Thưa thầy, cho em được học!

17/02/2009 11:19 GMT+7

Thầy giáo Trần Đăng Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Nậm Cắn (Kỳ Sơn - Nghệ An), kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện mà thầy chưa từng gặp trong đời.

Một lần vào họp ở bản Huồi Pốc để vận động học sinh quay lại trường, có một cậu bé mù quỳ sụp dưới chân thầy van xin: "Thưa thầy, cho em được đi học"! Mặc dù rất ái ngại vì đôi mắt mù loà của em, nhưng thầy Hùng không thể nói không. Thế là cậu học trò mù Già Bá Lỳ ở bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tiếp tục được đến trường.

Mắt mù, nhưng dạ không mù

Câu chuyện của thầy Hùng đã thôi thúc tôi phải lên Kỳ Sơn ngay những ngày đầu năm mới. Phải chờ mất một ngày mới gặp được Già Bá Lỳ. Bản Huồi Pốc của Lỳ cách trường Nậm Cắn hơn 15km đường rừng. Mấy hôm nay trời lại trở chứng đổ mưa, đường trơn như rải mỡ, vì thế mà Lỳ chưa thể tới lớp được. Mọi người kể, nhà Lỳ đông anh em, nhà nghèo đến mức cứ xong mùa là hết gạo ăn.

Khi Lỳ sinh ra là một đứa trẻ lành lặn, khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Năm lên ba tuổi, một cơn sốt cao đã làm cho Lỳ mờ mắt rồi dần dần mù hẳn. Cuộc sống khốn khó đã khiến Lỳ không được một lần đến bệnh viện để kiểm tra xem sao. Có lần Lỳ hỏi cha mẹ về nguyên nhân mắt bị mù, cả hai ông bà đều thở dài an ủi con: "Lớn lên nó sẽ sáng lại". Lỳ tin như thế và gắng đợi ngày lớn lên như cha mẹ nói.

Bố mẹ bận bịu nương rẫy, Lỳ suốt ngày quanh quẩn bên bậu cửa nhà mình với niềm hy vọng mắt sẽ sáng lại. Rồi mỗi sáng, tiếng những đứa trẻ cùng lứa ê a học bài đã làm cho Lỳ không thể chịu đựng nổi. Đó là năm Lỳ lên 8 tuổi. Một buổi sáng, Lỳ khóc giãy nảy đòi cha phải đưa đến lớp. Ông Già Chừ Pó thương con nên cũng xin cho Lỳ đi học ở lớp cắm bản.

Câu chuyện cậu bé mù đi học  làm cho cả bản Huồi Pốc không thể tin. Họ không tin vì Lỳ có thấy gì đâu mà học. Không tin vì trẻ con theo nhau bỏ học gần hết, lại có một thằng mù đòi đi học. Cả bố mẹ của Lỳ cũng không tin đó là sự thật. Ông Chừ Pó thành thật nói: "Nó đòi đi học thì ta cũng chiều nó thôi. Ta nghĩ nó đi vài bữa là chán rồi bỏ học ngay mà. Ấy thế mà nó không hề bỏ một buổi nào đâu. Hồi đang học lớp 7, có người nói nó không được đi học nữa thế là nó bỏ ăn, nằm khóc như cha mẹ chết vậy".

Thế là hàng ngày, đứa em gái của Lỳ phải dắt anh đến lớp học. Bây giờ ở Huồi Pốc vẫn chưa ai quên được hình ảnh hai anh em nhà Lỳ dắt díu nhau đi học mỗi sáng. Lỳ rất quyết tâm, dù chỉ nghe được nhưng cậu tỏ ra rất sáng dạ. Những bài học mà Lỳ không thuộc, tối đến lại nhờ các bạn đọc lại. Vài lần như thế là thuộc bài.

Lỳ tâm sự: "Khó nhất là môn toán và các môn tự nhiên. Em chỉ biết tính nhẩm, không làm ra giấy được nên nhiều khi kết quả chưa đúng... Bây giờ thì đỡ khó hơn nhiều rồi, ra trường Nậm Cắn học có nhiều bạn giúp đỡ nên bài nào khó đều được các bạn hoặc các thầy giảng lại cho".

Với Lỳ, cách học nhanh nhất là liên tục xung phong phát biểu xây dựng bài. Em nói: "Mình chỉ đôi tai để nghe, nên cả buổi học em phải tập trung cao độ để không bỏ sót một từ nào. Khi đã nghe được rồi thì xung phong phát biểu để nhớ được lâu. Nếu phát biểu chưa đúng thì các bạn và thầy - cô giáo góp ý thêm. Thế là mình thêm một lần hiểu bài". Cứ như thế, Lỳ tiến bộ rất nhanh.

Lỳ cũng tâm sự: "Để đi học và để học được nó khổ sở lắm. Nhưng nếu không học thì em chả biết gì cả. Rồi mai này em sẽ sống ra sao nếu không có kiến thức. Không lẽ cứ là gánh nặng với cha mẹ mãi sao. Cha mẹ rồi cũng già, rồi trở thành gánh nặng cho mọi người ư. Em cố học để tự lập cuộc sống của mình anh ạ. Biết đâu có một phép màu, em lại được sáng mắt anh nhỉ". Tôi nhói đau trước những lời tâm sự rất hồn nhiên và cũng rất bản lĩnh của cậu bé mù.

Những người dệt ước mơ

Già Bá Lỳ chăm chú nuốt từng lời của cô giáo.

Khi kể đến chuyện xin thầy Hùng để được tiếp tục đi học, Già Bá Lỳ đã khóc. Em khóc vì quá xúc động trước tình cảm của các thầy - cô giáo ở trường Nậm Cắn. Lỳ kể: "Năm học 2007- 2008, hai trường Nậm Cắn I và Nậm Cắn 2 sáp nhập. Lúc đó em đang học lớp 7. Một giáo viên phụ trách ở điểm trường Huồi Pốc đã nói: "Em đừng đi học nữa. Người sáng còn chưa học được huống chi em mù loà. Em nên nghỉ đi...". Lỳ nghe những lời đó mà đau nhói vô cùng. Em cố nài nỉ, thầy ơi, thầy thương em, thầy đừng bắt em phải nghỉ học. Em hứa sẽ cố gắng hơn nữa, ngoan hơn nữa...

Những lời năn nỉ của Lỳ vẫn không làm thầy giáo nọ động lòng. Lỳ thất thểu quờ quạng trở về nhà mà ruột đau như cắt. Thế là không còn được đến trường nữa, thế là không thể biết thêm con chữ được nữa. Em đã bỏ ăn mấy ngày, chỉ biết ôm gối mà khóc. Mỗi sáng, các bạn lại tung tăng đến lớp. Còn Lỳ phải trở về với bậu cửa.

Tiếng trống trường mỗi lúc điểm lên là một lần tim Lỳ đau nhói. Em nói: "Chưa bao giờ em buồn đến thế. Em thèm lắm được nghe lời thầy, cô giảng bài, được phát biểu. Có bữa nhớ quá, em mò mẫm tới lớp, nhưng nào có được ngồi học đâu. Những hôm ấy, em không còn ước được sáng mắt nữa, mà chỉ ước được đi học thôi".

Đang nẫu ruột, Lỳ nhận được tin tốt lành, thầy hiệu trưởng Trần Đăng Hùng vào họp với dân bản để vận động học sinh quay lại trường. Thương anh, cô em gái Già Y Xê dắt Lỳ băng băng đến gặp thầy hiệu trưởng. Già Bá Lỳ không kịp chào thầy mà quỳ sụp xuống van xin: Thưa thầy, cho em được đi học.

Thầy Hùng nhìn Lỳ mà ái ngại vô cùng. Một cậu bé mù loà liệu có học nổi không? Rồi quãng đường hơn 15km từ Huồi Pốc đến trường liệu em làm sao để vượt qua? Và cả hoàn cảnh gia đình nghèo đến vậy nữa... Nhưng, thầy không thể nói không với Lỳ, không thể nói không với một tấm lòng hiếu học đến vậy.

Thầy Hùng tâm sự: "Gần 30 năm đi dạy, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh vừa đau lòng, vừa cảm động đến thế. Trong lúc học sinh ở đây đang thi nhau bỏ học, giáo viên phải đến từng nhà để vận động thì có một học sinh mù xin được đi học, ai  nỡ từ chối".

Kể từ giờ phút đó, Già Bá Lỳ trở thành học trò đặc biệt của thầy Hùng, của trường Nậm Cắn. Nhưng rồi, đúng như nỗi lo của thầy. Con đường từ nhà ra trường của Lỳ là cả một gian nan không dễ gì vượt qua. Bắt đầu gà gáy sáng, anh em Lỳ đã phải thức dậy nắm cơm rồi dắt nhau đến trường. Qua được ba ngọn đồi, 4 con suối cũng là lúc tiếng trống trường vừa điểm. Nhưng đó là vào những ngày đẹp trời, còn gặp bữa mưa thì đành phải chịu.

"Thương nhất là cảnh hai em gặp mưa giữa đường. Đến được lớp thì ướt hết rồi, làm sao mà học được nữa" - thầy Hùng nhớ lại.

Thầy Hùng lại phải ra một quyết định nữa đối với Lỳ là cho em được ở nội trú. Đồng thời, thầy vận động các thầy - cô giáo giúp đỡ Lỳ về mọi mặt. Được ở nội trú, Lỳ sung sướng vô cùng. Thế là từ nay không phải mò mẫm từ lúc gà gáy sáng, được cùng ăn ở với các bạn, được các thầy, cô giảng lại bài hàng đêm.

Chính vì thế mà lực học của Lỳ tiến bộ rất nhanh. Đặc biệt, ở trường ai cũng trân trọng tình bạn của Lỳ và Lầu Bá Ca. Hai bạn ở cùng phòng, ngủ cùng giường, rất đỗi thương nhau. Ca nhận nhiệm vụ dắt Lỳ đi học, đi vệ sinh và các sinh hoạt khác. Đêm đến, những chỗ không hiểu, Ca lại đọc cho Lỳ nghe. Còn Lỳ khá hơn về môn toán nên thường giảng lại cho Ca. Nói về người bạn mù, Ca nhận xét: "Bạn ấy mù mà học rất tốt. Em thường phải hỏi bạn Lỳ về môn toán, vì bạn ấy giỏi hơn em".

Cô giáo Võ Thị Thuý được phân công chủ nhiệm lớp của Lỳ - lớp 8C, nói với tôi: "Ban đầu tôi cũng ngại lắm, không biết Lỳ có theo được không. Nhưng rồi càng ngày em càng tiến bộ, lại rất có nghị lực nên thầy, cô nào cũng quý. Tuy các thầy - cô giáo rất nhiệt tình, nhưng hầu hết mọi người đều hết sức khó khăn nên cũng chưa giúp được gì nhiều cho em.

Lỳ thường tâm sự với tôi, em nói mình có điều ước. Thứ nhất là ước được sáng mắt. Thứ hai là không sáng được mắt thì được đi học chữ nổi. Nếu cả hai điều ước ấy không thành thì chỉ ước có một chiếc máy ghi âm để hỗ trợ học tập". Ánh mắt cô Thuý đượm buồn, giọng cô chùng xuống: "Lỳ là một tấm gương sáng về nghị lực và tinh thần hiếu học. Giá như có điều ước, tôi cũng ước cho em được sáng mắt".

Theo Phạm Việt Thắng / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.