Người Lào có câu “Khôn Lao mặc muồn” (người Lào thích vui) nên người Lào vẫn luôn lạc quan, vui vẻ và ít than phiền về sự tàn phá của chiến tranh, của nỗi đau bom mìn xen lẫn bất ổn an ninh giữa thời bình...
Vòng trong, vòng ngoài...
Từ cố đô Luông Prabang, chúng tôi theo con đường độc đạo 13 để lên tới Xiêng Khoảng. Dưới cánh đồng, bên cạnh những người dân gặt lúa, trồng khoai, từng tốp dân quân bốn, năm người bồng súng.
Khá nhiều người mặc thường phục trang bị vũ khí khi ra đồng. Thi thoảng, chúng tôi lại gặp tốp thanh niên mặc quân phục đứng bồng súng, khuôn mặt nghiêm nghị dõi theo đoàn xe qua.
Trung tá In Koon - Trưởng ban thanh niên quân đội được cử đi tháp tùng đoàn chúng tôi tiết lộ, sau ngày giải phóng, bọn phỉ đã chọn quốc lộ 13 chạy về hướng Bắc với hơn 170km đường đèo hẹp, dốc ngoằn ngoèo để giở trò phá hoại.
Quốc lộ 13 là đường bộ gần như độc đạo, dài 420km nối từ thủ đô Viên Chăn lên đến cố đô Luông Prabang, kéo dài thêm gần 300 km đến Xiêng Khoảng được người Pháp hoàn thành vào đầu thập niên 40 của thế kỷ 20.
Qua hai cuộc kháng chiến, nhiều đoạn đường trên quốc lộ 13 bị hư hỏng nặng nên xe đi từ Viên Chăn đến được Xiêng Khoảng suôn sẻ phải mất ít nhất 3 ngày đường.
10 năm trước, năm 1996, được sự giúp đỡ của Việt Nam, con đường đau khổ này được phục hồi, thông suốt nên việc đi lại tuyến đường này chỉ còn trong một ngày. Nhưng cả Việt Nam lẫn Lào đã vượt qua rất nhiều gian khổ và phải trả cái giá khá cao: Khoảng 20 công nhân làm đường bị bọn phỉ phục kích giết chết trong khi đang ra sức sửa chữa lại con đường này.
|
Khi xe vừa đến đỉnh núi trên đất Xiêng Khoảng, ngoài xe của Bí thư Tỉnh đoàn còn có thêm một xe cảnh sát mang theo nhóm 5 sĩ quan được trang bị vũ khí, một xe của quân đội cũng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu áp tải phía cuối 10 chiếc xe kéo thành một đoàn dài.
Bunlot Saixamphăn, quyền Bí thư Tỉnh đoàn Xiêng Khoảng cho hay, chúng tôi là đoàn thanh niên Việt Nam đầu tiên đến vùng đất này nên lại càng phải cẩn trọng. Mấy năm trước, bọn phỉ hay lợi dụng địa hình hiểm trở ở đây để làm bậy, nhưng quân đội tổ chức truy quét tiễu phỉ quyết liệt.
Bây giờ thì khá yên nhưng để phòng ngừa, hầu hết trên các chuyến xe khách du lịch, bộ đội được trang bị vũ khí mặc thường phục vẫn được cử theo xe để bảo vệ, phòng chuyện bất trắc.
Con đường vương giả (Old Royal Route) là biệt danh của đường 13 mà du khách thế giới đặt tên mỗi khi xe chạm đất Xiêng Khoảng. Những quả đồi thoai thoải phủ cỏ mịn màng, xanh mướt được trang điểm bằng rừng thông tự nhiên đẹp mê hồn.
Chẳng biết tự bao giờ, những hàng rào bằng gỗ mảnh dẻ chạy xen giữa quả đồi thơ mộng khiến mảnh đất này như ngoại thành những thành phố nổi tiếng của châu u. Xa xa, từng đàn ngựa sóng đôi, thong thả gặm cỏ dưới những cây thông.
Anh bạn ở Bộ Ngoại giao Lào tủm tỉm cười trước câu khen ngợi của những cô gái Việt Nam: “Đẹp hơn cả Đà Lạt!”. Anh bạn chỉ tay về phía những hồ nước nho nhỏ không theo một mẫu thiết kế nào nói, đó là “đặc sản” của Xiêng Khoảng: Những hồ nước được tạo bằng bom, to nhỏ không đều rải rác khắp vùng!
Cao nguyên Xiêng Khoảng nằm ở độ cao từ 1.500 - 2.000m, quanh năm khí hậu mát mẻ. Trong thông báo trước đó cho các đại biểu, chúng tôi được nhắc phải chuẩn bị cả áo rét vì nhiệt độ có thể xuống dưới 13 oC.
Đang từ vùng nắng đốt nóng nực bỗng chốc đổi gió, chúng tôi ào xuống bãi cỏ bên đường hít thở không khí trong lành. Mấy doanh nhân trẻ vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp vừa trầm trồ bàn tán về những sân gôn và áng chừng thời gian Việt Nam mở đường bay mới tới Xiêng Khoảng.
Toát lên cảnh đẹp về sự thanh bình, cuộc sống nhàn hạ trong những ngày lễ hội thả đèn hoa đăng rằm tháng Tám của người Lào. Suốt dọc đường đi mấy trăm cây số, hễ cứ thấy đông người là y rằng linh đình cỗ bàn, hát và múa Lăm vông...
Tại bữa ăn tối hôm đó, trong trang phục dân sự, Trung tá In Koon tiết lộ, ông là người phụ trách “vòng ngoài” và một vị lãnh đạo công an phụ trách an ninh “vòng trong” toàn bộ thời gian chương trình giao lưu của Đoàn thanh niên Việt Nam tại Lào.
Để quyết định tổ chức gần 3 ngày giao lưu tại đây, In Koon và đồng đội phải đi thị sát các vùng núi đồi, những nơi rừng rú mà người dân nghi ngờ là nơi trú ẩn của phiến quân phỉ... Đó là mối lo lắng lớn nhất khiến ông Viên Tha Nỏn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, quyền Chủ tịch tỉnh Xiêng Khoảng phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi trò chuyện với chúng tôi.
“Xiêng Khoảng vẫn còn nguyên mối đe dọa về an ninh bởi tình hình nổi loạn của phỉ Vàng Pao” - ông Nỏn nói: “Lãnh đạo chính quyền tỉnh cố gắng đảm bảo an ninh, chăm lo giải quyết cho nhân dân có cuộc sống tốt hơn. Nhưng để thu hút đầu tư nước ngoài vào Xiêng Khoảng, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo được an ninh”.
Xiêng Khoảng có diện tích 16.850 km2, phía đông tiếp giáp với tỉnh Nghệ An, cùng chung 198km đường biên, phía tây nam giáp với Thủ đô Viên Chăn. Dân số ở đây tăng không đáng kể từ ngày sau giải phóng, chỉ khoảng 260 nghìn người.
Vỏ bom từ nhà ra phố
Cũng như những vị khách lần đầu tiên đến đây, chúng tôi bàn tán với nhau về sự xuất hiện của các loại vỏ bom, đạn. Tại khách sạn Dook Khun nơi chúng tôi ở giữa thị trấn Pôn - xa - vẳn, vỏ các loại bom đạn được dùng làm cột nhà, làm bồn trồng hoa, những tấm biển báo cho đến vật dụng trang trí...
|
Những tưởng đó là nơi đặc biệt nhưng ông chủ khách sạn khá thật thà nói, hầu hết các nhà hàng, khách sạn hay nhà dân đều có đủ những đồ dùng, vật trang trí làm từ vỏ bom, đạn. Thậm chí, có nhiều quả còn đặc, nguyên lõi vẫn được khuân về để... góc nhà.
Người chủ guest house Kong Keo trang trí cho quán cà phê của mình bằng phế liệu chiến tranh: Cột là những vỏ quả bom dựng đứng, trên bàn đủ loại vỏ lựu đạn, cửa sổ quán lủng lẳng mấy cái nón sắt trồng phong lan. Ngoài sân vườn còn có cả kiốt bày toàn súng vỏ đạn, vỏ bom...
Ông Hà Văn Cảnh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Xiêng Khoảng cho biết, dùng phế liệu chiến tranh để trang trí như guest house Kong Keo là rất bình thường. Vì Xiêng Khoảng là kho phế liệu chiến tranh lớn nhất Đông Dương. Trước đây, nhiều nhà còn trang trí ngoài sân vườn chiếc trực thăng hay máy bay phản lực của Mỹ...
Để có được những vật dụng trang trí đặc biệt ấy phải trả giá bằng cuộc sống của rất nhiều dân lành Lào. Từ 1976, các cơ quan tháo gỡ mìn như UXO (Unexploded Ordnance) và MAG (Mines Advisory Group) ước tính mỗi năm có khoảng 50 người Lào thiệt mạng hay thương tật vì loại bom chưa nổ này.
Non 10 năm không quân Mỹ liên tục oanh tạc Xiêng Khoảng, những mong tiêu diệt Pathet Lào và hậu cần của Bắc Việt tiếp tế vào Nam Việt Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh (từ năm 1964 - 1973), với 580.344 phi vụ, trung bình 8 phút/1 phi vụ cả ngày lẫn đêm, quân đội Hoa Kỳ đã tặng cho mỗi cư dân Xiêng Khoảng và vùng phụ cận 350kg bom.
Không khí giao lưu vui vẻ làm tan đi sự lo lắng của số ít đại biểu khi biết về tình hình an ninh Xiêng Khoảng. Vị quyền Chủ tịch tỉnh từng có tám năm học tại trường ĐH Nông nghiệp và công tác tại Việt Nam.
Chẳng biết có phải vì ông tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp hay không mà ông hết sức tự hào khi công bố, hàng năm người dân Xiêng Khoảng đã tự sản xuất lương thực đủ ăn và dự trữ với mức bình quân 400kg/người.
Sau chiến tranh, cả tỉnh chỉ có hơn 1.000 con trâu, bò nhưng giờ có thể cung cấp thịt cho cả thủ đô Viên Chăn, các tỉnh lân cận và xuất khẩu sang Việt Nam. Những khó khăn mà ông Viên Tha Nỏn điểm danh, ông nói người Lào có thể đối mặt và khắc phục.
Điều ông và chính quyền Xiêng Khoảng mong mỏi nhất là được Việt Nam tiếp nhận đào tạo học sinh, sinh viên và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ công chức để xây dựng Xiêng Khoảng phát triển hơn.
Mỗi năm, Xiêng Khoảng có 2.500 học sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng chỉ có gần 200 học sinh được tiếp tục theo học, trong đó tỉnh Nghệ An cấp 10 - 15 học bổng, số học sinh còn lại chẳng biết giải quyết ra sao...
Kỳ 2: Huyền bí Cánh đồng Chum
Theo Phương Hiếu / Tiền Phong
Bình luận (0)