Khốn khổ vì ruồi

07/06/2009 00:00 GMT+7

Hơn tháng nay nhiều hộ dân ở các xã Đa Phước, Phong Phú và Quy Đức huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh khốn khổ do ruồi nhiều khủng khiếp hoành hành.

Ruồi: nỗi ám ảnh kinh hoàng

Vừa dừng xe ngay trước sân nhà bà Phạm Thị Thơm nằm ở ấp 1, xã Đa Phước, chúng tôi tá hỏa vì những đám ruồi tứ phía bay ào lên bám đầy vào áo quần, giỏ xách. Bà Thơm đưa chúng tôi xuống bếp và lôi ra một tấm bìa các-tông phủ kín xác ruồi rồi nói: “Mỗi ngày tui “thu hoạch” tới năm, sáu tấm như vậy đây chú!”. Trước khi đưa ruồi đi đốt, bà Thơm đồng ý để chúng tôi chụp tấm hình mà như ý bà là “tui không nói gian”. Chị Châu Hồng Châu, nhà ở kế cạnh thì cho biết, mỗi lần gói bánh ít để bán, hay ăn cơm cả nhà chị phải chui vào mùng. Sau hè nhà chị Châu, từng đám ruồi ào ào, bò lúc nhúc từ chỗ này sang chỗ khác khiến chúng tôi rùng mình. Tại ấp 3 nằm cách đó không xa, ruồi cũng đã tấn công vào nhà dân hơn tháng nay. Ở đây, mỗi nhà đều phải mua thuốc diệt ruồi nhưng bà con cho biết, mỗi ngày mỗi nhà vẫn đơm bẫy vài... tô ruồi, và ruồi vẫn nhiều như trấu. Tình trạng này không biết còn kéo dài bao lâu, khiến người dân vô cùng khốn khổ.

Tương tự, xã Phong Phú nằm tiếp giáp với xã Đa Phước,  ruồi cũng đã hoành hành cả tháng nay. Cái cảnh chui mùng ngồi ăn cơm hoặc xem tivi trở thành bình thường. Nhà nào cũng mua bẫy ruồi, thuốc diệt ruồi về để chống ruồi như chống giặc.

 

Bà Thơm với cái bẫy đầy ruồi trên tay - Ảnh: Bùi Chiến

Tại xã Quy Đức, mấy ngày qua, các hộ dân ngụ tại ấp 1 cũng đang đối mặt với những bầy ruồi bu kín khắp nơi. Kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh cho thấy, tại tổ 13 và 14 ấp 1 mật độ ruồi rất dày đặc: từ 10 - 50 con/m2 ở trong nhà và từ 70 - 80 con/m2 ở nhà bếp hay nhà vệ sinh.

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, hiện nay, sinh hoạt của người dân ở những nơi này hết sức vất vả. Việc ăn uống luôn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật. Do vậy, hầu hết các cuộc giỗ quảy, cưới hỏi, đám tiệc đành phải gác lại chỉ vì ruồi. Ngay cả bữa cơm gia đình không còn là những phút giây đầm ấm như trước nữa.

Ruồi từ đâu ra?

Tiếp xúc với chúng tôi chiều 2.6.2009, các hộ dân bị giặc ruồi hoành hành cho rằng ruồi phát sinh từ bãi rác của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, nằm ngay trên địa bàn của xã này. Vào ban đêm, mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác này lan tỏa ra xung quanh làm không ai thở nổi.

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình ruồi tại xã Đa Phước của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh thì kết quả không như phản ánh của người dân và sự chứng kiến của chúng tôi. Ngày 25.5.2009, Sở  Y tế có văn bản “đúc kết” việc kiểm tra như sau: “Bãi rác của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước vận hành theo quy trình kỹ thuật đã được theo dõi hằng tuần của Sở Tài nguyên và Môi trường; Kiểm tra thực tế tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước: tình hình vệ sinh của khu vực xử lý rác sạch, không mùi hôi, tuy nhiên trong khu vực có xuất hiện nhiều ruồi...”(?!). Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận những nơi khác như: xung quanh Nhà máy phân bón Hòa Bình có ít ruồi, ít mùi hôi; Khảo sát một số hộ dân bên ngoài Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước thấy có nhiều ruồi, đặc biệt là những nơi có thức ăn; Một số xe chở rác tập kết trước giờ quy định để rơi nước rỉ rác gây ô nhiễm trong khi việc rửa đường quá chậm trễ, sơ sài; trong khu vực dân cư còn nhiều bãi rác lộ thiên và phân gia súc, gia cầm cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh ruồi.

Từ “chẩn đoán” như trên, Sở Y tế chỉ định “toa thuốc bao vây” với nhiều đơn vị phối hợp tham gia nhằm phun thuốc diệt trừ ruồi, phát quang làm vệ sinh môi trường cống rãnh, bãi rác, khu dân cư, khu liên hợp, phun hóa chất dọc tỉnh lộ 50... Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, đến cuối buổi chiều ngày 2.6.2009, ruồi vẫn tiếp tục bám đầy nhà dân. Trong khi người dân thì cho biết, việc phun thuốc chỉ như xua đuổi ruồi từ nơi này sang nơi khác vì chưa xác định được chúng phát sinh cụ thể từ đâu. 

Ngày 4.6.2009, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bác sĩ Lại Phước Hòa - quyền Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh - cho biết, đoàn kiểm tra gồm Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cùng các Ban ngành chuyên môn của huyện Bình Chánh quay trở lại kiểm tra bãi rác của Khu liên hợp chất thải rắn Đa Phước thì phát hiện: tại đây có một ổ dòi! Cũng trong ngày 4.6, một chiến dịch diệt ruồi được triển khai tại các xã đang bùng phát ruồi. Bên cạnh việc phun hóa chất, ngày 6.6.2009, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh chuyển 2.000 tấm keo bẫy ruồi xuống các xã Phong Phú, Đa Phước và Tân Quy để phát cho các hộ dân.

“Phải kiên quyết bao vây và tiêu diệt ổ dòi và nguyên nhân tạo nên ổ dòi này thì chắc chắn ruồi sẽ hết, việc phun hóa chất hay đặt bẫy ruồi chỉ là giải quyết phần ngọn mà thôi” - bác sĩ Lại Phước Hòa khẳng định.

Người dân đang chờ kết quả cuối cùng. 

Bùi Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.