Người kể chuyện săn cọp

19/03/2011 17:27 GMT+7

Mùng 7 Tết Tân Mão (9.2.2011), tôi lên Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) tìm người săn cọp lão thành dưới triều Nguyễn còn lại đến ngày nay.

Người săn cọp lão thành

Ông tên là Nguyễn Nãi, sinh ngày 15.1.1928 tại An Sơn, Tiên Cảnh. Căn nhà ông đang ở là một trong những căn nhà cổ tiêu biểu của huyện Tiên Phước, nằm trên một đồi cao. Mái nhà lợp ngói âm dương; toàn bộ cột, kèo, đòn tay, rui, mè đều là gỗ mít đốn trong vườn. Căn nhà ấy đã có trên 200 năm tuổi. Đã có năm thế hệ sinh ra và lớn lên trong căn nhà đó mà ông Nãi là thế hệ thứ ba.

Thời thiếu niên, ông Nãi rất phục ông nội và cha của mình. Các vị ấy là phường săn chuyên nghiệp, luôn đi đầu trong việc săn cọp. Họ làm được tất cả các thứ, từ chiếc sừng trâu thổi để tụ họp bà con đến cái mõ, cây giáo và bộ lưới vây cọp.


 Ông Nguyễn Nãi - Ảnh: Phùng Văn Huy

Ông Nãi nhớ lại: khoảng năm 1940, làng Tiên Cảnh còn rất hoang vu. Cọp cái đến ngày đẻ thường xuống làng tìm những nương rẫy, vườn tược bằng phẳng vắng người để sinh con. Sở dĩ chúng xuống làng là để dễ kiếm cái ăn hơn là cứ lẩn khuất trên núi cao, rừng sâu. Đất Tiên Cảnh còn có suối Lò Thung - một nơi thật lý tưởng cho cọp về uống nước. Chuyện người đi thăm rẫy gặp… cọp con chờ mẹ về, kêu léo nhéo đòi ăn là chuyện bình thường.

Cọp (hổ) ở Việt Nam là cọp Đông Dương, tên khoa học là Panthera tigris corbetti, thường được gọi là cọp Corbet, thuộc họ mèo, hiện là loài thú quý hiếm, cấm săn bắt và giết hại. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ còn khoảng 200 cá thể cọp. Tuy nhiên, theo ông Phùng Văn Huy - Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Phước: “Việc mở hội săn hằng năm vào mùng 4 tết là một sinh hoạt văn hóa phi vật thể của nhân dân Tiên Phước ngày xưa. Chúng tôi đang cho sưu tầm, bảo quản các dụng cụ của phường săn cũ để làm tư liệu nhằm giới thiệu với du khách về loại hình văn hóa này”.

Năm 15 tuổi, ông chứng kiến một chuyện rất đáng kinh ngạc. Nhà ông có một bầy chó săn rất khôn - được gọi là mun, chiều mùa đông rét mướt thường luẩn quẩn trong nhà. Khoảng 5 giờ chiều, ông nghe tiếng một con mun rú lên sợ hãi ngay trong sân. Hóa ra, một con cọp lớn đã đột nhập sân nhà, đứng cách cửa lớn vài thước, muốn táp con mun. Cha ông nhanh tay chụp lấy cây giáo đâm ngay vào ức cọp. Con mun nhanh trí, nấp vào chỗ tảng đá lớn (nay vẫn còn). Bị tấn công đột ngột, con cọp vẫn không từ bỏ ý định táp bắt con mun. Do thế giáo đâm của cha ông, con cọp bị đổi hướng, táp trúng vào… cục đá. Cạch một cái, một chiếc răng nanh của cọp bể ra. Cọp bị đau, đành bỏ chạy. Cha ông vừa cứu được con mun, vừa thu được “chiến lợi phẩm” là một phần răng nanh của cọp. Ông Nãi còn giữ phần răng nanh ấy như một kỷ vật đáng nhớ trong đời.

Vì sao phải săn cọp?

Người miền núi thường có khuynh hướng tôn trọng các loại thú lớn. Từ nhiều đời, người dân Tiên Phước vẫn gọi cọp là “ông”: ông hùm, ông hổ, ông cọp, ông ba mươi, ông vằn, ông thầy… Thế nhưng, dù có tôn trọng đến mấy, người Tiên Phước vẫn phải chống lại cọp. Ông Nãi nói: “Các ổng làm những chuyện quá đáng lắm, không chống lại thì có ngày mình chết”.

Một đêm, cọp về An Sơn đột nhập nhà ông Hảnh, ngoạm ông Hảnh tha ra ngoài. Nghe tiếng ông Hảnh la, cả thôn An Sơn thức giấc, đốt đuốc gióng mõ khua chiêng rượt đuổi. Cọp đành phải nhả ông Hảnh ra, bỏ chạy. Dân làng tìm được xác ông Hảnh, chỉ cách nhà khoảng vài trăm mét.

Thông thường thì cọp đợi chiều xuống mới tấn công vào nhà dân tha nghé, bò, heo đang nuôi trong chuồng vào rừng ăn thịt. Căn bản, nhà nào ở Tiên Cảnh cũng bị mất gia súc vào miệng cọp. Đến khi thiếu thức ăn, cọp cũng không từ các đàn mun - chó săn, vốn là động vật yêu quý của con người. Trẻ con các nhà cứ khoảng 5 giờ chiều ăn cơm xong là tập trung chơi… trên phản, không dám ra ngoài sân. “Chính vì như rứa nên người làng tui phải săn cọp để giữ tánh mạng và tài sản của mình chớ không phải vì thù ghét chi các ổng hết” - ông Nãi nói.

 
Giáo dùng trong hội săn - Ảnh: Mỹ Lệ

Cách bắt cọp của người Tiên Cảnh

Mười lăm tuổi, ông Nguyễn Nãi đã chính thức gia nhập phường săn cọp của làng. Chuyện đầu tiên là làng cử khoảng mươi thanh niên trai tráng cầm giáo mác, đi tìm hiểu trước xem cọp ở đồi nào, khu vực nào. Nếu phát hiện thấy nơi nào có phân cọp, có dấu chân cọp ra suối uống nước, có xương động vật bị ăn thịt còn vương vãi, có mùi thịt thú hôi thối… là những người đi tìm hiểu khẳng định cọp còn ẩn trú quanh nơi đó.

Lý trưởng làng đánh mõ tập trung dân lại. Người đứng đầu phường săn - thường là một thợ săn già có uy tín, ra lệnh cho cả trăm thanh niên phát lá, un khói quanh khu vực. Những dân đinh còn lại chặt tre, cưa ra khoảng 5 mét, chẻ ra làm bốn miếng. Những người lão thành và người chưa thành niên phải mang hết lưới săn ra.

Bắt đầu cuộc săn, mọi người kết tất cả các tấm lưới săn lại, bao quanh ngọn đồi. Tre bao phía vòng ngoài lưới, đóng xiên theo hình mắt cáo nâng lưới đứng lên. Vài trăm thanh niên khỏe mạnh mang giáo mác theo lệnh trùm săn lùng sục một nửa ngọn đồi. Đoàn người đi đến đâu thì phía dưới chân đồi, tiếng mõ, tiếng chiêng của phụ nữ, người già đồng loạt đánh lên giòn giã.

Lưới săn cọp được làm từ sợi cây gai dầu. Đốn cây gai, người ta lột vỏ đem ngâm nước. Lâu ngày, vỏ cây phân hủy; người ta thu được những sợi dây gai chắc, bền. Đánh dây gai lại thành những sợi bằng cỡ ngón tay, người ta dệt thành lưới. Mắt lưới săn cọp hình vuông, mỗi cạnh trên 30 phân. Mỗi tấm lưới dài khoảng 15 sải tay, cao trên 2,5 mét, nặng khoảng 40 kg. Kết các tấm lưới lại với nhau, người ta có một hàng rào “mềm” rất lợi hại.

Nghe động rừng, cọp sẽ lánh qua nửa ngọn đồi bên kia. Người ta nhổ hết tre, tháo hết lưới nửa ngọn đồi vừa lùng sục, đưa qua siết vòng vây lại. Vài trăm thanh niên mang giáo mác sẽ lùng sục thêm một phần tư ngọn đồi. Nếu chưa thấy cọp, vòng vây sẽ tập trung vây một phần tư ngọn đồi còn lại. Cứ thế, vòng vây trong lưới ngoài tre càng lúc càng siết lại, càng lúc càng dày cho đến khi… thấy dáng cọp.

Lúc đó, mọi người không đánh chiêng gõ mõ nữa. Những người bên trong ra hết khỏi vòng vây. Dây lạt tre đánh thành nút thòng lọng đưa vào bên trong vòng vây, bên ngoài dây thòng lọng được cột vào một đòn tre ngắn. Bốn thanh niên sẵn sàng cầm đòn tre để rút thòng lọng. Thế rồi theo lệnh ông trưởng phường săn, mọi người vừa hò la, vừa khua chiêng gõ mõ gấp gáp. Cọp hoảng sợ, bắt đầu chạy nhảy, tìm cách thoát thân. Hễ cọp chạy tới đâu vướng lưới gai, vướng thòng lọng thì người đứng ngoài rút thòng lọng tới đó. Cọp hoảng hốt, càng nhảy cao hơn, cứ chạy vòng vòng trong trùng vây. Cho đến khi cọp mệt, vướng phải một thòng lọng thì người bên ngoài rút nhanh thòng lọng, ghì sát thân cọp vào lưới và hàng rào tre mắt cáo. Những người còn lại dùng giáo mác hạ cọp cho đến khi cọp chết hẳn.

Hạ cọp xong, ông trưởng phường săn ra lệnh trói hai chân cọp lại. Việc đầu tiên phải làm là lấy lửa đốt trụi bộ râu cọp. Theo ông Nãi, râu cọp cứng, rất độc. Nếu không đốt bộ râu, ai vô ý để nó đâm trúng vào da thịt thì chỗ đó sẽ làm độc và có nguy cơ hoại tử. Mọi người coi cọp xong, tự động giải tán. Lý trưởng của làng, trưởng phường săn hướng dẫn cỡ mươi thanh niên trai tráng dùng đòn tre, khiêng cọp về huyện đường Tiên Phước để phục mệnh.

Thịt cọp… khó ăn

Liên tiếp từ đời vua Duy Tân đến Bảo Đại, các vị tri huyện Tiên Phước không lấy xác cọp, cũng không lấy bộ da cọp vì bộ da không còn lành lặn. Họ chỉ cho lính lấy bộ móng từ bốn chi của cọp để báo lên quan trên, xác và da cọp giao cho lý trưởng đem về làng. Người ta xẻ thịt cọp chia nhau, ai muốn ăn thử cứ việc đến lấy phần về dùng. Ông Nãi nhớ lại thời ấy ở làng Tiên Châu có ông Thủ Viện chuyên mua bộ xương cọp về nấu cao hổ cốt.

Trong ba năm tham gia hội săn cọp, ông Nãi đã cùng với người làng săn được ba con, hai con ở làng Tiên Cảnh và một con ở làng Tiên Châu. Ông cũng nhớ làng Tiên Cảnh từng để sẩy một con cọp lớn. Ông nói: “Ổng mạnh quá, nhảy một cái thiệt cao qua khỏi hàng rào tre, chạy mất”.

Dù là phường săn, lớn lên trong một gia đình có truyền thống săn cọp nhưng ông Nãi… không ăn thịt cọp. Ông nhận xét mùi thịt cọp hơi tanh, với lại nghe người ta nói ăn vào nó nở ra nên không muốn ăn. Ông Nãi cho biết thời đó ở Tiên Phước có hai loài cọp. Cọp hoa váy nhỏ, mình luốc (bộ lông ngả qua màu đen) nặng khoảng dưới 2 tạ. Cọp tàu cau lông màu vàng, vằn đen nổi bật, nặng trên 2 tạ tới 3 tạ. Làng Tiên Cảnh triệt được hai con cọp tàu cau, trong đó có một con mình dài gần 3 mét.

Hội săn cọp mở ra ngày mùng 4 tết hằng năm trở thành ngày hội làng của Tiên Cảnh. Người Tiên Phước xem hội này là nét văn hóa truyền thống. Lệ săn cọp ở Tiên Phước thật sự chấm dứt vào năm 1945 khi Tiên Phước trở thành cứ điểm cách mạng. Thế nhưng, tên tuổi của những chỉ huy phường săn giỏi thì vẫn được nhiều người ở Tiên Cảnh nhắc tới. Đó là các ông Trùm Hội, Trùm Cầm, Thầy Hai…

Ngày nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Phước đã cho sưu tầm tất cả vật dụng săn cọp của người xưa để bảo tồn và nhớ về một thời cha ông vất vả săn cọp. Tuy cọp đã vắng bóng ở Tiên Phước nhưng những địa danh dốc Ông Cọp, truông Cọp Rình, miếu Ông Cọp vẫn còn đó. Nhiều nhà ở Tiên Phước còn giữ lại con roi dạy chó săn, trong đó một đầu roi có bịt miếng da cọp “chiến lợi phẩm”. Họ tin chó nghe mùi da cọp là sợ, trở nên ngoan ngoãn như…. mèo. Đúng là hùm chết để da…

Dụ cho săn cọp của triều đình

Năm Tân Hợi 1911, triều đình Huế có dụ gửi về cho các địa phương. Dụ nói loài cọp dữ thường về gây tai họa cho người và súc vật các huyện miền núi. Cho phép các huyện tổ chức các phường săn bắt cọp. Nơi nào săn được cọp, phải đưa cọp về huyện đường phục mệnh và nghe theo huấn thị của quan tri huyện mà xử lý.

Dinh Quảng Nam có từ thời vua Lê Thánh Tôn sau cuộc tuần du của nhà vua vào phương Nam năm 1471. Đất Tiên Phước cũng có từ thời đó, nghĩa là đến đầu thế kỷ 20 đã là trên 500 năm. Từ khi dân đến khẩn hoang lập làng, núi rừng Tiên Phước còn rất hoang vu. Các loài thú dữ như cọp, heo rừng phá hoại nương rẫy có rất nhiều trên xứ Tiên Phước. Các làng Tiên Cảnh, Tiên Hà, Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Lộc… đã thành lập các phường săn chuyên nghiệp để tự bảo vệ tính mạng và tài sản của mình chứ không phải đợi đến dụ của triều đình Huế ban ra mới tổ chức các phường săn. Kịp đến khi dụ ban ra, nhân dân làng Tiên Cảnh  mới chọn ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch làm ngày chính thức mở hội săn.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.