giang cùng bà con các dân tộc nơi đây san lấp bằng phẳng và phủ xanh bằng hàng nghìn cây bạch đàn và keo lai. Năm 2006, tổng diện tích rừng trồng của Giang lên tới hàng trăm hécta. Những khoảnh rừng trồng giờ đã xanh tốt và cho khai thác.
Giang nói: Mốc đánh dấu bước đường làm lại cuộc đời là khi những diện tích rừng trồng đầu tiên hơn 30ha cho khai thác mang lại giá trị gần ba tỉ đồng. Không còn phải tự mình lầm lụi ươm cây trong rừng xanh nữa, hiện nay Giang đã có trong tay hàng chục công nhân hợp đồng theo thời vụ, thu nhập mỗi người hàng tháng từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Giang cứ ngày ngày lại phi xe máy chạy trong giang sơn của mình và tìm đến những nơi nào còn hoang vu để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Không dừng lại ở khu vực xã Châu Bình trong địa bàn huyện Quỳ Châu, Giang còn lặn lội lên mãi huyện cao chót vót Quế Phong hướng dẫn cho bà con dân tộc Thái ở các xã Đồng Văn, Tiền Phong... về kỹ thuật ươm và trồng cây xen với cây sắn để thu hoạch giữa vụ.
Từ những diện tích trồng rừng ngày càng mở rộng không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần tạo lại sự cân bằng cho môi trường sinh thái ở vùng đá đỏ và nhiều vùng núi khác bị con người tàn phá. “Đại ca” Giang bây giờ được xem là người tiên phong và trở thành một trong những điển hình trong phong trào phát triển kinh tế rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chia tay ông chủ rừng Phan Bá Giang khi núi đã nuốt ông mặt trời. Chiều dần buông trên đại ngàn Châu Bình, đâu đó có tiếng chim hót, tiếng bò lạc mẹ gọi nhau. Đàn chim trở về sau một ngày mỏi cánh sà xuống tổ ở rừng bạch đàn, keo xanh tốt. Chia tay Giang về xuôi, chúng tôi thầm nghĩ, thì ra sự nghèo kiết và tỉ phú, giữa cái thiện và cái ác trong một con người chỉ là dải phân cách mỏng manh!
Theo La Minh - Trần Hải / Lao Động
Bình luận (0)