Giữa thập niên 1980, người dân thường truyền tụng câu vè: “Trần Phương, Trọng Truyến, Trần Quỳnh/Còn ba người đó dân mình đói to”. Bài viết của Bùi Huy Hùng cung cấp một góc nhìn công bằng hơn về vai trò của một nhà khoa học thời “đêm trước Đổi mới”.
“Anh Ba đồng ý rồi”
Đối với tôi, cuộc gặp gỡ lần đầu ngắn ngủi qua cách “thử việc” của chuyên viên cao cấp Việt Phương rồi sau đó với Giáo sư (GS) Đoàn Trọng Truyến (1922-2009) là bước ngoặt quan trọng để sau đó tôi được làm việc và gắn bó với ông trong suốt 8 năm với tư cách là thư ký riêng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, rồi khi ông làm Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng.
GS Đoàn Trọng Truyến là một trong số không nhiều các nhà lãnh đạo ở nước ta đã tốt nghiệp đại học từ thời Pháp thuộc rồi được bổ làm quan trước khi tham gia cách mạng. Cái chất trí thức mới trong người ông thật rõ nét. Đọc sách, suy ngẫm lật đi lật lại những vấn đề của chính sách khi đi vào cuộc sống là đam mê của ông.
Trong các chuyến công tác, hành trang đơn giản của ông luôn có sách. Những lúc rảnh rỗi, ông đọc rồi lấy bút đánh dấu, ghi chú ngoài lề sách những điều mà ông quan tâm. Khi ấy tôi còn trẻ và mới vào nghề nghiên cứu về quản lý. Những cuốn sách về triết học, chính trị, kinh tế và quản lý mà ông đọc say sưa làm tôi băn khoăn tự hỏi: làm sao mà ông lại đam mê những thứ khô khan và khó hiểu như vậy?
GS Truyến có thói quen và rất thích thú với việc đi thăm và làm việc với các cơ sở, địa phương. Hình như trang bị cho mình những kiến thức lý luận rất cơ bản, ông muốn tìm câu trả lời cho những vấn đề của cuộc sống chính từ cuộc sống. Những chuyến đi gặp gỡ các chủ nhiệm hợp tác xã và bà con nông dân, các giám đốc xí nghiệp và công nhân, thảo luận với các lãnh đạo địa phương nơi ông đến đã cho ông nhiều điều mới lạ để suy ngẫm và đưa ra quyết định. Sau này, có lần ông tâm sự: Một nhà lãnh đạo cấp cao mà ông rất kính nể có nói với ông rằng: “Trong cuộc đời (chính trị) lúc khó khăn nhất, hãy về cơ sở. Ở đó là nguồn sống”.
Vào cuối thập niên 1970, chính sách kinh tế và hệ thống quản lý ở nước ta bộc lộ nhiều yếu kém và lạc hậu. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân rất khó khăn. Lãnh đạo đi lại nhiều, họp hành rất nhiều và thảo luận cũng rất nhiều. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thảo luận thì nhiều mà tranh luận lại ít, nhất là ở cấp cao. Bản chất câu chuyện về chiến lược quản lý lúc đó là xử lý mối quan hệ giữa kế hoạch và thị trường. Và, sau này sáng tỏ dần ra việc nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường như thế nào. Tôi biết GS Truyến được các nhà lãnh đạo Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng rất quý trọng và thường xuyên cho mời đến làm việc riêng. Có lần sau buổi làm việc kéo dài, ông rất vui và hứng khởi nói: “Anh Ba đồng ý rồi”. Tôi hiểu là ông đã thành công trong việc thuyết phục Tổng bí thư Lê Duẩn về một số vấn đề có tính nguyên tắc trong quản lý kinh tế đất nước mà ông và cộng sự đã nghiên cứu kỹ.
Tôi nhớ lại trước đó một tháng, ông cặm cụi viết một bản báo cáo, tự tính toán nhân chia các con số và viết đi viết lại rất kỹ lưỡng. Nếu tôi không nhầm thì có lẽ báo cáo vài trang đó của ông với những con số khô khan và nhận xét tình trạng khó khăn, nặng nề của nền kinh tế “kém hiệu quả, năng suất lao động liên tục giảm, chi phí cao, đồng vốn không sinh lời, hàng hóa không được lưu thông bình thường, đồng lương không đủ sống…” và một loạt các vấn đề khác đã được đặt lên bàn của lãnh đạo cao nhất của đất nước. GS Truyến đã trình bày về khủng hoảng kinh tế, về hệ thống quản lý dẫn đến khủng hoảng lòng tin trong xã hội.
|
Không muốn làm chính trị
Từ năm 1980 trở đi, ở các địa phương như TP.HCM, Long An, Hải Phòng… đã có những chủ trương “phá rào” nhằm tháo gỡ khó khăn. Sức ép từ cơ sở và địa phương đang dồn về trung ương. Cũng thời gian đó, GS Truyến và các cộng sự đến làm việc nhiều lần với lãnh đạo các địa phương để nghiên cứu tìm hiểu thực tế. Trong lúc làm việc ở các tỉnh, thành phố, có nhiều điều ông chia sẻ, ủng hộ họ. Tuy nhiên, ông lo lắng nhất là nếu không có cải cách đồng bộ từ đường lối chính sách đến hệ thống quản lý thì tác động dây chuyền của việc phá vỡ từng mắt xích của nền kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát không thể kiểm soát được.
Từ tổng kết thực tiễn, Đảng và Nhà nước đã ban hành một loạt quyết định như nâng giá thu mua nông sản của nông dân, khoán 10 trong nông nghiệp, nghị định về thực hiện 3 phần kế hoạch và trao quyền tự chủ cho các xí nghiệp, nông lâm trường, nhất là điều chỉnh giá - lương - tiền… Đó là những bước đi quan trọng, nhưng đầy khó khăn. Đất nước vốn đã nghèo, nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ của các nước, lại duy trì quá lâu chế độ bao cấp giá rẻ - lương thấp. Nguồn lực cạn dần. Nếu không điều chỉnh giá - lương - tiền sẽ tiếp tục trong vòng luẩn quẩn. Có thể nói những bước điều chỉnh giá - lương - tiền là cuộc “giải phẫu” đầy đớn đau đối với tất cả, mà không có nó, khó có công cuộc đổi mới thành công sau này để chuyển sang nền kinh tế thị trường từ giữa năm 1986. GS Truyến với tư cách là nhà khoa học, cán bộ tham mưu cao cấp, cùng với GS Trần Phương và các cộng sự, đã làm tốt vai trò của mình.
Đến hôm nay, mỗi khi nghĩ về thủ trưởng của mình, tôi cứ phân vân nên coi ông là quan chức cấp cao hay là nhà giáo. Tôi còn nhớ một buổi chiều đầu năm 1980, người ta mang đến cho ông quyết định của Bộ Chính trị cử ông làm Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước. Ông sang phòng làm việc của tôi ở bên cạnh cho xem quyết định, vẻ mặt ông trầm lắng không lộ rõ sự xúc động bên trong, mà xen lẫn sự lo lắng. Nhưng sau này, khi ông được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, tôi được kể lại là ông rất vui mừng.
Thời gian trôi đi, sẽ có ít người còn nhớ đến ông Truyến - Bộ trưởng nhưng chắc sẽ có nhiều người nhớ đến giáo sư kinh tế, Nhà giáo Nhân dân Đoàn Trọng Truyến, người đã tham gia tổ chức và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên và cán bộ quản lý. Trong các hoạt động sư phạm của ông, có lẽ, phức tạp nhất và cũng hứng khởi nhất là việc tổ chức các lớp học đầu tiên cho cán bộ cấp cao về quản lý kinh tế do các GS Liên Xô giảng dạy giai đoạn 1979 -1980. Liên Xô khi đó đã cử giáo sư, viện sĩ sang Việt Nam giảng dạy, họ còn mang theo cả phương tiện giảng dạy, rồi tặng ta phục vụ các lớp học sau. Tại các buổi giảng ở hội trường Ba Đình, những quan điểm về kinh tế được thể hiện cởi mở hơn. Có nhiều điều trước đó khó nói thẳng với nhau thì bây giờ lại được thảo luận với dẫn chứng từ lời các GS Liên Xô. Điều lý thú là có những quan điểm, tư tưởng mới mà các chuyên gia Liên Xô không nói được ở trong nước thì sang ta họ trình bày khá thoải mái. Họ đã đem lại cho cán bộ ta không khí mới gợi mở tư duy, nhiều người cho là bổ ích. Vậy mà trong thời gian lớp học đang được tiến hành, trong số học viên có một cán bộ cấp cao phụ trách cơ quan lý luận trung ương đã gửi thư cho Tổng bí thư Lê Duẩn đề nghị xem lại chủ trương để người nước ngoài đến giảng về những quan điểm không phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng.
Việc tham gia nhiều vào công việc của lãnh đạo cấp cao là cơ hội tuyệt vời để ông đóng góp ý kiến về những vấn đề nhạy cảm về kinh tế chính trị. Khi thấy ông được đề bạt làm bộ trưởng mà không tham gia trung ương, tôi tế nhị tìm hiểu qua nhiều nguồn. Hóa ra là trong nhiều năm, tại nhiều hội nghị, ông đã trình bày quan điểm tư tưởng của mình về những vấn đề chính trị nhạy cảm như dân chủ trong kinh tế, sự cần thiết phải xây dựng nhà nước pháp quyền, về tri thức hóa đội ngũ cán bộ vốn xuất thân từ công - nông… Những phát biểu như vậy đã làm không ít người có quyền lực e ngại, song cũng lại có không ít người nể trọng ông vì sự thẳng thắn.
Sau này, tôi mới hiểu câu ông nói với tôi trong một lần thầy trò tâm sự: “Tôi không phải là nhà chính trị và tôi không ham muốn quyền lực chính trị”. Tiếp cận đến quyền lực mà không tiến đến quyền lực chính trị cũng là điều lạ.
Bùi Huy Hùng
Bình luận (0)