Người đàn bà câm 10 năm tìm diệt mai dương

26/06/2010 18:46 GMT+7

Đó là bà Huỳnh Thị Giáo, 57 tuổi, ở thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định.

Đến xã Phước Nghĩa hỏi bà Giáo câm, ai cũng biết. Khi tôi đến nhà, người mẹ già của bà chỉ tay về cánh đồng xa xa: “Con ra ngoài đó, thấy người nào đang chặt mai dương là nó đó”.

Đôi bàn tay biết nói

Giữa trưa, cánh đồng tháng sáu nắng như đổ lửa, một mình bà Giáo thoăn thoắt lưỡi liềm chặt bỏ những cành mai dương đầy gai nhọn. Hơn mười năm nay, ngày nào bà cũng lặn lội khắp làng trên xóm dưới đi chặt bỏ loài cây này. Theo nhà thực vật học, giáo sư Nguyễn Văn Chi, mai dương là loài cây họ đậu, có nguồn gốc từ Trung Mỹ, tên khoa học là Mimosa pigra. Đây là loài sinh trưởng nhanh. Một cây có thể sản sinh đến 9.000 hạt/lần, gặp vùng đất ẩm ướt cây ra hoa bốn mùa. Đặc biệt, hạt mai dương giữ sức nảy mầm đến 23 năm. Thân cây chứa một loại axit amin có thể gây độc đối với nhiều loại động vật.

Hiện tại, cây mai dương (có chỗ gọi là cây mắt mèo, ma vương) đã có mặt hầu hết các nơi. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xếp loại cây này vào danh sách 100 loại thực vật nguy hiểm nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đưa cây mai dương vào danh mục 150 loại thực vật gây hại cần tiêu diệt.

Người đàn bà hơn mười năm chặt cây mai dương này không hề biết những thông tin khoa học trên. Bà chỉ đơn giản làm một việc phải làm, theo suy nghĩ chân chất của một nông dân: chặt bỏ cây này cho cỏ mọc lên, đàn bò nhờ đó có cái mà ăn.


Niềm vui bên 2 đứa cháu nội

Đôi tay bà Giáo đầy những vết chai sạn của một đời lam lũ trong câm lặng. Mười năm “chiến đấu” với loài cây gây hại cũng lưu dấu trên đó. Nói theo cách của nhà văn Nguyễn Tuân, cái vết sần sùi, sẹo ngắn sẹo dài trên tay bà Giáo như một thứ huân, huy chương cao quý. Nó có sức vận động mọi người chung tay bảo vệ đất ruộng, hoa màu.

Nỗ lực hơn mười năm không ngơi nghỉ của bà Giáo đã có tác động tới nhiều người trong vùng. Tiêu diệt cây mai dương đã trở thành phong trào trong bà con nông dân gần xa. Ông Lê Xuân Phúc - hàng xóm nhà bà Giáo - cho biết: “May mà có bà Giáo chứ không thì vùng này đã tràn ngập cây mai dương rồi. Mấy năm nay tụi tui cũng học bà ấy đi nhổ cây con và chặt cây lớn”.

Bà Giáo dẫn tôi đi một vòng cánh đồng. Bằng ngôn ngữ của người câm, bà chỉ về những bụi cây phía xa. Những cây mai dương quanh đây đã bị bà dọn sạch. Đang đi, bà Giáo chợt dừng lại, cúi xuống nhổ lên một cây con bé xíu. Đây là những mầm mống gây hại trong nay mai. Nhìn đôi bàn tay sần sùi của bà vò nát cây mai dương con rồi nhẹ nhàng lấp lại vụn đất mới vung vãi mới thấy hết cái tình của bà với đất. Sau mỗi lần chặt cây, dù có kinh nghiệm thế nào cũng không tránh khỏi bị gai đâm đến trầy xước. Mỗi bận đi về, đôi tay lại nhức buốt, đau nhói. Thế nhưng, ngày hôm sau ra đồng, bà Giáo lại đi tìm diệt mai dương...

Lặng lẽ giúp đời

Ít ai ngờ rằng, “người hùng” của đất ruộng ấy lại phải đi qua quá nhiều trầm luân. Cao chưa đầy 1m50, nặng không quá 39 kg nhưng bà Giáo lại gánh trên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé những đau khổ cùng cực của một kiếp người. Gương mặt nhăn nheo, khắc khổ của bà Huỳnh Thị Giáo như già hơn nhiều so với tuổi 57 của bà. Đôi chân bị chứng đau khớp kinh niên khiến dáng đi của bà khuỳnh ra, xiêu vẹo. Theo lời kể của người mẹ, bà Trần Thị Cúc, bà Giáo sinh ra đã không nói được. Từ nhỏ, cô bé Giáo đã phụ giúp cha mẹ nấu cơm, chăn bò, cắt cỏ. Tuy không được đi học nhưng cô bé câm đã tự mày mò để có thể viết được tên mình.

Quãng thời gian êm đềm đó không kéo dài. Năm 23 tuổi, bà sinh đứa con đầu lòng ngoài ý muốn. Hơn mười năm sau, bà lại sinh thêm người con nữa, cũng trong thua thiệt và câm lặng. Bà chịu mọi cực khổ và điều tiếng để nuôi nấng hai con nên người. Anh con trai đến tuổi trưởng thành lấy vợ, sinh được hai con. Cô con gái út đang là sinh viên trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai). Tưởng như hạnh phúc đã mỉm cười với bà khi tuổi già vừa ngấp nghé nhưng không phải vậy. Cách đây 4 năm, người con trai đột tử khi đang nằm ngủ. Vậy là ngôi nhà giờ chỉ còn lại 3 người đàn bà của ba thế hệ. Họ lặng lẽ sống, lặng lẽ nương tựa vào nhau để tiếp tục chăm lo cho hai đứa bé thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn.

“Sông có khúc, người có lúc”, thế nhưng, người đàn bà câm hơn mười năm tìm diệt mai dương này lại có quá nhiều khúc đời đau khổ. Nó dai dẳng đè nặng lên một kiếp người vốn đã chịu nhiều thua thiệt.

Giờ đây, niềm vui lớn nhất của bà là hai đứa cháu nội xinh xắn, ngoan ngoãn. Mỗi buổi đi làm ngoài đồng về, bà lại chăm chút, nựng nịu chúng. Bà gửi gắm tất cả yêu thương và hy vọng ở hai cháu của mình bằng một niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn…

Lặng lẽ giúp ích cho đời và người đàn bà ấy dường như phải đi cho hết kiếp trầm luân của mình. Đôi chân bà cũng đã ghi dấu trên rất nhiều cánh đồng mọc đầy mai dương.

Minh Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.