Khám phá biển Tây- Kỳ cuối: Lời thề đi xây dựng đảo

27/10/2008 19:49 GMT+7

Một ngày cuối tháng 4-1992, tại nhà anh Huỳnh Bình Khởi (Tư Bình) ở hòn Củ Tron, quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) có một nhóm bảy người bạn tuổi đời trên dưới 40, gồm: Lê Minh Chiến (Năm Chiến), Nguyễn Văn Thắng (Hai Thắng), Danh Diện, Huỳnh Văn Dợn (Hai Dợn), Đinh Văn Giáp (Ba Giáp), Huỳnh Văn Kịch (Sáu Kịch) và chủ nhà Tư Bình đã nâng ly rượu thề nguyền: cả bảy anh em cùng nhau đưa vợ con đi lập nghiệp ở đảo Thổ Châu. Dù trong hoàn cảnh nào, bảy gia đình cùng thề “sống chết có nhau, không ai được quay lưng”.

>> Kỳ 1: Những người đi mở đảo
>> Kỳ 2: Người dẫn đường ở đảo
>> Kỳ 3: “Nữ chúa” hòn Mây Rút
>> Kỳ 4: Dấn thân ra đảo cứu người

Những gia đình tình nguyện ra đi

Quần đảo Thổ Châu gồm tám đảo lớn nhỏ, nằm ở địa đầu tây nam nước ta, cách mũi Cà Mau khoảng 160km về phía tây bắc và cách đầu mút phía nam đảo Phú Quốc khoảng 100km.

Thời Pháp thuộc, đảo Thổ Châu có tên trên bản đồ là Poulo Pangjang. Tháng 5-1973, chế độ Sài Gòn lập xã Thổ Châu (bao gồm đảo Thổ Châu và một số đảo lân cận), thuộc quận Kiên Thành và đến năm 1974 lại sáp nhập vào quận Phú Quốc.

Ngày 10-5-1975 Khơme Đỏ xâm chiếm và bắt dân cư trên đảo đưa lên tàu chở đi sát hại. Từ 23 đến 25-5-1975 các lực lượng của ta tiến công giải phóng Thổ Châu và các đảo lân cận. Suốt một thời gian dài Thổ Châu không có dân cư. Mãi đến năm 1992 mới có dân cư và sau đó tiến hành lập xã.

Biết chuyện có người nói: “Mấy cha nội ăn trúng cá độc bị sao rồi đó, chứ hòn Thổ Châu cách Củ Tron cả trăm cây số, trời yên biển lặng chạy ghe cũng mất cả ngày trời mới tới chứ ít đâu. Mà từ hồi giải phóng tới giờ đã gần 20 năm có thấy ai dám ra đó lập nghiệp đâu, họa hoằn có mấy chiếc tàu đánh bắt ngoài khơi gặp lúc dông bão, cướp biển tấn công mới chạy vào trú  ẩn. Mấy chả ra đó là chết chắc!”. Thế nhưng Tư Bình - lúc đó đang làm chủ tịch xã An Sơn, huyện Kiên Hải - và những người bạn của anh vẫn kiên trì thuyết phục vợ con và chuẩn bị hành lý, chờ thời tiết thuận lợi thì khởi hành.

Và rồi sáng 14-5-1992, cả bảy gia đình, già trẻ, gái trai 34 người lỉnh kỉnh mang vác đồ đạc xuống tàu lên đường ra đảo. Gần một ngày đêm lênh đênh trên biển rồi họ cũng đến được Thổ Châu. Từ dưới bãi, đoàn người vẹt cây rừng đi lên, lần hồi tìm đến xóm dừa - nơi ngày trước những người dân bị Khơme Đỏ sát hại sinh sống - để dựng nhà ở tạm, khởi đầu cuộc mưu sinh trên vùng đất mới.

Hằng ngày những người đàn ông lên rừng bẻ măng, phá cây rừng để trồng khoai, trồng dừa làm thực phẩm. Phụ nữ ra các rạn đá ven biển câu cá về làm thức ăn. Cuộc sống tự cung tự cấp, vì hồi đó chưa có tàu khách ra Thổ Châu. “Khó khăn đủ bề, vậy mà mới hơn một tháng sau khi đặt chân đến đảo, vợ của Danh Diện là Tăng Thị Hương “tự dưng” sinh con, đặt tên là Ngọc Châu. Do mẹ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng nên con Châu èo uột như tàu lá héo, có nguy cơ không sống nổi, nên mấy anh em họp lại cử tôi vào Phú Quốc tìm bè bạn xin đồ chở ra tiếp tế. Tôi đi chừng tuần được mấy thùng đường, sữa, rau quả, quần áo trẻ em... kịp làm quà con Châu tròn 2 tháng tuổi”, Tư Bình nhớ lại.

Cũng trong chuyến đi này, Tư Bình đã “lấy hết can đảm” để làm một việc mà bây giờ nhiều chị em vẫn nhắc: anh đi quyên góp đồ lót và băng vệ sinh mang ra, vì ở ngoài đảo không thể tìm mấy thứ cần thiết đó cho phụ nữ. Thế mới thấu hết tình người nơi đảo xa!

Sau nhóm của Tư Bình lại có thêm gần 20 gia đình tình nguyện ra xây dựng đảo Thổ Châu, trong đó có đại gia đình gần 30 người là con cháu của ông Lê Trắc (Tư Trắc) ở xã Mong Thọ, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ông Tư Trắc nguyên là cán bộ lão thành tỉnh Kiên Giang, trước khi nghỉ hưu là giám đốc trại giống lâm nghiệp của tỉnh Kiên Giang. Là người mê trồng trọt, chăn nuôi, ông lần lượt mang nhiều loại cây trồng: chanh, ổi, khoai lang, bầu bí, rau quả... cho tới các vật nuôi đặc trưng xứ đồng như lươn, ếch, cá lóc, cá trê... cả ong mật, gà, mèo, chó ra đảo cho đủ “hương vị” quê nhà khi sống nơi xa. Nhưng người ta nhắc nhiều đến ông trong vai trò người xây dựng chính quyền của xã. 

Những người “mở mũi”

Ông Tư Trắc - một trong những người có công xây dựng xã Thổ Châu những ngày đầu - Ảnh: T.Đức   

Tháng 4-1993, UBND xã Thổ Châu (lâm thời) được thành lập, trụ sở đặt luôn tại nhà chủ tịch xã Tư Bình. Hồi đầu (và cho tới tận bây giờ) xã chỉ có một ấp duy nhất là ấp Bãi Ngự với chừng 30 nóc nhà, sau đó dân cư đông dần lên, nhất là trong những tháng trời yên biển lặng (từ tháng mười một đến tháng sáu năm sau), tàu bè đánh bắt từ các tỉnh khác tựu về. Ông Lê Trắc lại đứng ra “mở mũi” trong cách làm ăn để mọi người làm theo. Chuyện mà đến bây giờ Tư Trắc vẫn còn nhớ là hồi đó bộ bạc “xi-túc” của máy ghe trị giá có 15.000 đồng, nhưng muốn mua phải tốn hơn nửa triệu đồng chi phí ăn ở đi lại tận Rạch Giá.

Vậy là ông về gọi mấy người con hùn tiền lại đóng một chiếc ghe 17 tấn ra vào đất liền mua hàng hóa về bán lại, để gia đình có thu nhập mà nhiều người dân ở Thổ Châu cũng bớt khó khăn. Thấy ông làm, một số người cũng làm theo, đến khi hàng hóa ở Thổ Châu giá không còn chênh lệch quá cao so với ở đất liền thì Tư Trắc nghỉ, chuyển qua trồng ổi, nuôi heo, dê, cá lóc.

Chủ tịch xã Tư Bình cũng năng động không kém. Hết đóng ghe 50 tấn đi đánh bắt xa bờ, ông lại nhảy qua làm nhà máy nước đá, rồi đóng lồng nuôi cá, nuôi mực. Cái nào Tư Bình cũng làm “ba mớ” rồi nghỉ. Anh nói: “Tui mồi đó, ai thấy được thì làm theo. Chừng họ thành công thì tui nghỉ”. Ngay cả chức chủ tịch xã Thổ Châu, Tư Bình cũng “mồi” luôn. Hồi mới giải phóng, anh đã là huyện đội phó huyện An Biên (Kiên Giang). Đang ngon trớn, Tư Bình lại tình nguyện về làm bí thư kiêm chủ tịch xã An Sơn. Rồi khi lập xã Thổ Châu, anh lại xông ra xây dựng chính quyền, làm chủ tịch xã một nhiệm kỳ, rồi sau đó chuyển cho người khác vì: “Tui dốt, hồi nhỏ đâu được học hành gì. Để người khác làm hay hơn”.   

Nhờ có những con người tình nguyện, dấn thân ra xây dựng đảo, nên bây giờ Thổ Châu đã phát triển về mọi mặt. Hằng ngày hơn 200 ghe tàu các nơi tựu hội về đây để mua bán sản phẩm đánh bắt được. Hằng tuần đều có tàu khách ra vào, nối đất liền với đảo xa. Xã cũng đã có trường học, trạm xá và điện thoại liên lạc bất cứ lúc nào. Tăng Ngọc Châu - đứa trẻ sinh ra đầu tiên ở Thổ Châu sau ngày miền Nam giải phóng năm nào (sinh ngày 15-6-1992) - đã vào đất liền học tiếp lên lớp 10. Hàng chục học sinh khác của Thổ Châu cũng vào được cao đẳng, đại học.

Theo Tấn Đức/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.