Nghề chăm sóc người bệnh - Bài 3: Chia sẻ với bệnh nhân đặc biệt

25/08/2009 23:23 GMT+7

Bên cạnh những người được gia đình bệnh nhân thuê chăm sóc, ở TP.HCM có không ít người tự nguyện đến với nghề, chủ yếu để san sẻ bớt nỗi đau của người bệnh... Mời nghe đọc bài

Chúng tôi tới Trung tâm Nuôi dưỡng người già và tàn tật Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM) đúng vào giờ cơm trưa. Màu vôi quét tường đã trở nên vàng ố, cũ kỹ trông già nua như những con người bất hạnh đang nương tựa tại đây. Nơi đây đang hết sức náo nhiệt. Những cụ ông, cụ bà chậm rãi men cầu thang đi xuống nhà ăn. Họ vừa đi vừa trò chuyện. Người khỏe hơn dìu người yếu hơn. Nhìn một cụ bà tóc bạc phơ, chân tay run rẩy, cơ mặt cũng run lên và giọng nói không còn tròn trịa... được một cụ bà khác dắt đi dưới sân, ai cũng thấy ái ngại. Nhưng khi hỏi cụ sao không ngồi tại giường sẽ có người mang cơm lên, cụ cười móm mém: “Đi tập thể dục”, rồi chỉ tay lên lầu bảo trên đó rất nhiều cụ phải nằm liệt một chỗ, buồn lắm. Phần lớn các cụ sống nơi đây không có con cái, không một người thân thích, nương tựa vào nhau và xem nhau như một gia đình.

Khác với không khí nhộn nhịp dưới nhà ăn, khu dành cho người bại liệt, bại não im phăng phắc. Hàng trăm con người đang nằm co quắp, thấy có người mang cơm vào họ ngước những cặp mắt lờ đờ lên nhìn rồi tiếp tục nhắm lại. Trong khi đó, các nhân viên thì làm liền tay, di chuyển từ giường này đến giường khác. Chị Lê Thị Hồng Gấm bê tô cơm lại bên giường một bà cụ nằm bất động, nhẹ nhàng nâng đầu cụ lên, kê cái gối cao hơn rồi bón từng muỗng cơm. Miệng nhai chậm chạp, mắt cụ vẫn nhắm nghiền. Khi đã nhai xong muỗng cơm thứ ba, cụ lắc đầu né muỗng cơm của chị Gấm. Chị Gấm một tay bê tô cơm, một tay vuốt ngực bà cụ vỗ về: “Cụ giỏi lắm nè, ăn muỗng này nữa thôi”. Thế là cụ lại hé mắt nhìn và ngoan ngoãn há miệng... Cứ thế, bằng lời động viên, vỗ về chị Gấm cũng bón hết tô cơm cho bà cụ. Đặt cái tô không lên bàn, chị lấy ly nước đỡ bà cụ dậy, lại vỗ về cụ uống hết nửa ly nước. Xong, chị đặt bà cụ nằm xuống giường ngay ngắn, tiếp tục lấy tô cơm khác đi tới giường một cụ khác...

 Những người làm công việc thầm lặng - Ảnh: B.T

Những người làm công việc thầm lặng - Ảnh: B.T

Đó là một phần trong công việc hằng ngày của chị Gấm. Mới 21 tuổi nhưng chị đã làm công việc chăm sóc người bệnh 3 năm nay, lương chưa đến 1,5 triệu đồng/tháng. Gấm bảo “nếu vì đồng lương thì đã không làm việc này”. Từ nhỏ, chị sống với ông bà nội. Bây giờ ông bà đã già, nằm một nơi, một tay chị săn sóc từ miếng ăn, giấc ngủ đến tắm rửa, vệ sinh... Khi chị đến Trung tâm Thạnh Lộc chơi, thấy những cụ ông, cụ bà bại liệt, bại não neo đơn, chị cầm lòng không đặng, thế là xin vào làm. Vào mỗi buổi sáng, công việc đầu tiên của chị là tắm rửa, thay quần áo rồi bế các cụ lên xe lăn đẩy đi vài vòng cho khuây khỏa. Trưa đến thì bón cơm cho từng người. Chiều lại làm vệ sinh, bón cơm cho các cụ... Những lúc rảnh rỗi, chị đến từng giường trò chuyện cho các cụ đỡ tủi thân. Nghe thì tưởng công việc rất đơn giản, nhưng có chứng kiến Gấm và các đồng nghiệp của chị chăm sóc những người già bại não, bại liệt mới thấy hết sự hy sinh, san sẻ của họ đối với những người bất hạnh trong cuộc sống.

Trái ngược khu người già, khu dành cho trẻ em bại não, bại liệt lại rất huyên náo. Thấy nhân viên trung tâm đẩy xe cơm vào, các em chồm dậy, tay chỉ chỏ, miệng ú ớ: “Cơm, ăn cơm”. Y sĩ Mai Thị Oanh trong chiếc blouse trắng cầm tô cơm đến bên một em bé mặt buồn rầu, ngồi quay mặt vào tường. Chị Oanh dỗ dành ngon ngọt thế nào em cũng không quay lại, xúc muỗng cơm đưa lên miệng thì em giơ tay hất ra. Lo lắng sờ tay vào trán em thấy vẫn bình thường, chị lại tiếp tục dỗ dành... Trong lúc đó, những em khác chưa có người bón cơm đã đứng cả dậy, gào thét. Chị Oanh đành bê tô cơm tới giường bên cạnh bón cho đứa trẻ khác, thỉnh thoảng vẫn quay lại xoa đầu hỏi thăm em bé kia... Các em ở đây bị bỏ rơi từ khi vừa lọt lòng mẹ, được nuôi dưỡng tại các trường dành cho trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM và sau đó chuyển về Trung tâm Thạnh Lộc.

Chị Oanh năm nay 32 tuổi, quê Thanh Hóa, trước đây học trung cấp y, đã có chồng và một con trai. Làm ở trung tâm, thu nhập của chị là 2,5 triệu đồng/tháng. Chị bảo làm công việc này phải yêu nghề và xem các em như con của mình. Chị Oanh ngậm ngùi bảo rằng, niềm hạnh phúc của người mẹ là thấy con khôn lớn và phát triển từng ngày. Nhưng ở trung tâm này, cứ mỗi năm lại nhìn thấy các em phát triển theo chiều hướng ngược lại, lòng chị đau lắm. Vì thế, chị dồn hết tình thương để chăm sóc các em chu đáo hơn, nhằm an ủi các em phần nào.

Chị Lê Thị Ngọc Hà, 39 tuổi, nhà ở Q.12, là người có thâm niên hơn 10 năm làm công việc chăm sóc người bệnh bại não và bại liệt. Trước đây, chị bán tạp hóa ngoài chợ nhưng rồi một lần vào Trung tâm Thạnh Lộc, chị thấy những người già ở đây quá neo đơn nên làm đơn xin vào. Sau đó chị được phân công chăm sóc các em bại não, bại liệt. Hơn 10 năm gần gũi với các em, chị bảo là đã “quen hơi” nên giờ mà nghỉ làm một bữa hoặc đi đâu xa vài ngày là nhớ và cảm thấy không yên, lo cho các em lắm. Bây giờ con chị đã 18 tuổi, cũng đã bắt đầu đi làm, chị có thể toàn tâm, toàn ý mà chăm sóc cho những đứa trẻ kém may mắn tại trung tâm. Chồng chị chạy xe ôm, ngày cũng được 50 – 60 ngàn đồng, chị thì một tháng lãnh gần 1,5 triệu đồng... “Như thế cũng ổn lắm rồi”, chị Hà nói.

Thường mục đích cuối cùng của mỗi người là làm việc để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng những người như chị Oanh, chị Gấm, chị Hà..., họ đặt sự hy sinh và lòng thương cảm cao hơn đồng tiền, thầm lặng dấn thân vào công việc vất vả cốt để san sẻ bớt nỗi đau với người bệnh...

Biên Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.