Hành trình cứu nước và sự ra đời của Việt Nam dân chủ cộng hòa

04/06/2011 17:49 GMT+7

Cách đây vừa đúng 100 năm, ngày 5.6.1911, một thanh niên Việt Nam từ cảng Sài Gòn đã ra đi tìm con đường cứu dân, cứu nước để hơn 30 năm sau trở về cùng dân tộc giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.

Từ người yêu nước trở thành người cộng sản

Kể từ sau các hiệp ước (1862, 1867, 1874, 1884) mà triều đình nhà Nguyễn ký với thực dân Pháp, Việt Nam trở thành 3 kỳ trong cái gọi là Liên bang Đông Dương. Từ đó nước ta hoàn toàn biến mất trên bản đồ địa hành chính của khu vực và thế giới.

Con đường ra đi tìm hình của nước mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành thực hiện vào thập niên đầu của thế kỷ 20 là một quá trình biến đổi từ người yêu nước thành người cộng sản. Khi bước chân lên tàu viễn dương sang trời Tây, người thanh niên ấy chỉ có hai bàn tay trắng và một nỗi ưu tư vì dân vì nước. Khi đặt chân đến nước Pháp, Người tìm cơ hội để học tập nâng cao tri thức hầu giúp đồng bào mình “được hưởng những điều tốt đẹp của học vấn” (1). Cũng trên đất Pháp, Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc khi cùng những nhân sĩ Việt Nam yêu nước tại Paris lúc bấy giờ đưa ra Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam. Song có lẽ sự chuyển biến mạnh nhất, có ý nghĩa nhất, biểu hiện cao nhất khát khao tìm đường cứu nước của Người là thời điểm 1920.

Nguyễn Ái Quốc đã ủng hộ Quốc tế cộng sản III với một lý do đơn giản: “Vì Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (2). Và cũng theo lẽ tự nhiên ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một thanh niên yêu nước mang đúng tên họ cha mẹ khai sinh: Nguyễn Tất Thành đến khi tự mình chọn cho mình một tên mới thể hiện ý chí cứu nước: Nguyễn Ái Quốc. Với tên này, Người đã bôn ba khắp các phương trời để rồi 30 năm sau trở về đất nước, chuẩn bị một cuộc cách mạng xác lập và khẳng định sự tồn tại của một nước Việt Nam mới.


Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945 - Ảnh: tư liệu 

 

Cảng Sài Gòn cuối thế kỷ 19 - Ảnh: tư liệu

Việt Nam dân chủ cộng hòa trên bản đồ thế giới

Có 2 văn bản đánh dấu sự hiện diện của một quốc gia, một chính thể đó là Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945 và Sắc lệnh số 49/SL (3), cũng do chính Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa ký ngày 16.10.1945, quy định về việc sử dụng tiêu đề: VIÊåT NAM DN CHỦ CỘNG HOÀ - NĂM THỨ I trên tất cả các loại văn bản trong các hoạt động của nước Việt Nam kể từ sau ngày tuyên bố độc lập.

Khi nói đến bản Tuyên ngôn độc lập, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới đã khai thác ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, xét dưới góc độ của cuộc hành trình tìm đường cứu nước mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành khởi đầu từ năm 1911 thì ý nghĩa của nó càng sâu sắc hơn. Khi Bác rời Sài Gòn tìm đến trời Tây với hy vọng “ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (4). Thời đó, Việt Nam của chế độ phong kiến nhà Nguyễn không còn tồn tại trên bản đồ thế giới mà là 3 kỳ của cái gọi là Liên bang Đông Dương - Union Indochinoise (1887), đôi khi gọi là Đông Dương thuộc Pháp - Indochine française. Chính vì vậy, trong Bản tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2.9.1945 Bác đã nhấn mạnh: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Hình của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được xác lập trên bản đồ địa hành chính thế giới kể từ ngày 2.9.1945.

Sắc lệnh số 49/SL do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 12.10.1945, sau đúng 1 tháng 10 ngày kể từ khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Nội dung chính của sắc lệnh này nhằm chính thức quy định một thủ tục hành chính có tính chất quốc thể, thực hiện quyền quản lý hành chính của một nhà nước: ghi tiêu đề Việt Nam dân chủ cộng hòa - năm thứ nhất trên tất cả các công điệp, điện báo, công văn giấy tờ … Việc thay đổi quy định này chỉ thực hiện khi kết thúc sự tồn tại của một chính thể, một nhà nước bằng một chính thể, một nhà nước khác. Trước ngày 2.9.1945, văn bản hành chính của nhà nước phong kiến phải ghi niên hiệu của từng triều đại và của chính quyền thực dân tại Đông Dương, trên trang 1 của tất cả các loại văn bản hành chính, văn bản giao dịch khác đều phải ghi tiêu đề như ở chính quốc: “RÉPUBLIQUE FRANçAISE/Liberité - Égalité - Pratbbnité”. Cũng theo dòng suy nghĩ “tìm hình của nước”, trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung, hoạt động quản lý hành chính nhà nước nói riêng, việc ban hành sắc lệnh số 49/SL thực sự có những ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Cảng Sài Gòn trong hành trình cứu nước

Cảng Sài Gòn được mở và thông thương ngày 22.2.1860 (5) để phục vụ cho công cuộc thực dân của Pháp. Ở thời điểm Bác ra đi tìm đường cứu nước (1911), Việt Nam có 2 cảng lớn mà tàu viễn dương có thể vận chuyển hành khách và hàng hóa ra nước ngoài - nhất là đến Pháp - là cảng Sài Gòn (1860) và cảng Hải Phòng (1876). Song tất cả các tàu đi ra đều phải xuất phát từ cảng Sài Gòn. Lý do:

- Cảng Sài Gòn là một quân cảng hạng nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương, về mặt vị trí chiến lược cũng như về tổ chức, trang bị và đứng thứ 12 trong số các quân cảng của Pháp, còn là một cảng thương mại ngày càng trở thành bộ phận chủ yếu trong đời sống, trong sự phát triển và biến đổi kinh tế của Nam Kỳ.

- Nằm trong xứ Nam Kỳ thuộc địa (trong khi Bắc và Trung Kỳ là xứ bảo hộ) của Pháp nên cảng Sài Gòn được xếp vào danh sách các cảng của nước Pháp thuộc hệ thống cảng biển quốc tế (6). Do đó, nếu khởi hành từ cảng này có thể cập bến bất cứ cảng nào nằm trong hệ thống cảng biển nói trên. Đây chính là lý do giải thích vì sao Nguyễn Tất Thành ngày ấy đã chọn ra đi từ cảng Sài Gòn mà không phải là một cảng nào khác trên đất nước ta.

Trong thời gian 5 tháng Bác lưu lại Sài Gòn (tháng 2.1911 - 6.1911), thành phố mang tên Người còn những địa chỉ đỏ (7) mang dấu ấn những năm tháng ngắn ngủi trước khi người vượt trùng khơi:

- Nhà ông Lê Văn Đạt tại Vựa Chiếu, xóm Cầu Rạch Bần, ngày nay là số 185/1 đường Cô Bắc, Q.1 - nơi Người tá túc đầu tiên tại Sài Gòn.

- Phân cuộc Liên Thành liên quán tại số 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn. Sau đó kênh được lấp đi, năm 1915 đổi thành đường Tổng Đốc Phương, nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5. Đây là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành tá túc đến lúc lên tàu ra đi vào ngày 5.6.1911.

- Trụ sở Hãng vận tải Chargeurs Réunis (còn gọi là hãng 5 sao) chủ sở hữu con tàu Amiral Latouche Tréville ở lầu 1, Café La Rotonde, số 2 đường Catinat (ngày nay là đường Đồng Khởi), nơi Bác đến xin làm việc với chân phụ bếp (8).

Về con tàu và chuyến đi của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, tài liệu lưu trữ hiện có tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cho thấy: Ngày 5.6.1911, từ cảng Sài Gòn có 2 tàu xuất bến, đó là  Gange của thuyền trưởng Imberl đi Hải Phòng;  Amiral Latouche Tréville của thuyền trưởng Maisen và 69 thành viên thủy thủ đoàn đi Marseille.

Cuộc ra đi tìm hình của nước của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã dẫn đến sự ra đời của một quốc gia với chính thể mang tên Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây thực sự là một kết thúc đầy ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam sau một thời kỳ đen tối kéo dài.

TS Lê Huỳnh Hoa
(Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm TP.HCM)

-------

(1) Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Tổng thống Pháp xin vào học trường thuộc địa ngày 15.9.1911. Bảo tàng Hồ Chí Minh

(2), (4) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (1890 - 1929). Đặng Xuân Kỳ (chủ biên), NXB CTQG, HN 2005.

(3) Hiện đang lưu trữ tại TTLTQG III.

(5) P.Boudet - LIndochine dans lapassé - Hanoi, 1941.

(6), (7) Hành trình theo chân Bác. HTV, 2009; Hs IA5/106, IA.5/017 (3), IA.5/037, Phông Goucoch, TTLTQG II -Luận văn tiến sĩ. Lê Huỳnh Hoa, năm 2003; CAOM do GS - TS Nguyễn Phan Quang khai thác tại Pháp.

(8) Nguyễn Đình Đầu, Tạp chí Xưa & Nay, số 50b-4-1998

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.