Nhức nhối nạn tảo hôn

15/01/2010 15:02 GMT+7

Đang học lớp 5, lớp 6, những đứa trẻ ở xã Đk Som, huyện Đắk Glong - Đắk Lắk đã cưới vợ, lấy chồng rồi sinh con khi mới 15-16 tuổi. Với nhận thức không thể bỏ được phong tục đã có từ lâu đời, nạn tảo hôn được xem là chuyện rất bình thường của người dân và cả cơ quan chức năng ở đây

Năm 15 tuổi, đang học lớp 5 Trường Cấp I - II Vừ A Dính, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong - Đắk Nông, hai cô bé Vàng A Sáu và Vàng A Khuyên đã được nhiều người đến nhà xin hỏi cưới cho con trai họ. Vậy là A Sáu và A Khuyên nghỉ học đi lấy chồng. Đến nay, sau hơn 2 năm nghỉ học, mỗi cô đều đã sinh được hai con.

“Cưới vợ thích hơn đi học”!

Theo thống kê của Trường Cấp I - II Vừ A Dính, chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, trường đã có hơn 10 học sinh lớp 6-7 bỏ học để lấy chồng, cưới vợ. Trong đó, 4 cô bé đã mang thai và chuẩn bị sinh con. Ở vùng này, người dân cho con đi học muộn nên tới lớp 6-7, học sinh đã 15-16 tuổi.

Mới bước qua tuổi 16 chỉ vài ngày nhưng Giàng A Nhà và Giàng A Them đã mang dáng vẻ khắc khổ, già dặn như người gần 30 tuổi.

Thế nhưng, trò chuyện với chúng tôi, họ vẫn ngây ngô như những đứa trẻ mới lớn. “Mới học đến lớp 6, bố mẹ bắt tụi mình nghỉ học để cưới vợ. Bố mẹ nói cưới vợ thích hơn đi học. Vậy là tụi mình lấy vợ. Vợ mình, vợ A Them đều nhỏ hơn tụi mình một tuổi” - A Nhà hồn nhiên kể.

Dễ dàng bỏ nhau

Ở Đắk Som, trai gái cưới nhau hầu như không bao giờ đăng ký kết hôn theo quy định. Quan niệm dựng vợ, gả chồng cho con ở tuổi vị thành niên đã để lại nhiều hệ lụy cho cuộc sống lứa đôi, tạo gánh nặng cho xã hội.

Theo phong tục người Mông, người chồng có thể bỏ vợ và lấy vợ khác bất cứ lúc nào. Do đó, nhiều người đã bỏ 2-3 vợ rồi mà vẫn tiếp tục cưới một cô gái vị thành niên khác.

Cũng theo phong tục người Mông, khi vợ muốn bỏ chồng thì bên nhà gái phải đền hơn 100 kg thịt heo và 2 triệu đồng cho nhà chồng.

Do lấy nhau quá dễ dãi lúc mới 15-16 tuổi, chung sống khó hòa thuận, hạnh phúc nên nhiều cô gái đã chấp nhận bị đền, bị phạt để bỏ chồng. A Lơng, 19 tuổi, ngụ tại thôn 3, xã Đắk Som, kể: “Cách đây 4 năm, mình 15 tuổi, đang học lớp 5 thì bố mẹ bắt đi lấy chồng. Khi mình sinh được một đứa con thì chồng không còn thích mình nữa nên mình bỏ nó”.

Cả Giàng A Nhà và Giàng A Them đều đang chuẩn bị làm cha. A Them khoe: “Cưới vợ được 5 tháng thì bố mẹ kêu mình đến bên vợ, bảo mình đặt tay lên bụng nó, rồi nói với mình: “Vợ mày có bầu rồi”.

Thấy cuốn sách tiếng Việt lớp 6 vứt lăn lóc ở góc nhà, chúng tôi nhặt lên xem. Giọng A Them đượm buồn: “Đang vui chơi ở trường với thầy cô, với bạn bè, giờ phải ở nhà lấy vợ rồi làm rẫy, trồng sắn... Có lúc mình cũng buồn lắm, muốn chạy ngay đến trường gặp thầy cô. Nhưng mà không lấy vợ sớm cũng không được. Ở Đắk Som này, bạn bè tụi mình khi 15-16 tuổi đều đã lấy vợ, sinh con rồi”.

Giàng A Nhà và Giàng A Them chỉ là hai trong số rất đông chú rể vị thành niên ở Đắk Som. Đắk Som có 400 hộ dân - gần 3.000 người với 80% người dân tộc Mông, còn lại là người Mường và K’Ho. Nạn tảo hôn là một hủ tục truyền đời hiện vẫn còn tồn tại ở đây.

Cô giáo Hà Thu Sen, một giáo viên lâu năm của Trường Cấp I - II Vừ A Dính, ưu tư: “Nếp nghĩ lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 15-16 đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên chúng tôi rất khó vận động họ từ bỏ. Bởi vậy, ở trường này, chỉ có 1% nữ sinh học đến lớp 7, còn 99% học tới lớp 6 đã lấy chồng”.

... Thua lệ làng

Mang những băn khoăn về hủ tục tảo hôn trao đổi với nhiều cán bộ chức năng ở Đắk Som, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu vô tư.

Anh Trạng A Sử, Phó Bí thư Xã đoàn Đắk Som, thản nhiên: “Chúng tôi cũng biết Luật Hôn nhân - Gia đình nhưng phong tục của người Mông, người Mường đã có từ lâu đời rồi nên không thể bỏ được. Luật là một chuyện nhưng phong tục lại là một chuyện khác”!

 
Những cô gái người Mông, người Mường ở Đắk Som lấy chồng và sinh con từ khi mới 15-16 tuổi
 

Ông A Nhè, Trưởng thôn 2, xã Đắk Som, cho biết: “Dân vùng này vẫn quan niệm nếu con trai quá 16 tuổi chưa lấy vợ là loại người chơi bời, lêu lổng, không lo lập gia đình để tu chí làm ăn. Con gái 14-15 tuổi chưa lấy chồng thì bị chê là đã quá lứa mà không biết học cách sinh con”.

Chính vì nhận thức như vậy nên việc tuyên truyền Luật Hôn nhân – Gia đình ở Đắk Som đã bị xem nhẹ. Do đó, đa số người dân đều có nhận thức kém và xem tảo hôn là chuyện rất bình thường.

Theo anh Trạng A Sử, nhiều gia đình ở Đắk Som đều muốn con trai lấy vợ sớm để vừa được tiếng là có “con ngoan” vừa có thêm người làm lại sinh được con đàn, cháu đống.

Chính vì hủ tục đã ăn sâu vào quan niệm sống của nhiều người nên bao đời nay Đắk Som vẫn chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Thống kê của cơ quan chức năng mới đây cho thấy có đến 95% hộ dân ở Đắk Som thuộc diện nghèo.

Bài và ảnh: Văn Đạo/ NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.