Tiếng lành đồn xa, Sê San mỗi ngày có thêm những người từ mọi miền đất nước về định cư tại đây. Cứ thế, theo con nước đầy vơi bập bềnh của sóng Sê San, những phận người nổi trôi ấy tìm miếng cơm mỗi ngày.
Đảo Điếu Ngư
Từ Trạm kiểm soát liên ngành đường sông Sê San 4, ngồi ca nô chừng 15 phút là đến làng Điếu Ngư. Thoáng trong rừng cây lởm chởm giữa lòng hồ, làng hiện ra với mươi mái lều, lán làm bằng tôn, lá và bạt nhựa. Trước làng có chừng chục chiếc thuyền. Trên bờ, nhà làm chênh vênh nơi sườn đồi, khung cảnh như bức tranh thủy mặc.
|
Bước vào Điếu Ngư, thấy khoảng vài chục người gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Tiếp khách ở “Điếu Ngư điếm” (chốt canh của Trạm kiểm soát liên ngành đường sông), ông Bính, cán bộ tại chốt này, cho hay cách đây ba năm, thấy Sê San cá nhiều nên gọi bà con ở quê Thừa Thiên-Huế và Quảng Bình, Quảng Trị vào đánh bắt. Ban đầu vài ba người, sau càng ngày càng đông. “Do đảo nổi giữa hồ nên cư dân trong vùng đặt cho tên là Điếu Ngư”, ông Bính nói.
Ông Trần Tằm (52 tuổi, quê xã Vĩnh Hưng, H.Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) bảo cứ mỗi gia đình là một thuyền. Ban ngày, sau giờ thả lưới và thu cá, ai cũng về “đảo” để nấu ăn. Đêm về, khi dòng Sê San vắng ngắt, nhìn xa xa chỉ thấy trời nước bạc một màu, những ai có trẻ con thì lên lều ở, còn lại ngủ dưới thuyền. Người ở Điếu Ngư mỗi nhà mỗi cảnh, người thì vỡ nợ, người khó kiếm sống ở quê…, nghe Sê San nhiều cá rủ nhau tìm đến. Ông Tằm có đến bốn đứa con nhưng ở quê không làm ra tiền, đành để con ở lại quê mà đưa vợ về Sê San. “Mỗi năm, vợ chồng tui mới về thăm con dịp tết”, ông Tằm nói, rồi bất giác thở dài, mắt nhìn những con sóng gợn nhè nhẹ theo gió chiều man mác trên sông.
|
Ở Sê San còn có xóm nổi “Miền Tây”. Xóm cách bờ sông khoảng 100 m, gồm hơn chục cái bè kết lại nhau bằng tấm gỗ lớn. Cách đây chừng 3 - 4 năm, ông Đặng Văn Thân đặt chân lên đây làm ăn, rồi gọi bà con ở xã Vĩnh Phước, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang lên. Từ đó, tên xóm Miền Tây xuất hiện, nhưng chính quyền không cho tạm trú vì “ở trên bè ai quản lý cho được”. Vì thế, có lần bị kiểm tra, cả xóm vội vàng vào trốn ở một gò nổi um tùm cỏ dại trên hồ Sê San mất mấy ngày.
|
Hôm ấy, xóm miền Tây đãi khách bằng rượu Bàu Đá của bạn Bình Định cho, một tô ba khía từ An Giang mang lên và cá tại dòng Sê San này. Rượu vào, tâm sự cứ thế chảy ra. Một nhà chài tên Tư Sơn bảo tuy mới 28 tuổi nhưng có đến 5 đứa con. Bây giờ 4 con gửi ông bà nội ở quê, một đứa mới 2 tuổi theo ba mẹ lên Sê San cho quen sông nước. Uống sạch ly rượu tự rót, Tư Sơn trầm ngâm: “Hổng ai muốn đi xa hết. Tại ở quê, em không có đất guộng (ruộng). Mùa nước nổi còn kiếm ăn được, chứ mùa khô chẳng biết làm ga (ra) đồng tiền nào. Sau khi cậu Hai Thân gọi, Em dắt vợ lên Sê San. Ngày làm nhiều kiếm 400.000 đồng, ít thì 200.000 - 300.000 đồng, không dư giả gì nhưng vẫn hơn ở quê”.
“Sê San trời nước một màu, nhớ quê nước nổi ớ ơ ơ nỗi sầu ai hay, Sê San nước đục trời mây, ai cho ta gửi đôi lời ớ ơ đôi lời cố hương...”. Hứng lên, bỗng nhiên Tư Sơn mần luôn một câu hò não lòng, khiến lòng dạ khách cứ rung rinh. Đêm ấy, ngủ trên bè nổi chập chờn, không biết vì rượu, vì không quen hay vì những thân phận nổi trôi trên dòng sông này khiến suy nghĩ của tôi cứ bập bềnh, khắc khoải, mông lung theo tiếng bìm bịp kêu giữa dòng Sê San vắng...
Mưu sinh theo con nước
Mùa này, nước lũ chuẩn bị đổ về Sê San. Cá theo nước lũ cũng bơi về cho dòng sông thêm nặng, dân chài tứ xứ lại tha hồ đánh bắt. Khoảng 16 - 17 giờ là dân chài ở đây nổ máy ghe đi thả chục tay lưới, sau đó tà tà về. Đến độ 3 giờ sáng lại nổ máy ghe đi thăm lưới và gỡ cá, khoảng 7 giờ sáng mang cá về và bán cho các “đầu nậu”.
|
Ở Sê San này, dân miền Tây chuyên đánh lưới cá mè dinh, cá lăng đuôi đỏ, cá rô phi. Còn dân Huế, Quảng Bình là “chuyên gia” cá bống tượng, cá chạch. Dân ở làng Tứ Hải thì… đúng như tứ hải: thấy cá nào xào cá đó.
Hai Thuột, quê ở An Giang bảo: “Mỗi sáng, đi thăm mà thấy lưới chìm thì nửa vui nửa buồn: một là lưới đầy ốc, bán hổng được nhiều tiền, hai là trúng mánh cá to mắc lưới. Mỗi ngày, làng chài ở đây kiếm được mười mấy đến 30 kg cá là quá đạt”. Giá cá lăng 160.000 đồng/kg, cá rô phi, cá mè dinh 30.000 đồng/kg, còn cá bống nhỏ 50.000 đồng/kg, bống lớn 100.000 đồng/kg…
Dân chài ở đây có thói quen mua bán cá ngay trên sông, giống cảnh thương hồ miền Tây. Hôm đến bè anh Nguyễn Duy Khánh buổi sáng sớm, mới 7 giờ có hai ghe tấp vào bán cá. Người bán cứ việc ngồi trên ghe mình rồi bốc cá từ hộc ghe ném lên cái vợt to của anh Khánh đưa ra. Anh Khánh miệng vừa cười giả lả với nhà chài, vừa cân cá. Còn vợ anh, chị Nguyên một tay ghi số cân cá, một tay tính tiền “nóng” cho dân chài. Khoảng một giờ sau, có hàng chục ghe bán cá đến, quây ghe mua cá vào giữa. Chợ này diễn ra đến 9 giờ là dừng. Dân chài về nhà bè nghỉ ngơi, còn vợ chồng anh Khánh đưa thuyền ra chợ Sê San để bán; sau đó mua lương thực, thực phẩm và các loại vật dụng về bán lại cho làng chài.
Thân phận trẻ thơ
Ngược dòng Sê San, còn gặp vô số trẻ em theo chân cha mẹ mưu sinh, đành bỏ ngang sách đèn lội sông kiếm sống. Một buổi sớm, đứng trên bè nổi của anh Phan Thao, tôi thấy có hàng chục chiếc ghe vào bán cá, trong đó một ghe nhà chài có một em bé ngủ mê mệt giữa thuyền, mặc ánh nắng ban mai rọi trên gương mặt ngăm đen. “Cháu nội tui đó. Tên Phạm Thị Tiên, 2 tuổi. Nó theo ông bà nội đi gỡ cá từ giữa đêm, gần sáng chịu không nổi, ngủ gồi”, bà Dương Tấn Thọ Nguyệt (50 tuổi, quê H.Tri Tôn) cho biết.
“Cháu còn nhỏ đưa lên đây làm chi?”. “Ở nhà hổng có ai. Ba mẹ nó cũng ở đây mà”, bà Nguyệt giải thích rồi chép miệng: “Khi sinh được khoảng 10 tháng là con bé theo cha mẹ lên Sê San sống. Từ ngày ấy, hầu như nó chưa hề chích mũi thuốc nào của ngành y tế”. Tôi hỏi sao không về quê lấy thẻ bảo hiểm y tế cho cháu, bà Nguyệt ngớ người hỏi lại: “Ủa, thẻ bảo hiểm y tế là cái gì?”.
Trên một ghe khác, Lê Thị Kim Vi (12 tuổi, quê Cà Mau) ngồi buồn rười rượi. “Tháng 9 năm ngoái, học hết lớp 5 là con nghỉ học theo anh chị lên sông này. Nhớ nhà lắm chú ơi!”, bé Vi ngồi xuống mép ghe, mắt buồn buồn nhìn sóng nước và kể: “Ba mẹ mất hết, chỉ còn anh chị thôi. Anh chị đi, hổng ai lo cho, phải đi theo”. Bây giờ chiều chiều Vi theo anh chị đi thả lưới, sáng sớm đi gỡ cá. Hỏi có muốn học không, ánh mắt cô bé vụt sáng: “Muốn lắm, nhưng học ở đâu hả chú?”. Nhìn ánh mắt và những ngón tay của em nhăn nheo vì ngâm nhiều trong nước, tôi thấy lòng mình nhói lên. Cũng không biết trả lời em ra sao, vì các trường đã vào năm học mới được vài tuần.
Ghé gia đình Sáu Do (Lê Văn Do) một buổi chiều, nghe tâm sự mà lòng tôi não nuột. “Đây là năm thứ ba tôi có mặt ở Sê San. Hồi mới lên là hai vợ chồng và hai đứa con trai. Được hơn một năm, cô ấy cực khổ quá bỏ đi, để ba cha con tui ở lại...”, Sáu Do kể. Một mình quần quật trên sông, trường lại ở xa, đi đến nơi phải mất một lít xăng chạy ghe máy, rồi đi bộ 300 m nữa, Sáu Do đành để cho hai đứa con (12 và 14 tuổi) hằng ngày theo cha thả lưới kiếm ăn. Mái trường kia, hai đứa con Sáu Do chỉ nghe bạn bè kể lại mà thôi...
Phạm Anh
>> Mưu sinh mùa lũ
>> Cơ cực mưu sinh với nghề "đổ máu
>> Mưu sinh nhờ hổ hèo
>> Chèo đò mưu sinh dưới cái rét căm căm
>> Mưu sinh dưới cái rét cắt da cắt thịt
>> Mưu sinh bằng hến sông Bùi
Bình luận (0)