Hát chèo qua sóng bộ đàm giữa biển

21/05/2011 15:49 GMT+7

Biển động dữ dội, tàu HQ-957 sau nhiều lần cố gắng đã không thể tiếp cận được nhà giàn DK1/12, thuộc cụm nhà giàn Tư Chính trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Thế nên một buổi giao lưu văn nghệ đặc biệt giữa văn công trên tàu với những người lính ở nhà giàn DK1/12 đã diễn ra...

Trong chuyến công tác ở Trường Sa những ngày biển động cuối tháng 3.2011 vừa qua, cái đọng lại trong mỗi thành viên trong đoàn công tác trên chuyến tàu HQ-957 chính là tình người giữa muôn trùng sóng gió. Trường Sa kiên cường nơi đầu sóng, Trường Sa gian nan vất vả… lẽ tất nhiên là thế. Và thực sự, chính cái sức chịu đựng bền bỉ, kiên gan của những người lính đảo đã cho chúng tôi, những người từ đất liền ra thăm đảo một sự tin tưởng và khâm phục. Nhưng có một Trường Sa với những người lính thèm lắm một tiếng nói của phụ nữ, khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm, và đó chính là sự hy sinh lớn lao của mỗi người lính trẻ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1…

 
Diễn viên Diệu Hằng, Nhà hát chèo Nam Định và Thanh Nga, Đoàn cải lương Nam Định hát tặng các chiến sĩ trên nhà giàn DK1/12 qua máy bộ đàm - Ảnh: Ngọc Minh

Chiếc tàu HQ-957 đưa chúng tôi đến nhà giàn DK1/12 thuộc cụm nhà giàn Tư Chính trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc vào một buổi sáng biển động dữ dội với những con sóng cấp 7 cấp 8 dồn dập đổ ụp lên boong tàu. Thi thoảng những con sóng lớn còn trùm cả lên đài chỉ huy của con tàu vốn được thiết kế làm tàu cứu hộ, khiến nó không thể nào tiếp cận được nhà giàn DK1. Thuyền trưởng, trung tá Phạm Văn Hưng sau nhiều lần trực tiếp điều khiển con tàu nương theo sóng, mới có thể thả chiếc xuồng cứu hộ xuống biển cho những thủy thủ có kinh nghiệm nhất trên tàu tiếp cận, mang quà lên cho các chiến sĩ trên nhà giàn. Quà từ đất liền được cho vào những chiếc túi ni-lon buộc kín, sau đó lại buộc vào một đầu dây do các chiến sĩ trên nhà giàn thả xuống kéo lên.

Do không tiếp cận được với nhà giàn nên Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân phải nói chuyện và nghe các chiến sĩ trên nhà giàn báo cáo tình hình thông qua bộ đàm. Sau khi nghe thiếu tá Nguyễn Ngọc Lý, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 thông báo tình hình trên nhà giàn, Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn nói: “Do điều kiện thời tiết, đoàn công tác không thể trực tiếp lên thăm các đồng chí được, nên lãnh đạo quân chủng và đoàn công tác gửi quà lên để các đồng chí liên hoan…”. Bất ngờ, giọng một chiến sĩ qua máy bộ đàm cắt ngang lời Chuẩn đô đốc, át cả tiếng sóng gió ầm ào của biển đông… “Chúng con không cần quà đâu. Nếu có phụ nữ đi cùng đoàn, xin thủ trưởng cho chúng con được nghe các cô ấy hát”. Là người hiểu hơn ai hết những thiếu thốn, vất vả của lính đảo, nhưng Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn vẫn không thể kìm nén được niềm xúc động. Ông lặng đi trong giây lát, và từ đôi mắt lúc nào cũng như cười của ông, những giọt nước mắt lăn dài xuống hai gò má, còn tất cả chúng tôi đều trào nước mắt… “Ừ. Chúng mày nghe hát chèo nhé. Đặc sản quê bố đấy” - Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn (quê ở Nam Định) cố kìm nén để giọng nói bớt xúc động. Hình như ở nơi đây, cái khoảng cách giữa thủ trưởng và những người lính không hề có, chỉ còn lại một thứ tình cảm thân thương khó nói thành lời, nó gần gũi, tựa như tình cha con, anh em vậy. Từ máy bộ đàm, một giọng chiến sĩ vang lên: “Toàn đơn vị tập hợp, chúng ta sẽ được nghe hát chèo”.

 
Nhà giàn DK1/12 kiên cường giữa muôn trùng giông tố - Ảnh: Ngọc Minh

Chứng kiến cuộc nói chuyện qua bộ đàm, rồi lại nhìn về phía nhà giàn DK1, diễn viên Diệu Hằng và Thanh Nga của Đoàn văn công Nam Định đã không thể cầm được nước mắt. Họ cầm chiếc bộ đàm từ tay Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn và không thể cất thành lời. Dù đã cố kìm nén, nhưng tiếng khóc của những cô gái đã làm những làn điệu chèo liên tục bị đứt quãng. Có một thứ tình cảm khiến cho những con người không hề thấy mặt nhau trở nên gần gũi và thân thương như ruột thịt. Và kỳ lạ thay, những cô diễn viên vừa cách đây ít phút còn lử đử lừ đừ, người mềm như tàu lá héo vì say sóng, vì nhịn ăn suốt hai ngày trên tàu đã trở nên tràn đầy sức sống. Hình như cái tình người, sự cảm thương, niềm xúc động đã khiến họ vượt qua được những trận say sóng liên miên trong những ngày biển động. Họ hát và họ khóc.

Tiếng vỗ tay, hò reo qua máy bộ đàm cứ vang lên sau mỗi lần nút bấm của chiếc máy bộ đàm trên tàu HQ-957 được buông ra. Và những chàng lính trẻ đã hát vang bài hát truyền thống của lính nhà giàn với tiếng xoong chảo gõ vào nhau làm nhạc: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh, mặc chênh chông, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông. Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó. Mưa giông mặc mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng...”. Giọng những người lính trẻ tếu táo, trêu đùa từ nhà giàn hình như cũng chẳng thể khiến bầu không khí trên tàu vui lên được, mà ngược lại nó làm cho chúng tôi càng thêm ngậm ngùi, xúc động… Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn lặng lẽ ra boong tàu mặc cho những hạt mưa làm ướt nhòa đôi mắt của người lính già vốn gắn cả cuộc đời với biển đảo…

Thấy tôi chấm những giọt nước mắt, Chuẩn đô đốc Chấn quay sang hỏi: “Thế nào?”. Trước một câu hỏi không xác định, mà cũng chẳng cần phải có câu trả lời và cũng có thể là tự hỏi mình của Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn, tôi chỉ biết gật đầu đồng cảm. Rồi ông nói với tôi mà như nói với chính mình: “Lính hải quân là thế đấy. Gần một năm nay, nhà giàn DK1/12 chưa được đón  đoàn khách nào từ đất liền ra thăm, nên anh em háo hức và mong lắm. Thấy tàu đến gần rồi, nghe được giọng nói của nhau rồi, nhưng không được gặp mặt, nhất là không được nhìn thấy phụ nữ, anh em tiếc lắm. Thương lắm, nhưng biết làm sao được”. Có thể nói, sự hy sinh của những chiến sĩ ở nhà giàn DK1 là không thể nói hết thành lời. Lịch sử xây dựng và bảo vệ nhà giàn DK1 đã từng có 5 nhà giàn bị bão tố quật đổ và 9 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nằm lại giữa lòng biển khơi. Mỗi lần ra thăm quần đảo Trường Sa, các đoàn công tác đều chuẩn bị vòng hoa, và các thứ cúng lễ để thả xuống biển, tưởng nhớ những người con thân yêu đã nằm lại mãi mãi trong lòng biển cả.

Chiếc tàu HQ-957 rúc lên 3 hồi còi làm vang động cả một vùng trời nước thay lời chào của những chiến sĩ kiên trung ở nhà giàn DK1/12, Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn đưa tay vẫy chào những người lính. Chúng tôi chẳng nói thêm điều gì, nhưng trong tôi và ông đang dâng lên một niềm cảm xúc mãnh liệt, trước sự chịu đựng gian khổ và tinh thần phụng sự Tổ quốc kiên cường của những người lính giữa muôn trùng sóng nước Trường Sa... Chợt thấy hai tiếng Tổ quốc sao mà gần gũi, thân thương. Tổ quốc trong tôi là một căn nhà giàn kiên gan giữa mênh mông trời nước. Tổ quốc là người lính mình trần giữa nắng gió Trường Sa. Tổ quốc là thẻ hương cháy dở trên chiếc bè hoa tưởng nhớ những người con kiên dũng bỏ mình trên biển vì tấc đất thiêng liêng mà bao đời ông cha để lại… Và Tổ quốc là điệu hát chèo bị đứt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào của những người con gái giữa mênh mông Trường Sa ngày biển động. 

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.