“Mê hồn trận” học thôi miên

30/12/2010 08:57 GMT+7

Gần đây, từ những lời đồn thổi học thôi miên chữa được bá bệnh và có khả năng điều khiển người khác, nên có khá nhiều người quyết tâm “tầm sư học đạo”.

Một trong những cuốn sách dạy thôi miên đang được nhiều người chuyền tay nhau học có tựa là Thuật thôi miên. Đây là sách hướng dẫn các phương pháp tự học thôi miên được nhiều người kháo nhau là “bí kíp”, chỉ cần học xong sẽ “điều khiển người khác trong lòng bàn tay của mình”.

Bìa cuốn sách màu đỏ, được vẽ một con mắt khá lớn với những lời dặn dò là chỉ cần thực hiện đúng theo các bài giảng đã có sẵn trong sách là có thể học thành thạo thuật thôi miên!?

Đào tạo... từ xa

Anh T.H.N. - ngụ đường Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM,  kỹ sư công nghệ thông tin, một “tín đồ” học thôi miên từ cuốn sách này - rất tin tưởng nói: “Sách này dạy thôi miên rất hay. Sau một tuần tự học thôi miên, tui dùng “ảo thuật” để nói chuyện với sếp thì thấy mình nói gì ổng nghe nấy, khác hẳn trước đây thường xuyên la mắng mình!”. ]

Còn H.M.H., sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, mỗi ngày bỏ ra ít nhất năm giờ “luyện công” để tự học thôi miên theo sách. “Mình quyết tâm phải thôi miên được... trái tim cô gái mà mình rất thích nhưng lại không yêu mình. Tự học đã hơn một tháng nhưng vẫn chưa thôi miên được cô nàng. Chắc là luyện chưa đúng mức” - H. tự an ủi.

Trên nhiều trang web cũng rầm rộ dạy học thôi miên qua mạng với những lời quảng cáo rằng học thôi miên xong sẽ trị được bá bệnh: giảm cân, giảm đau, bớt sợ hãi, bớt đổ mồ hôi, bỏ rượu, bỏ thuốc lá và cả tật mê cờ bạc.

“Tui học thôi miên gần hai tháng để tự cai thuốc lá. Nhưng mỗi khi “lim dim” theo hướng dẫn thì lại thèm thuốc lá hơn cả bình thường. Chắc là mình học chưa đúng cách” - anh Nguyễn Văn Tập, nhân viên Công ty may Đức Hoàng (đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM), nói.

Cũng trên các trang mạng, khá nhiều “thầy” nhận đào tạo thôi miên từ xa, trực tuyến. Chúng tôi thử liên hệ với “thầy” L., khá nổi tiếng trong giới dạy và học thôi miên trực tuyến. Sau khi trao đổi qua điện thoại, “thầy” L. đồng ý đào tạo thôi miên trực tuyến cho chúng tôi. Ông khích lệ: “Tụi em đang ôn thi căng thẳng tìm đến đây là đúng chỗ rồi. Đảm bảo sau khi học, các em sẽ đậu ĐH”.

Khi chúng tôi tỏ vẻ e ngại về trường hợp học thôi miên không thành công, “thầy” L. nói như quát: “Chắc chắn là thành công, còn nhiều hay ít thì tùy vào khả năng của em. Tôi đã dạy bao nhiêu người rồi chứ có phải giờ mới dạy đâu, ai cũng có khả năng thôi miên thuần thục cả”.

Giá 1,5 triệu đồng cho mỗi khóa học sơ cấp và trung cấp. Sơ cấp học trong 5 ngày, trung cấp học 10 ngày. Khi đăng ký học viên sẽ phải chuyển học phí vào tài khoản của “thầy” hoặc gửi qua địa chỉ bưu điện.

Theo lời hẹn, mấy ngày sau chúng tôi được “khuyến mãi” một buổi học đầu tiên. Hơn một giờ tiếp cận môn học, chúng tôi phát hiện nội dung bài giảng tương tự cuốn sách Thuật thôi miên.

Bắt đầu mỗi câu giảng, “thầy” đều dùng cụm từ ám thị “Em nên nhớ”, “Em nên biết”... Bằng những lời dẫn dụ đều đều nhưng đầy “thần bí” (như lời quảng cáo), “thầy” cố dẫn dắt chúng tôi “đi từ căn phòng tưởng tượng xuống một cầu thang sâu hun hút, bước chân ra cánh cửa và đứng trước biển”.

“Em cảm nhận được làn gió mặn mòi của biển, tiếng sóng biển chưa. Đó là mê âm khúc” - “thầy” hướng dẫn thủ thuật.

Tôi bảo mình chả thấy gì cả mà chỉ thấy nhức đầu và mệt vì phải tập trung thần kinh quá mức. “Thầy” nổi nóng: “Sao không thấy được? Hay là đầu em có vấn đề rồi? Thôi vậy là đủ rồi, nếu học thì chuyển tiền nhanh qua tài khoản để tôi xếp lớp”.

“Muốn gì được nấy”

Các lớp dạy thôi miên ngoài đời cũng sôi động không kém. “Nhắm mắt chặt lại. Hít sâu vào. Hãy tưởng tượng trước mặt mình là người mà mình thương yêu nhất và hãy tiến dần về người đó, biểu hiện tình cảm của mình đi. Hôn thật sâu vào...” - giọng “nhà thôi miên học” L.V.M. đều đều, huyền bí.

Lớp học thôi miên của “thầy” M. trên đường Trường Chinh, gần cầu Tham Lương, có hơn 20 học viên đủ mọi lứa tuổi, giới tính. Các học viên lim dim mắt, thực hiện nghiêm trang lời hướng dẫn của “thầy” trong không khí vô cùng tĩnh lặng. Ông M. tự quảng cáo là tiến sĩ thôi miên học tại Ấn Độ và đã tu nghiệp ba năm ở Pháp.

Một khóa học “thôi miên cấp tốc” trong một tháng của ông có học phí 10 triệu đồng/học viên. Còn khóa học chuyên sâu kéo dài hai tháng thì học phí 16 triệu đồng/người.

Ông Lê Văn Minh, ngụ đường Nguyễn Văn Quá, Q.12, đang theo học khóa sơ cấp của “thầy” M., nói: “Tui bị bệnh đau nhức kinh niên. Nhiều người mách nước là nên học thôi miên sẽ trị dứt bệnh. Gom tiền đi học khóa của thầy M., đến nay gần hết khóa cũng chưa thấy bớt bệnh nhưng cũng ráng theo đến cuối xem sao...”.

Nhiều lò, trung tâm dạy thôi miên như lò của “thầy” H. ở đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình; lớp dạy thôi miên của “tiến sĩ” thôi miên học T.L. ở Q.7... còn phát cả tờ rơi ở các ngã ba, ngã tư để tiếp thị cho các khóa học của mình với những lời quảng cáo khá “kêu” như: “Bảo đảm sau khóa học có những thủ thuật điều khiển người khác, bạn sẽ muốn gì được nấy”, “Hãy điều khiển cả thế giới trong tay khi có thuật thôi miên”...

“Nhắm hờ mắt lại. Đọc lẩm nhẩm và nhập tâm: hãy làm theo tôi và tưởng tượng trước mắt mình là vực sâu thăm thẳm và mình đang rơi tự do xuống...” - “tiến sĩ” thôi miên học T.L. nói như hét với các học viên trong buổi đầu học nhập môn căn bản. Ông L. quảng cáo tất cả học viên của mình “ra trường” đều có trình độ thôi miên đẳng cấp và nhờ thôi miên mà rất thành đạt trong công việc, cuộc sống.

Chúng tôi thử đề nghị ông thôi miên ngay người bạn đi cùng để điều khiển anh ta làm theo ý ông. Ông L. nhắm mắt, niệm lâm râm một lúc nhưng anh bạn vẫn không thay đổi trạng thái, phì cười. “Đông người quá khó điều khiển” - ông chữa thẹn.

Tuy chưa thấy tài năng thôi miên của “thầy” ra sao nhưng một khóa học trọn gói ở đây là 16 triệu đồng/người. “Sau khóa học này, tui sẽ thôi miên những người tôi ghét, bắt họ phải làm theo ý mình. Mấy em gái phen này chỉ có từ “chết” đến “bị thương” thôi” - một nam học viên còn khá trẻ của ông L. tự tin nói.

“Thôi miên” cướp tài sản

Bạn đọc Nguyễn Thị Hà (SV Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) kể cách đây ít ngày, bạn cô từ làng đại học Thủ Đức đi học về thì đột nhiên có một thanh niên chạy xe gắn máy tay ga rà tới hỏi đường. Được chỉ dẫn, người thanh niên hỏi mượn điện thoại và sau đó hỏi mượn tiền.

Như bị thôi miên, cô gái móc hết số tiền 350.000 đồng trong túi đưa gã thanh niên. Lên xe buýt, đi được một đoạn, nạn nhân mới tá hỏa kiểm tra tiền, điện thoại, lúc đó mới biết mình bị mất hết tài sản.

Với “chiêu thức” tương tự, một đối tượng đã vào tận phòng trọ của bạn đọc Ngô Thị Lan, ngụ đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, lấy một chiếc nhẫn 3 chỉ vàng 24k và 8 triệu đồng.

Chị Lan kể: “Người đàn ông hỏi đường rồi tự dưng muốn ghé phòng trọ xin nước uống, tôi mê muội dẫn ông ta về phòng. Uống nước xong, ông ta nói đi nói lại một câu gì đó làm mình lú lẫn và tự nguyện mở nhẫn, lấy tiền trao cho hắn. Khi người đàn ông đi một lúc, tôi tỉnh lại mới biết nhẫn và tiền đã mất. Phòng trọ chỉ có mình tôi, nếu gã ta có muốn làm bậy thì mình cũng mê muội không còn kháng cự được”.

Một cán bộ đội 8 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP.HCM cho biết “thôi miên” thực chất chỉ là thủ đoạn đánh vào điểm yếu cả tin của người đối diện. Các đối tượng này thường sử dụng “đòn tâm lý”, dùng lời nói, ánh mắt để thuyết phục đối tượng tin rồi đưa đồ cho mình.

Trong năm qua, đội 8 đã bắt một nhóm người chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng “chiêu thức” này. Họ thường nhắm đến các chị em có điều kiện kinh tế khá giả, lân la làm quen, tìm hiểu thông tin sau đó “thôi miên” để chiếm đoạt tài sản. Vì thế, người dân nên đề cao cảnh giác, không nên tiết lộ thông tin nhân thân, gia đình cho người lạ biết.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, giám đốc Trung tâm giám định pháp y - tâm thần TP.HCM, thôi miên là một dạng ám thị khi thức. Đây là một phương pháp để tiếp cận và giao tiếp với tiềm thức của con người, tác động một cách trực tiếp lên cơ thể người.

Người bị thôi miên ở trạng thái dễ bị ám thị và các hoạt động tâm thần của vỏ não được thư giãn hoàn toàn, trí tưởng tượng được kích thích cao. Trạng thái này không giống như khi ngủ vì thực chất khi bị thôi miên vẫn hoàn toàn tỉnh táo nhưng trạng thái ý thức tạm thời không bị tác động bởi kích thích xung quanh.

Những vụ cướp tài sản gần đây cũng dùng hình thức ám thị khi thức nhưng chưa đúng chuẩn của kỹ thuật thôi miên. Kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý lo lắng về sức khỏe, bệnh tật đối với những người dễ bị ám thị, nhẹ dạ, cả tin. Những người thực hiện thường có khả năng ăn nói thuyết phục, lưu loát và liên tục quan sát thái độ, cử chỉ của nạn nhân. Chỉ cần nạn nhân bị cuốn hút vào câu chuyện là mục đích của những đối tượng này thành công.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.