Phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự - Bài 1: Chữ viết cũng biết nói

24/10/2008 10:37 GMT+7

Người ta nghe nói nhiều đến kỹ thuật giám định chữ viết và chữ ký, nó khó hay dễ xác định? Theo Trưởng phòng Cảnh sát Kỹ thuật hình sự, CA TPHCM (PC21), trong các loại giám định, khó khăn nhất có lẽ là giám định chữ viết và chữ ký bởi chẳng có máy móc nào để ta có thể đưa chữ viết tay ấy vào máy rồi ngồi chờ tự nó đưa ra kết luận như các loại giám định khác. Trung tá Lê Trung Thành là Đội trưởng Đội Giám định Truyền thống và Hóa hình sự (GĐTT&HHS) và anh là người có thể buộc chữ viết “ nói”.

Vốn là người Hà Nội, đang công tác tại Công an Hà Nội, anh Thành được cử vào TPHCM để học chuyên ngành khoa ô tô, máy kéo và vũ khí ở Học viện Quân sự Vinhempich. Tốt nghiệp loại xuất sắc, anh được Công an thành phố mời về công tác tại phòng Khoa học Kỹ thuật Hình sự. Trước khi trở thành cán bộ giám định chữ ký và chữ viết, Đội trưởng Thành là chuyên gia vũ khí. Rất nhiều vụ án, chỉ với một vỏ đạn bỏ lại hiện trường hoặc vết bắn trên cơ thể nạn nhân anh Thành và các cộng sự đã chỉ ra loại vũ khí mà đối tượng sử dụng. Họ còn nói được đạn bắn từ hướng nào và đối tượng đứng cách nạn nhân bao nhiêu mét. Từ những kết luận của Đội GĐTT&HHS, cán bộ điều tra đã có thể tìm ra hung thủ nhanh hơn và chính xác hơn.

Ai quịt ai?

Có một vụ án liên quan đến mẩu giấy nợ viết tay bằng nửa trang vở học trò trị giá 2 tỷ đồng mà TAND quận 1 xử ba năm vẫn chưa xong. Tờ giấy học trò nhỏ bằng bàn tay viết nguệch ngoạc là tranh chấp công nợ giữa hai người làm ăn vay mượn nhau. Người cho vay là một Việt kiều Mỹ và người đứng vay là bạn bà Việt kiều kia từng là một kế toán sừng sỏ của doanh nghiệp nhà nước vừa mới nghỉ làm. 
 
Trung tá Thành nhận định ngay đây là vụ án khó khăn bởi chữ viết và ký tên trên vật chứng quá ít mà trong thực tế, càng ít chữ viết trên giấy càng khó giám định. Cầm trong tay tờ giấy vẻn vẹn vài dòng chữ viết kiểu chữ in và chữ ký quá đơn giản, chỉ có vài nét xổ thẳng và hất ngang Trung tá Thành thở dài liên tục. “Trong chuyên môn gọi chữ viết in là chữ trá hình, bởi người viết cố tình che đậy các nét chữ hất lên, nối ngang, xổ thẳng…quen thuộc khi viết chữ bình thường”, Trung tá Thành giải thích. Sau khi nghiên cứu hồ sơ lời khai và xem mẩu giấy tranh chấp công nợ kiểu mới kia, anh Thành biết mình gặp phải “thứ thiệt”.

Trung tá Thành liên hệ với cơ quan tố tụng có liên quan để tiếp xúc với cả hai, nhất là người bị cho là đã viết mẩu giấy nợ kia. Bị đơn có mặt tại tòa để Trung tá Thành tiến hành giám định chữ viết sau khi anh đã cẩn thận giám định từng phần nhiều lần chữ ký và chữ viết trên bản sao chụp. Anh yêu cầu bị đơn viết chữ thường theo nội dung anh đọc như kiểu viết chính tả của học trò. Lúc đầu, chị ta không chịu: “Tui không liên can gì đến chuyện nợ nần của ông bà Việt kiều kia, mắc mới gì phải viết theo yêu cầu của công an chớ”, bị đơn ngúng nguẩy từ chối.

Thiếu tá Thành phải nói rất nghiêm: “Đây có thể là cơ hội chứng minh chị vô can. Chị cứ viết ra, chúng tôi giám định và nếu kết luận không phải chữ của chị thì mọi việc sẽ ổn thôi, đúng chưa?”, lúc ấy chị ta mới chịu viết. Trung tá Thành đọc nội dung cho chị ta viết, thỉnh thoảng anh nói nhanh “viết chữ in”. Bị đơn lúc đầu cảnh giác, viết rất chậm nội dung anh Thành vừa đọc để nắn nót chữ viết khác chữ thật của mình. Tốc độ đọc cho bị đơn viết tăng nhanh và số lần đề nghị viết chữ in cũng tăng lên, sau 6 lần viết theo yêu cầu, anh Thành đã đọc đúng nội dung tờ giấy nợ đang tranh chấp.

Chữ viết của bị đơn đã lộ ra những nét trùng khớp với chữ trên giấy nợ đang tranh chấp. Và cuối cùng, bị đơn đành nhận rằng chính chị ta đã viết tờ giấy nợ ấy.

“Theo anh, giám định loại chữ ký rối nùi một cục gồm hàng chục nét cuộn lộn vào nhau với chữ ký một nét, loại nào khó làm hơn?”, Thiếu tá Thành trả lời: “Thật ra chữ ký loại “rối nùi” khó bắt chước nhưng giám định dễ hơn bởi nó có rất nhiều nét lằng nhằng, thể nào trong đám nét ấy cũng có vài nét không giống thật”. Trung tá Thành và Thượng tá Quang cho tôi xem những chữ ký mẫu chỉ là một cái quẹt bút của Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy, thuộc Bộ Công an Lê Thanh Liêm và chữ ký Thượng tá Việt Dũng, Phó VP PC16. Còn chữ ký đại tá Ngọc Hiền, Viện phó Viện Khoa học Hình sự phía Nam lại giống một “bó kẽm gai”, cả hai loại chữ ký ấy đều khiến các giám định đau đầu.

 

Giám định chữ viết 

Giám định giấy tờ giả cũng là một trong những nhiệm vụ, song nó còn dễ hơn giám định loại giấy nợ viết tay như vụ tranh chấp ở trên. Bởi thường giấy tờ giả họ phải ký nhái theo một chữ ký thật nào đó, và nếu có bản thật thì việc so sánh chỉ là chuyện nhỏ. Nhất là từ năm 2006, để phục vụ cho Hội nghị cấp cao APEC, loại máy dùng để giám định các loại tài liệu và đường vân tay, chân do Anh sản xuất đã được nhập về để giám định và đã cho kết quả nhanh và chính xác hơn loại máy Docubox trước đây. Chỉ cần đưa cả hai văn bản vào hệ thống máy giám định quan sát đa phổ của Anh, tất cả sẽ chỉ ra giấy thật và giấy giả.

Tiếng nói của ai?

Còn giám định âm thanh dễ hay khó? Trung tá Lê Trung Thành đã đưa ra biết bao điều bất ngờ cho kết luận những vụ án anh thụ lý. Như vụ bắt cóc tống tiền ở Bình Thạnh. Giám định âm thanh trong những trường hợp bắt cóc tống tiền tuy có khó, nhưng không quá khó như bọn xấu đã tưởng. Cho dù bọn chúng có dùng khăn che miệng khi nói để làm méo tiếng nhưng với kỹ thuật hiện đại, tiếng nói kia sẽ được dựng lại “thẳng thớm” bằng máy móc chuyên biệt. Chỉ nghe qua giọng nói, cách phát âm, cách nhả chữ, cán bộ giám định có thể sẽ đoán gần chính xác quê quán, nghề nghiệp và tuổi tác của đối tượng cùng lúc với tiếng nói đã dựng lại thì đối tượng sẽ buộc phải “hiện hình”.

Như vụ gài bom thư nổ ở tiệm vàng Hoàng Mai - quận Bình Thạnh, TPHCM. Qua giọng nói trong điện thoại và mẩu giấy viết gửi kèm trong gói chất nổ, Đội GĐTT&HHS đã giúp cán bộ điều tra khoanh vùng tội phạm là đàn ông, người miền Nam, thậm chí họ còn đưa ra kết luận đối tượng là người có tâm lý khá ổn định và là kẻ văn hóa cấp 1. Chỉ trong vòng 24 giờ sau, một gã chạy xe ôm bị bắt. Và y thú nhận việc làm tội lỗi của mình.

Đội giám định hóa không chỉ làm công tác giám định ma túy mà họ còn giám định cả số khung, số sườn xe khi cần trưng cầu ý kiến. Các chiếc xe ăn cắp sau nhiều lần đục số sườn, số máy thậm chí với các loại xe tay ga cao cấp, bọn trộm còn dùng máy bắn laser để in số giả.

Các đội quản lý xe không tìm ra dấu vết cũ của chiếc xe thì các giám định viên của Phòng Khoa học Kỹ thuật hình sự sẽ tìm ra chủ nhân thật của xe là ai. Cậu sĩ quan giám định chấm hóa chất lên khung xe cần giám định thật tỉ mỉ nhẹ nhàng.

Bọt trắng sủi lên bật ra một lớp bột sắt. Các con số trên biến mất theo bọt hóa chất. Quét lớp bột sắt vừa khô, một thứ hóa chất khác lại được bôi lên chỗ số khung vừa đục, cứ thế cho đến khi chất sắt thật được dùng làm khung xe nổi lên thì con số thật ban đầu hiện ra.

Trưởng phòng PC21, Thượng tá Nguyễn Hồng Quang, đã khẳng định với tôi:”Với cách làm khoa học, tỉ mỉ và thông minh của chúng tôi nhiều đối tượng gây tai nạn chết người giữa đường bỏ chạy đã bị bắt. Chị không tin ư?”. Đã có không ít tài xế đụng xe gây chết người hoặc gây thương tích nặng cho nạn nhân trên đường vắng rồi bỏ xe lại chạy trốn. Với những vết trầy xước, độ nông sâu các chỗ móp méo của xe bị nạn sau khi được giám định sẽ chỉ ra loại xe va chạm là loại xe nào, màu sơn xe, loại sơn của hãng nào. Cảnh sát điều tra và Cảnh sát giao thông sẽ bắt tay vào cuộc truy lùng theo sự dẫn đường của cán bộ Phòng Cảnh sát Kỹ thuật Hình sự (PC21). Cho dù chủ xe hay tài xế đã cẩn thận rửa xe thậm chí dậm sơn lại chỗ đã trầy xước do va chạm, làm đồng lại xe sau tai nạn gây ra thì cũng không thể chối cãi.

Chỉ với một mẩu sơn của chiếc xe, cán bộ giám định có thể đưa chứng minh ra lời kết luận chính xác từ mẩu sơn dính trên xe bị nạn kia.

Bài 2: Ngọn lửa gây cháy ở Trung tâm thương mại ITC màu gì?

Theo Phạm Thục / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.