Làng nghèo nuôi dê

25/06/2009 10:02 GMT+7

Tại xã Sơn Tiến - một xã nghèo của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ lâu đời có một nét riêng không lẫn được: "Gia bần biết dưỡng dê".

Dê là một động vật khó thuần dưỡng hơn so với trâu, bò, hươu, bởi ngoài sức chịu đựng kém do thời tiết khí hậu, dê còn khiến cho người chăn nuôi không thiện cảm vì hay leo trèo, chạy nhảy, phá phách... và không ngớt miệng kêu đói, lại rất kén ăn. Thế nhưng tại xã Sơn Tiến - một xã nghèo của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), từ lâu đời có một nét riêng không lẫn được: "Gia bần biết dưỡng dê".

Hang động -  "nhà nghỉ" của dê

Bây giờ đang mùa nóng, gió Lào hầm hập thổi, nhưng cảm giác lạ khi tới vùng quê Sơn Tiến đã làm cho tôi mất hết mệt nhọc. Một vùng đất giáp ranh huyện Thanh Chương nhìn đâu cũng thấy núi ngồi, núi đứng xếp trông nhau. Từ xa, tôi đã nhìn rõ con đường mòn ngoằn ngoèo đỏ ối và bóng những đàn dê chạy ào ào như gió triền đồi cao... Dê trắng, dê đen, dê vàng, con nào lông cũng mượt và bụng tròn lẳn.

Càng lại phía Khe Cò, tiếng "be be..." càng rõ, không chỉ một con kêu mà tất cả cùng gào. Tôi nhẩm tính, dễ đến hơn chục dê con chừng bốn tháng tuổi cũng lẫm chẫm bước theo mẹ đi ăn. Không ít con dê mẹ đang trong thời kỳ sinh nở bầu vú căng phồng, núm vú dài ngỡ như sắp chạm đất. Lại có những con dê cao tuổi, dân địa phương Hương Sơn hay gọi là "dê cụ", to gấp ba, gấp bốn lần dê con, cằm râu dài quắp vào cổ, riêng cặp sừng mỗi con dê cụ mỗi vẻ, con sừng nhọn hoắt, con sừng uốn cong như xoáy trôn ốc.

Mục đích của chuyến đi này, tôi nói muốn tìm hiểu tỏ tường chuyện những người nuôi dê trên núi. Tôi cùng một anh bạn chuyên thích săn ảnh lạ quyết định gửi xe máy vào một quán nhỏ bên đường để lên tận những ngọn núi cao mà dê đang ăn.

Hướng dẫn viên cho cuộc du lịch sinh thái độc đáo này là anh Nguyễn Duy Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Tiến. Anh Mạnh tuy bận bịu việc xã, nhưng vẫn thuộc diện chăn nuôi giỏi của thôn. Nhà anh, chim bồ câu đầy chuồng, gà vịt đầy sân, còn khoản nuôi dê hiện tại trong tay cũng có 5 con.

Khi tôi muốn hiểu thêm hiệu quả kinh tế về dê, anh khiêm tốn bảo: "Gia bần dưỡng dê, nhưng không phải ai cũng nuôi được, ở đâu thì không biết chứ tỉnh Hà Tĩnh này chỉ có xứ Sơn Tiến dân hồ hởi nuôi dê nhất. Điều thuận lợi ở xã này là trong hơn 3.813ha diện tích đất tự nhiên thì diện tích đồi núi đã chiếm tỉ lệ hơn một phần ba".
 
Đứng trên một đỉnh núi cao chót vót, gió lồng lộng thổi, tôi mải mê theo bàn tay anh Mạnh chỉ những địa chỉ núi dê thường kéo đàn đàn, lũ lũ lên đây ăn: Khe Cò, rú Vạc, Thiên Nhẫn. Nhiều năm được hưởng lợi dự án 321, Chương trình 135, không chỉ hạ tầng cơ sở nông thôn Sơn Tiến đã thay đổi, những vùng đất trống đồi trọc được lợp kín màu xanh của thông, tràm, keo tai tượng... Trong màu xanh vây bủa ấy vẫn còn nguyên sơ những hang động là ngôi nhà nghỉ dưỡng cho họ nhà dê...

Tôi chui thử vào một cái hang quan sát, lúc này không thấy bóng dáng một con dê nào đang trú ẩn, nhưng nền hang nhan nhản phân dê, phân mới chồng lên phân cũ, cộng với mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc tanh lợm. Cái hang động hình bầu dục vừa sâu, vừa rộng, bên trên là những vỉa đá xám ngoét. Chính nhờ những hang động này, đàn dê ăn no mệt thì vào đây nghỉ trưa. Dê là động vật rất sợ mưa, hễ nghe trời sắp nổi dông, nếu ăn ở gần, dê ba chân bốn cẳng chạy về nhà, dê thả núi không về kịp thì hang động là nơi che chở cho dê an toàn nhất.

"Hang động nhiều như thế, dê không sợ rắn cắn à?" - anh bạn đi cùng tôi vừa giơ ống kính chụp hình, vừa buột miệng hỏi.

Anh Mạnh đáp: Hình như dê có mùi khét đặc biệt nên rắn sợ không chui vào, hơn nữa dê chạy rất nhanh khi gặp kẻ thù. Lịch sử nuôi dê ở làng Sơn Tiến chưa khi mô dê bị rắn độc cắn chết cả, thảng hoặc một vài con bị sét nướng thôi. Nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dê là loài sên. Chỉ cần một con sên bám vào đốt là dê lăn đùng ra chết, chủ không kịp trở tay.

Thảo nào những vùng rừng núi đại ngàn lắm sên vắt, không mấy người mặn mà tậu dê về nuôi vì lý do đó. Một điều thú vị nữa ở xứ sở này, ngoài hang động, còn có những khe suối chảy róc rách, khi dê khát nước lại tìm xuống suối uống. Dê lên núi được tự do leo trèo, tự do kiếm thức ăn ưa thích. Bao nhiêu loài cây dây leo hoang dã như cây bươm bướm, chè vằng, chua ngút... đều là sở thích của dê.

Cả làng nuôi dê

Người mát tay nuôi dê nhất vùng ngày trước ở Sơn Tiến phải kể đến ông Nguyễn Ky - xóm Thịnh Hoà. Ông Ky là một cán bộ miền Nam tập kết, ông lấy vợ quê Hương Sơn rồi định cư tại đây. Khi nghỉ hưu, ông Ky giống như ông Tô Vũ trong chuyện cổ Trung Quốc, thích sống ẩn dật và suốt ngày mải miết ở trên núi cùng đàn dê. Dê của ông chuyên sống trong hang động, lúc nào có khách tới mua, ông mới lùa về.

Vừa nuôi dê, vừa tĩnh tâm nghĩ thơ, ông Ky có nhiều thơ vui đọc cho cả xóm nghe. Đàn dê của ông Ky hằng năm có từ 25 con đến 30 con, thời làm ăn may mắn nhất lên tới 40 con. Dê núi ông Ky nổi tiếng và trở thành thương hiệu của nhiều chủ quán hồi ấy. Bây giờ, ông Ky đã trở thành người thiên cổ, nhưng bóng hình ông Ky vẫn còn mãi trong ký ức người dân Sơn Tiến.

Làng xóm phục ông đức tính nhẫn nhục, chịu khó. Chăn dê núi, dê không lạc không mất một con nào là đáng phục lắm chứ. Phục nữa là ông biết được cá tính từng con để có biện pháp rắn buộc nó phải hoà nhập vào tổng đàn.

Hồi ấy chưa có bác sĩ thú ý về chăm sóc sức khoẻ dê, nên ông Ky không chỉ là bác sĩ chữa bệnh cho đàn dê của nhà mình, mà ông còn tham gia tích cực cho các chủ hộ nuôi dê trong làng khi dê biếng ăn, kém ngủ. Dê ham ăn lộc nõn, tuy "lộc" dê đền đáp lại cho người nuôi không nhiều, nhưng gia đình ông Ky vẫn có của ăn, của để...

Gia đình ông Ky biết san sẻ và cảm thông với người nghèo, khi gia đình nào có nhu cầu muốn nuôi dê, ông sẵn sàng mời họ tới dắt dê về nhà. Có người khất nợ ông ba - bốn năm, ông vẫn cười xoà. Qua chuyện nuôi dê, tôi gom nhặt thêm chuyện tình làng nghĩa xóm. Từ một gia đình nuôi rồi cả làng nuôi, dê giống của ông Nguyễn Ky cứ thế sinh tồn và phát triển mãi cho tới bây giờ.

Nhờ học tập được kinh nghiệm của cựu lão nuôi dê Nguyễn Ky, gia đình ông Lê Đức Phúc cũng khá thành công trong nghề chăn nuôi này. Gia đình ông không nhiều lúa, khoai như các hộ khác, nhưng với tổng đàn dê hơn 30 con, thành thử ông vẫn đủ trang trải mọi thứ sinh hoạt trong gia đình.

Ông Phan Sơn Chúc - Chủ tịch xã - tâm sự với tôi: "Chẳng hiểu rồi nghề nuôi dê ở đây thịnh vượng mãi không. Tuy xã chưa giàu lên được, nhưng nhờ nghề phụ nuôi dê chí ít dân cũng có tiền mua gạo đủ cả nhà ăn. Tiền bán dê, hộ ít cũng từ 5 triệu đến 8 triệu đồng, người nuôi thu lãi nhiều khoảng ba chục triệu đồng. Năm 2009, toàn xã Sơn Tiến đã có hơn 800 hộ nuôi dê, chiếm 50% số dân trong toàn xã, đưa tổng đàn lên 1.800 con".

Ông Chúc còn cho biết: "Sở dĩ dân phấn khởi nuôi vì hiện nay có nhiều chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo. Hơn nữa, huyện Hương Sơn cũng đang khuyến khích để phát triển mạnh về chăn nuôi, đặc biệt là dê. Vừa qua, xã đã tổ chức mở 4 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và một lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê lai cho 15 hộ, do cán bộ Trung tâm giống thỏ Ba Vì - Hà Nội lên lớp. Hiện Sơn Tiến đang nuôi thí điểm 9 con dê ngoại (giống dê ận Độ) do trên đưa xuống".

Hình thức nuôi dê bây giờ cũng đổi mới hơn trước nhiều. Gia đình nào con đông mới có thời gian đưa dê chăn trên núi, đại đa số nuôi dê bằng chuồng tự tạo. Tôi lại tiếp tục đi sâu vào các lối ngõ của các hộ nuôi dê nhốt.

Bà Cầu - một chủ hộ ở phía Cầu Cao, vừa mới nuôi dê được ba năm, phân bua: "Tui ghét dê là loài hay phá, nếu xổng chuồng, dê xông ra vườn ngay. Lúc đó, nhà vắng người thì cà, đậu, lạc, dê giẫm cho tan tành. Nhưng mấy năm ni, giá nông sản quá rẻ, nên việc nuôi dê vẫn lấy công làm lãi được".

Tôi hiểu rõ nguồn lãi này xuất phát từ đâu khi xã Sơn Tiến vẫn còn nhiều hộ nghèo. Nghèo mức sống, nhưng quỹ đất không nghèo, nhà nào cũng có vài ba sào vườn, có hộ vườn rộng hàng mẫu. Vườn tược trước đây có nhà bỏ hoang, bây giờ phát triển nghề nuôi dê, họ mới tập trung trồng các loại cây ăn lá. Vườn nào cũng xanh um lá mít, lá giới, lá núc nác và rất nhiều cây có mủ khác phục vụ tại chuồng cho dê.

Những gia đình nuôi dê nhốt từ 5 con trở lên, họ khai thác đất hoang ở các đồi bãi và tạo thành những đồng cỏ nuôi dê. Giống cỏ ngoại VO6 (cỏ Mỹ) chỉ cần trồng sau vài tháng đã vượt nắng mà lên.

Biết dê chỉ thích ăn lá, không mặn mà với tinh bột, nên dân cũng dễ chiều. Dân nghèo chẳng mấy ai mua cám Con Cò, càng không biết chất gì tăng trọng cho dê cả. Chính sự chất phác thuần hậu này khiến dê Sơn Tiến không nhầm lẫn với bất cứ một thứ thịt dê nào trong nước.

Bà Cầu tiết lộ: "Mỗi năm, dê hai lần sinh sản, mỗi lần sinh từ 2 đến 3 con. Người nuôi dê rất yên tâm vì mặt hàng không khi nào ế, trong khi hồi trước muốn bán, cha con phải dắt dê ra chợ Bè, chợ Gôi, có khi còn gánh dê ra đò xuôi chợ Thượng...".

Bà Cầu vừa nói dứt lời thì ngoài ngõ nghe tiếng xe máy, một người đàn ông xăng xái bước vào, sau xe anh là một chiếc rọ sắt to đùng. Bà Cầu giới thiệu: "Đây là chú Quốc, chuyên làm dịch vụ mua dê để nhập cho các chủ quán".

Ngồi chưa uống hết bát nước chè xanh, giữa khách mua và chủ hàng đã ngã giá xong đôi dê ba triệu đồng. Quốc lần lượt vào chuồng túm chân cả hai con dê bỏ vào rọ nhẹ hơn bưng cả bì thóc. Chiều nay có một tiệc cưới đặt thêm món thịt dê, nên anh vội vã chở xe lên miền ngược...

Theo Phan Thế Cải  / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.