Sừng tê giác - từ Phi sang Á, Kỳ 2: Đường đi của sừng tê giác

22/11/2008 14:10 GMT+7

Đau lòng khi chứng kiến ngày càng nhiều xác tê giác bị cắt mất sừng, tiến sĩ Esmond Bradley Martin - chuyên gia động vật hoang dã tại Kenya - đã lần theo đường đi của những chiếc sừng tê giác.

Cuộc điều tra dẫn ông xuyên châu Phi, đến Trung Đông và sau đó đến Ấn Độ, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Sau đó, ông viết bài đăng trên tạp chí National Geographic.

Yemen

Ở châu Phi, nơi duy nhất có nhu cầu thật sự cho các sản phẩm tê giác hóa ra lại là Nam Phi, đặc biệt là ở những cửa hàng thuốc tại Johannesburg và Pretoria.

Trong những cửa hàng này người ta bày bán nhiều loại thảo dược và sản phẩm từ động vật, trong đó có sản phẩm từ tê giác. K. M. Naidoo, một thầy thuốc về hưu sở hữu một cửa hàng muti thuộc loại bề thế nhất Johannesburg, cho tôi hay người Zulu thường mua một ít bột sừng tê giác, trộn với rận phơi khô làm thuốc chữa bệnh vàng da.

Nhưng sau đó tôi biết sừng tê giác không chỉ được bày bán tại Nam Phi mà còn rất hút hàng ở nước ngoài. “Tại sao những người ở nơi khác lại đột nhiên cần nhiều sừng tê giác thế nhỉ?”, tôi tự nhủ, rồi bắt đầu tìm kiếm số liệu về sừng tê giác kể từ ngày việc buôn bán sừng được hợp pháp hóa. Tôi nghĩ đến Yemen. Vài tuần sau, tôi bay đến Sana, thủ đô Yemen, dù trong bụng chưa biết làm sao để tìm hiểu nhu cầu sừng tê giác ở nước này. Tôi nghĩ tốt nhất cứ nhắm chợ mà đến.

Chuyển hoạt động qua mạng

Hoạt động buôn lậu động vật hoang dã (trong đó có chế phẩm từ động vật hoang dã) được xem là buôn lậu lớn thứ ba thế giới sau ma túy, vũ khí. Tuy nhiên, những năm gần đây bọn buôn lậu đã chuyển sang kinh doanh qua mạng, vừa tiện lợi, nhanh ngọn lại vừa bí mật. Trên các mạng Trung Quốc chẳng hạn, vẫn có thể tìm thấy nhiều động vật quý hiếm, chế phẩm động vật quý hiếm được rao bán trên các mạng mua sắm, trong đó có cả những loài quý hiếm như hổ cốt, ngà voi, râu hổ, sừng tê giác. Điều đáng nói là chúng thường được đưa vào danh mục hàng lưu niệm, với các tên như tây giác, sừng trâu châu Phi chỉ sừng tê giác; còn ngà voi gọi là vật liệu ngà, điêu khắc ngà; đồi mồi gọi là đá quý hải dương, hải kim...

Cảnh Chánh
(Nguồn: báo Tham Khảo Kinh Tế, Trung Tân xã, Sina)

Tôi đang ngó nghiêng trong một khu bán trang sức thì chợt nhận ra ở những quầy hàng xung quanh, những người thợ thủ công đang cắm cúi làm dao găm. Hơn 80% đàn ông Yemen đeo dao găm, còn gọi là jambiyya, bất đắc dĩ lắm họ mới phải bỏ dao ra khỏi người. Làm dao là hoạt động chính tại chợ, có rất nhiều người đang mài lưỡi dao, may dây đai và khắc vào tay cầm. Tôi bắt chuyện với một người đang khắc tay cầm và trong lúc tò mò nhìn vào chiếc hộp đồ nghề của anh ta, tôi thấy có hàng chục chiếc sừng tê giác! “Chúng tôi dùng những thứ này để làm ra những cán dao jambiyya tốt nhất” - anh ta giải thích.

Ở Yemen, gần đây ngày càng nhiều người sang Saudi Arabia để kiếm việc trong các dự án xây dựng và được trả lương rất hậu hĩnh. Tiền của họ quay ngược về Yemen. Kết quả là đàn ông Yemen dư sức sắm dao găm cán làm bằng sừng tê giác. Chính nhu cầu này ngày càng tăng ở Yemen mà giá bán sừng tê giác cũng đã tăng theo.

Châu Phi: căn cứ địa

Mặc cho những thành công đáng ghi nhận của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, số phận tê giác ở châu Á và châu Phi vẫn liên tục ở tình trạng báo động. Trong email gửi Tuổi Trẻ ngày 19-11, Sulma Warne - đại diện Tổ chức theo dõi hoạt động buôn bán động vật hoang dã Traffic ở khu vực Mekong - cho biết hiện nay đa số sừng tê giác rời khỏi lục địa châu Phi đến Đông và Đông Nam Á đều đi qua ngõ Nam Phi. Nơi đây đã trở thành căn cứ địa cho các nhóm tội phạm có tổ chức buôn bán sừng tê giác với phạm vi ảnh hưởng vượt khỏi biên giới Nam Phi.

Theo các nghiên cứu của giáo sư Nigel Leader Williams thuộc Học viện Durrell về bảo tồn thiên nhiên và hệ sinh vật của Đại học Kent (Anh), hiện nay các nguồn cung cấp khác gần như cạn kiệt, chỉ còn lại Đông Phi (bao gồm Kenya, Uganda và Tanzania) và tất nhiên Nam Phi, nơi tê giác được bảo tồn tốt nhất, là còn nguồn cung dồi dào. Theo báo Africa Geographic, sừng tê giác từ những quốc gia Đông Phi và Nam Phi sau khi bị các tay săn bắt bất hợp pháp xẻ lấy theo đơn đặt hàng của những ông chủ giấu mặt sẽ được vận chuyển lậu - bằng đường biển, thậm chí hàng không - về châu Á, nơi các huyền thoại về công dụng của sừng tê giác đã trở thành bản án tử hình cho loài vật đáng thương này.

Một báo cáo của Tổ chức Traffic công bố tại hội nghị lần 14 các bên tham gia hội nghị chống buôn bán động thực vật hoang dã quốc tế tháng sáu năm ngoái, đã cảnh báo về thực trạng buôn bán sừng tê giác tăng mạnh tại châu Phi từ năm 2000.

“Đáng báo động nhất là ở Cộng hòa dân chủ Congo và Zimbabwe, nơi mạng lưới buôn bán sừng tê giác theo hình thức tội phạm có tổ chức ngày càng tăng” - AFP dẫn lời Steven Broad, giám đốc điều hành Traffic. Traffic nhìn nhận trên toàn lục địa đen, số lượng tê giác vẫn được duy trì. Hơn 60% tê giác ở Congo đã bị giết trái phép từ năm 2003-2005. Tại Zimbabwe, nạn săn bắn trái phép gây ra hơn 2/3 cái chết của loài tê giác trong cùng khoảng thời gian đó. “Tại Cameroon, thất bại; tại Congo, gần thất bại; tại Zimbabwe, lo ngại lớn” - tác giả báo cáo Simon Milledge tổng kết.

 
Hải quan ở Côn Minh (Trung Quốc) thu giữ hai sừng tê giác-Ảnh: cnsphoto
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắn và buôn bán trái phép sừng tê giác, ngày 19-11-2008 Liên Hiệp Quốc đã tổ chức một cuộc họp cấp cao tại Nairobi (Kenya) và tuyên bố thành lập đội đặc nhiệm bảo vệ tê giác. Đội đặc nhiệm này tập hợp các chuyên gia hành pháp từ các nước tiêu thụ và trung chuyển sừng tê giác, có nhiệm vụ trao đổi thông tin tình báo về các tội phạm liên quan đến tê giác.

Cuộc họp cấp cao tại Kenya có sự tham gia của các thành viên hội nghị chống buôn bán động thực vật hoang dã quốc tế đến từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Kenya, Ấn Độ, Mozambique, Nepal, Nam Phi, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam, Yemen và Zimbabwe.

Đông Á: thị trường nhộn nhịp

Cũng theo giáo sư Williams, những quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sừng tê giác, hợp pháp hoặc bất hợp pháp, lớn nhất là Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong. Những khách hàng “mối” khác bao gồm Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Brunei và Thái Lan. Trong những năm 1960-1970, Hong Kong là nơi nhập khẩu sừng tê giác nhiều nhất và bất chấp lệnh cấm của chính quyền vùng lãnh thổ này năm 1979, sừng tê giác vẫn được lén lút đưa vào đây qua đường Đông Nam Á và Trung Quốc đại lục.

Sự giàu lên nhanh chóng của Đài Loan, Hong Kong, Singapore và các nước châu Á khác trong những năm 1970-1980 càng khiến nhu cầu thêm lớn. Lợi nhuận khổng lồ khiến các vụ buôn lậu vẫn tiếp tục diễn ra. Giá sừng tê giác đã tăng từ 35 USD/kg năm 1972 lên 9.000 USD vào những năm 1980, và những năm gần đây có lúc ở thị trường Đông Á “đồ xịn” có thể có giá 20.000-30.000 USD/kg.

Vụ bắt buôn lậu sừng tê giác nổi tiếng nhất có lẽ vào năm 1993, khi cảnh sát Đài Loan phát hiện một công chúa của hoàng gia Bhutan mang theo 22 chiếc sừng tê giác châu Á, cân nặng 14kg và có giá trị ước tính gần 750.000 USD (sừng tê giác châu Á có giá đắt gấp mười sừng tê giác châu Phi) vào vùng lãnh thổ này.

Theo Thanh Trúc - Hải Minh / Tuổi Trẻ

__________________________________________

Từ thị trường “chợ đen” buôn bán sừng tê giác ở châu Phi và châu Á, những chiếc sừng được tuồn về VN. Đường càng dài, giá càng đắt hơn vàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.