Hành trình gỗ lậu

19/04/2009 23:58 GMT+7

Gỗ lậu được tích trữ thành kho, khi có người mua thì mang ra đẽo thành khung nhà rồi... xin phép bán nhà! Đó là chuyện thường ngày ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nghe đọc bài

Vẫn biết xã Kim Hóa được ví là thủ phủ gỗ lậu của H.Tuyên Hóa, thế nhưng chúng tôi vẫn bị sốc khi chứng kiến cảnh người dân ở đây kéo gỗ ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt.

Trâu kéo gỗ

Sáng 10.4, chúng tôi theo hướng từ thị trấn Đồng Lê vào Tân Ấp. Xe chạy chừng vài cây số đã đến địa bàn xã Kim Hóa, vừa qua khỏi trung tâm xã liền bắt gặp vài con trâu mộng đang ì ạch kéo từng khúc gỗ ngược trở ra, mỗi trâu có một người thúc. Cả người đi theo và trâu đều túc tắc trên đường trải nhựa không có vẻ gì vội vã, lo lắng. Tất cả những con trâu này hướng vào một xưởng cưa xẻ gỗ. Hỏi dò thì được biết đó là xưởng của ông Đ. có tiếng tăm trong vùng, quen biết từ tỉnh xuống huyện.

Tiếp tục đi vào, chúng tôi chọn một điểm phía trước cầu Khe Đèng để quan sát bởi gần đấy có một lối mòn kéo gỗ từ rừng ra. Ở bến nước cạn dưới cầu có 3 người đang kỳ cọ cho trâu và rửa những đoạn dây thừng bám đầy đất bùn. Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã ghi nhận có 5 con trâu kéo gỗ ra theo đường này. Con đường mòn ngoằn ngoèo bị gỗ khoét xuống thành rãnh sâu hoắm. Mỗi con trâu có một hai người đi kèm, tùy theo loại gỗ. Nếu gỗ nhỏ thì họ để cho trâu kéo lê dưới đất về nhà, còn gỗ to thì bốc lên xe ba gác cho trâu kéo. Điều ngạc nhiên là những người này vận chuyển gỗ trên đường giữa ban ngày nhưng không hề có nét gì thể hiện sự sợ hãi, thấy người lạ họ cũng chẳng buồn để ý hay dò xét.

 Chúng tôi đã làm rất mạnh nhưng chưa triệt để, hiệu quả chưa cao, vẫn xảy ra hiện tượng người dân khai thác gỗ. Đẩy đuổi chỗ này thì họ đi chỗ khác, khó là khó chỗ đó. Có người lợi dụng việc làm nhà ở để chuyên làm nhà bán…

Phó chủ tịch UBND H.Tuyên Hóa Lê Nam Giang

Lượng gỗ rất lớn này đi đâu về đâu? Thứ nhất là họ bán tươi cho ông Đ. để ông này chế biến rồi mang đi tiêu thụ theo những cách riêng; thứ hai là họ tích trữ trong nhà rồi tiêu thụ theo cách khá độc: làm thành khung nhà rồi bán.

Ai mua “khung nhà”, tôi bán...

Vài năm trở lại đây, nhiều người ở đồng bằng có tiềnsinh sở thích lên miền núi tìm mua nhà gỗ lâu năm, tháo ra mang về ráp lại. Giá một ngôi nhà gỗ cũ chỉ ba chục triệu đồng. Nhưng giờ số nhà cũ này không được ưa chuộng bởi nó nhỏ, không hoành tráng. Và thế là những ngôi nhà to đùng với giá vài trăm triệu đồng được dựng lên cấp tập rồi tháo đi cũng cấp tập. Dọc đường đi, chúng tôi không thể đếm xiết có bao nhiêu ngôi nhà gỗ lớn ba gian kiểu mới, mỗi nhà ít nhất có 8 cột gỗ cao từ 4,8m đến 5,5m, đường kính 25 cm đến 35 cm. Nhiều nhà không có người ở, chỉ dựng lên để chào hàng; nhiều nhà có tường bao quanh để ở nhưng nếu có người trả được giá thì chủ nhà “ok” ngay, để sau đó lại dựng lên cái khác.

Trong vai người tìm mua nhà gỗ, chúng tôi được người dân xã Kim Hóa chỉ hết nhà này sang nhà khác. Vào nhà ông H., ông bảo cần bán bộ khung nhà đang ở được làm bằng gỗ lim hoàn toàn với giá 100 triệu đồng. Khi chúng tôi nói cần mua nhà cho sếp của một doanh nghiệp nên phải là nhà to, cao thì ông H. trả lời: “Đấy là nhà kiểu mới, nếu sếp anh có tiền thì tui để cho bộ gỗ nao, trín mới tuyệt vời luôn, giá 170 triệu đồng”.

Ông H. dẫn chúng tôi ra phía sau nhà để tận mắt thấy bộ gỗ hơn 20m3 chất thành đống, ở đó có cả gỗ tròn dài 5m, đường kính 30 cm dùng làm cột nhà và gỗ được xẻ từng liếp lớn. Nhưng làm thế nào đưa về xuôi được? Ông H. lại trả lời rành rọt: “Mua được thì lo gì cách chở. Ở đây chúng tôi có thợ, chế hoàn chỉnh bộ khung ngôi nhà trong vòng khoảng 1 tuần với giá 15 triệu đồng, rồi xin một cái giấy bán nhà ở UBND xã. Sau đó thì tha hồ mà chở đi”. Khi chúng tôi ra về, vợ chồng ông H. còn nói với theo: “Nếu không ưng bộ này thì tui sẽ chỉ cho một bộ khác của thằng em”.

Bình thản kéo gỗ lậu - Ảnh: T.Q.Nam

Điểm đến tiếp theo là nhà anh L. Dù mới 24 tuổi nhưng L. sở hữu ngôi nhà choáng ngợp. Ngồi bên chiếc bàn là bức ngựa dài ngoằng, rộng hơn nửa mét, L. giới thiệu: “Nhà em có 12 cột bằng gỗ nao, 8 cột phía trước to cao như anh thấy, 4 cột sau nhỏ hơn, phía trên có xà lớn. Bây giờ không ai có gỗ này nữa đâu. Em bán 200 triệu đồng. Nếu mua thì trả tiền một ít, em làm giấy xác nhận của xã, anh thuê xe tải thùng 5 tấn là chở vừa khít”. Vì sao nhà to đẹp thế mà bán đi, tôi hỏi. L. không ngại ngần nói: “Em còn 2 bộ thừa để làm, bố em cũng còn 2 bộ. Hay nếu anh thích thì em bán cho bộ chưa làm, anh chỉ cần thuê thợ đẽo thành khung rồi xin giấy là chở thôi. Bữa trước thằng bạn em mới bán một bộ như thế”.

Dọc đường trở ra, chúng tôi còn được người dân chỉ đến nào là nhà anh Chính, nhà Xuyên...

Đến xã Thuận Hóa, nơi có đường xuyên Á đi ngang, tình trạng cũng tương tự xã Kim Hóa. Cách đây mấy năm, khi mở đường ra cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), đây là điểm nóng về phá rừng, đường làm đến đâu rừng tan nát đến đó. Còn giờ đây, xóm Ba Tâm chỉ vài chục hộ nằm trải dài khoảng 2 km dọc theo đường xuyên Á thì đã có hơn 20 nhà gỗ kiểu mới to tướng, trong đó có một số nhà không có người ở. Nhà này đua nhà khác về kích cỡ, thấy nhà khác làm to thì cũng tháo ra làm to...

“Không biết họ lấy gỗ ở đâu”

Thực trạng gỗ lậu nhức nhối là vậy, nhưng làm việc với các cơ quan quản lý trên địa bàn H.Tuyên Hóa, chúng tôi đều nhận được những câu trả lời thiếu thuyết phục. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Hóa, cho rằng: “Không xử lý vì họ làm tràn lan, tích trữ gỗ trong nhà thì không xử phạt được và không theo dõi thường xuyên nên không biết họ khai thác ở đâu”.

Tìm đến lực lượng chủ chốt là kiểm lâm, ôngHà Đức Trường, Hạt phó Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa, cho rằng: “Địa bàn rộng mà lực lượng quá mỏng. Người dân thì lén lút vào rừng khai thác về làm nhà. Việc dùng gỗ lớn làm nhà, tích trữ gỗ và đưa về xuôi đều không được phép nhưng để xử lý là rất khó. Chúng tôi đã thống kê số lượng các hộ dân tích trữ gỗ, theo đó có rất nhiều nhưng vẫn chưa xử lý được”.

Nói như ông Trường thì quả là khó và... oan cho dân, vì địa bàn xã Kim Hóa cách trung tâm huyện chỉ mấy cây số và việc người dân ngang nhiên kéo gỗ là quá rõ ràng, chứ không hề lén lút. Có điều, suốt quá trình chúng tôi tác nghiệp không hề thấy bóng dáng lực lượng kiểm lâm đâu...

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.