Đàn ông Hàn chọn vợ ở Việt Nam: Vào “lò” cung cấp cô dâu

25/06/2011 00:35 GMT+7

Những cô gái nuôi trong “lò” được lo một ngày 2 bữa ăn, mỗi ngày được đi ra ngoài khoảng 1 giờ đồng hồ sau bữa cơm tối và luôn có người giám sát chặt chẽ.

 

Đám cưới diễn ra dưới sự chỉ đạo của những người trong đường dây môi giới - ảnh: Nghĩa Phạm

Trắc trở “nhập lò”

Đúng như lời hứa, sau đám cưới của T. và O., K.N liên lạc với Phương. K.N thông báo rằng, vài ngày nữa sẽ có mấy chú rể Hàn Quốc qua, đây là cơ hội tốt để Phương có được một anh chồng ngoại.

Một buổi sáng, K.N hẹn Phương đến siêu thị Co.op Mart, đối diện UBND Q.Tân Phú, TP.HCM để đưa đến nhà chú Tám. Phương đến cổng siêu thị chờ khoảng 5 phút thì K.N đi ra. K.N dẫn Phương đi vào cao ốc Sacomreal (đối diện UBND Q.Tân Phú). Hai người đứng nói chuyện một lúc, K.N đưa mắt dò xét xung quanh cẩn thận rồi kêu taxi, lên xe bảo tài xế chạy về chợ Lê Văn Quới.

Trong xe, K.N thấy Phương chẳng có hành lý gì nên tỏ thái độ khó chịu và nói: “Đã bảo mang đồ theo để ở lại luôn, sao không nghe! Tí lên đó nhớ nói rõ với chú Tám rồi cho địa chỉ nhà trọ, để anh Hai về lấy giúp”.

Taxi đến đường Lê Văn Quới, P.Bình Hưng Hòa A thì K.N bảo dừng lại. K.N dẫn Phương đi bộ vào con hẻm, đối diện chợ Lê Văn Quới, vào một ngôi nhà trong đó. Nhìn bề ngoài ngôi nhà rất lụp xụp, chật chội và hơi bẩn với lớp nền tráng xi măng lồi lõm, nhưng đằng sau dãy tủ gỗ cũ kỹ là một ngôi nhà khang trang, giàu có. Thấy một phụ nữ khoảng 30 tuổi đang ẵm con, K.N cúi đầu lễ phép: “Chào chị Ba” và chỉ vào cái ghế nhựa bảo Phương ngồi đợi còn cô ta đi thẳng vào trong.

Người phụ nữ nhìn Phương hỏi: “Ở quê làm gì mà mắt cận?”. Phương phân trần rằng, hồi xưa có đi học đại học nhưng ngu quá, không ra trường được. Đang nói chuyện thì một bà già đi ra. K.N ra theo sau và bảo Phương “chào cô Tám đi”. Bà Tám hỏi: "Người mới à? Nhìn không phù hợp lắm!". K.N xởi lởi bảo là “nó bỏ quê lên thành phố lâu rồi, còn đi học đại học nữa đó”. Bà này nhìn Phương dò xét rồi bảo: “Sao không học cho hết mà ham lấy chồng chi?”. Phương bảo là không có điều kiện, với lại học không vô nữa nên muốn lấy chồng.

Đang nói chuyện thì một người đàn ông trạc 35 tuổi đi ra. K.N nhanh nhảu: “Chào anh Ba”. Theo như cách họ giao tiếp thì người này là con trai của chú Tám. Và khi anh ta hỏi chuyện Phương thì chú Tám xuất hiện.

Đó là một người đàn ông chừng 63 tuổi, da trắng, cắt tóc ngắn gọn gàng và nhìn mặt rất trí thức. Ông ta kéo ghế ngồi đối diện và nhìn Phương rất kỹ rồi bảo đưa hộ khẩu, CMND cho ông ta xem. Phương đưa CMND và ông Tám xem xét rất kỹ từng dấu vết riêng, ngày cấp. Ông Tám lật trước, lật sau một hồi rồi bảo: “Không nhận người miền Trung”. Phương trình bày là gốc miền Trung nhưng giờ đã chuyển vào miền Tây từ năm 1999. Ông Tám gật gù bảo: “Vậy mày về mang CMND và hộ khẩu lên, giờ nào tao cũng nhận”.

Khi Phương đứng dậy chào ra về, ông Tám nói: “Mày có vẻ lanh đấy, bảo người nhà mang hồ sơ lên gấp đi, sau khi cưới chồng, mày phụ tao tìm mối kiếm tiền chơi”. Phương nài nỉ ông Tám cho ở lại, người nhà sẽ mang đồ và hồ sơ lên sau, nhưng K.N bảo là đã có nguyên tắc rồi, phải có hồ sơ đầy đủ mới được nhận, tránh trường hợp bị… đám nhà báo cài vô. K.N hỏi ông Tám rằng, hiện tại nhà mình còn 20 chị không? Ông Tám bảo là “Khoảng chục à, ngày nào cũng có đứa được chọn, mới có con nhỏ cưới được chú rể đẹp trai dã man”. K.N cười nhạt bảo: “Tám mát tay ghê. Hôm qua con dẫn con T. và con O. đi xét nghiệm máu, thấy ảnh dán hồ sơ toàn bạn mình ở trong nhà Tám ra không à”. Ông Tám cười nắc nẻ bảo: “Muốn lấy chồng nhanh, chồng đẹp trai thì phải qua Tám”.

Những “hòn vọng phu”

Trên đường về, K.N thủ thỉ rằng, vậy là ngon rồi, Tám đã nhận rồi đó. Ở nhà chú Tám tốt lắm, không bị mấy thằng “thả máu dê”. K.N dặn dò thêm, ở trong nhà chú Tám mọi người sẽ được lo hai bữa ăn, bữa sáng thì tự túc. Mỗi ngày được ra ngoài một lần, sau giờ cơm tối và sẽ có người giám sát. Thời gian ra được khoảng 1 giờ đồng hồ. Mỗi lần đi đâu xa thì gọi anh Hai, hoặc anh Ba chở đi. Không cần phải trả tiền liền mà đợi làm đám cưới xong sẽ cho người nào hay chở mình chừng vài ba trăm ngàn.

K.N căn dặn Phương khi làm đám cưới xong thì quay lại nhà lấy đồ và nhớ trả cho chú Tám 300 ngàn đồng tiền ăn. K.N bảo là dù ở một buổi, một đêm hay 3 tháng thì khi cưới xong cũng chỉ trả 300 ngàn đồng tiền ăn thôi. "Còn tiền đưa cho chú Tám, cho K.N là bao nhiêu?" - Phương hỏi. K.N bảo: “Tùy à, nhưng cỡ 6 triệu thôi”. Phương giật thót mình bảo là nhà nghèo mới phải lấy chồng Hàn, làm gì có tiền. K.N bảo: “Khi cưới chú rể sẽ cho, cả ngàn đô la lận, lấy đó mà trả”.

Phương hỏi tiếp là mình có được đòi chú rể cho bao nhiêu tiền không? K.N trừng mắt nói: "Người ta chọn mình là may rồi, cho nhiêu lấy nhiêu, không được đòi". Và sau đám cưới, Phương sẽ không phải ở nhà chú Tám nữa mà dọn về ở chung với K.N tại chung cư Tân Phú. Phương hỏi sao không cho cô dâu về nhà cho đỡ tốn kém. K.N bảo là phải ở đây để lỡ chồng có gọi về còn có người nghe giùm rồi phiên dịch lại, chứ về quê thì biết đường nào mà nói. Với lại ở tập trung để học tiếng, học cách làm dâu của người Hàn Quốc rồi tháng 10 chồng sẽ qua đón về nước.

Phương lo ngại hỏi là liệu chú rể có qua đón như đã hứa không, thì K.N thở dài bảo là phải có lòng tin chứ! Phương vẫn chưa an tâm nên hỏi K.N là đã có trường hợp nào mà chồng không về đón chưa, K.N im lặng một hồi rồi bảo: “Nếu không về đón thì tìm chồng khác chứ biết làm sao nữa!”.

Về đến siêu thị Co.op Mart thì K.N xuống xe và không quên dặn Phương, có đứa nào muốn lấy chồng Hàn Quốc thì giới thiệu, Phương sẽ được chia tiền.

Chờ cho Phương đi khuất, K.N mới đi bộ về chung cư Tân Phú, nơi đang “giam lỏng” hàng chục cô gái đang trông ngóng chồng đang vi vu tận xứ sở kim chi.

Yên Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.