Vậy mà hiện nay, ở Phú Yên hiện có trên dưới 3.000 chiếc tàu, thì đã có 1.000 chiếc làm nghề lưới giã cào. Theo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, chính hấp lực từ thị trường, giá cả và nghề nuôi tôm hùm lồng đang nở rộ ở vùng biển Phú Yên và xã Xuân Tự ( huyện Vạn Ninh –Khánh Hòa), khiến cho nhiều ngư dân chẳng những không chuyển nghề mà còn đóng thêm nhiều chiếc tàu có công suất mới để ra khơi cào vét cá, tôm…
Giã cào ơi, đau lòng biển lắm!
Gửi xe máy tại nhà trưởng thôn Dân Phước, Ngô Quang Long –TT. Sông Cầu ( Phú Yên) sau khi tiễn chúng tôi xuống thuyền mang số hiệu PY 8034 với 45 mã lực. Anh “ thuyền trưởng” vui tính Ngô Thành Nhật dúi vào tay tôi mấy viên thuốc say sóng bảo uống và nằm nghỉ chứ đi biển không quen bị “ộc” đấy. Vâng lời thuyền trưởng, tôi cầm gói thuốc uống và mường tưởng những việc đang sắp sửa diễn ra và chiếc thuyền đưa chúng tôi rời bến cá Dân Phước ra khơi, nhằm hướng Hòa Lao ( Qui Nhơn – Bình Định) trực chỉ…
13 giờ 30 phút, ra khơi lần này, ngoài anh Nhật, tôi và một đồng nghiệp khác còn có 2 người đi bạn chuyên đi giã cào là Ngô Xuân Hường và Nguyễn Thanh Kiệt. Lần đầu tiên ra khơi và chưa biết sóng gió thế nào? Nhưng chúng tôi đã lắc lư theo con tàu với những đợt sóng nối tiếp nhau, ào ào như muốn nuốt chửng con tàu bé nhỏ. Ra khơi khoảng chừng 3 hải lý, Kiệt, Hường rủ tôi ra khoang sau chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Kiệt tâm sự: Anh chắc là lần đầu tiên đi biển phải không? Còn em đã qua 6 năm trời lênh đênh trên biển. Từ nghề đi lưới mành cho đến lặn bắt tôm hùm giống và nay là đi giã cào em đều trải qua. Nhà em nghèo và đông người nên em phải phụ giúp gia đình. Hường thì chen vào bảo, cuộc sống bám biển rất vất vả có bữa “ cào” được nhiều có bữa ra về trắng tay, lỗ cả tiền dầu, tiền đi bạn.
17 giờ chiều từ bờ ra khơi lúc này máy định vị đã chỉ 13 - 109 độ Bắc, chiếc máy bộ đàm liên tục hoạt động hết công sức để nghe liên lạc từ các chủ tàu thông tin về luồng cào, về mẻ cả và cả tiếng giọng hát cải lương của một thuyền trưởng nào đó đang ngêu ngao, lè nhè vang lên…Anh Nhật nhường “ tay lái” lại cho Hường và ra sau kiểm tra lại lưới cụ và cùng với Kiệt chuyển tay nhau thả 2 miếng sắt ( mà dân đi giã thường hay gọi là miếng dép) nặng khoảng gần 500 kg cùng dàn lưới cào 40 m xuống biển rồi cho quay tàu 1800 chạy với vận tốc 3 hải lý/giờ để cào cá. Anh Nhật giải thích: 2 miếng dép để lùa cá, còn lưới sau khi thả xuống, mình cho tàu chạy theo luồng cá để lùa cá vào đáy…Trước mặt tôi lúc này, đã có hàng chục chiếc thuyền thi nhau tăng tốc, tung luồng bọt biển trắng xóa, tha hồ thả dàn cào của mình, vét qua, vét lại nhưng đặc biệt không chồng chéo lên nhau vì các tàu đã chấm “ tọa độ” bằng máy định vị. Chốc chốc, chúng tôi lại bắt gặp những cặp tàu chạy song song cách nhau một văng. Thấy tôi thắc mắc, anh Nhật giải thích : Đó là những chiếc thuyền đánh giã cào đôi đấy! Họ thường đi 2 chiếc và ra khơi từ lúc 2 giờ sáng. Họ “ chơi” một giàn lưới to và lớn gấp đôi giàn cào đơn của mình với mã lực gấp đôi, cào vét được nhiều tôm, cá hơn. Mùa này, những tay cào đơn thường đói , còn họ thì no - Anh Nhật phân trần…
Hoàng hôn buông xuống nhường chỗ cho ánh trăng rằm dát vạt trên mặt biển. Bên nồi cơm và chai “ rượu đế” chúng tôi miên man tâm sự về chuyện đời, chuyện cá, tôm và cả chuyện tình yêu nữa. Hường bảo với tôi: Làm biển thì cực lắm! Nhưng nghề biển đã đem bám chúng tôi từ lúc lọt lòng. Lớn một chút là bố, anh đã cho đi theo để quen với sóng, gió. Nhật thì bảo, “Dân làm biển thì chỉ có 2 mùa: Mùa cá nam và mùa cá bắc. Không biết có từ hồi nào, mà những chuyến ra khơi vào thời điểm từ tháng giêng đến tháng 5 (âm lịch), dân đi biển gọi là mùa cá nam, còn từ tháng 6 đến tháng 9 ( âm lịch) gọi là mùa bắc. Và cứ theo cách gọi như thế, thì mỗi năm dân đi biển tụi tui có hai mùa làm ăn. Mùa cá nam, thường là thuận lợi, vì trời yên biển lặng, cào được nhiều cá lớn; còn mùa cá bắc thì ít hơn, do vào mùa mưa bão, và cào chỉ được vài con cá nhỏ. Nhưng đối với người làm cào, từ cào đơn cho đến cao đôi đều không phân biệt mùa vì mùa nào tôm hùm cũng cần cá. Thuận lợi hay ít thuận lợi ở đây đều do “ may mắn” của những người đi cào thâm niên và chuyên nghiệp mới tinh mắt phát hiện được luồng cá. Và trên gương mặt của các anh lúc này vẫn còn nhiều nét sợ hãi khi đối mặt với “ đầu sóng, ngọn gió” vào trận bão số 8 trung tuần tháng 11/2001…
Chợ cá giã cào tấp nập người vào sáng sớm. |
“...ơi biển việt nam, ơi cá việt nam….”!
Biển ơi là biển! Tôi không hiểu hết câu nói của Hường ẩn chứa gì, nhưng nó cũng diễn tả nhiều điều đúng như trong tiểu thuyết “ Gió mùa đông bắc” của nhà văn S.Otman Kelantan ( Malaysia) mô tả: “…Biển đau lòng, biển sợ nhất là cái lưới giã cào ( lưới vằn)…Ngày đêm cái lưới ma quái này chà xát đáy biển, vét trơ mọi loại cá, lớn cũng như bé, đến cả trứng cả. Và khi cái lưới này giăng ra ở vùng biển nào thì những người đánh cá nhỏ chỉ còn việc co thắt lưng lại…”.
Hiện nay, với trang thiết bị máy móc tối tân, hiện đại đến “ tận răng” nên đội quân giã cào ngày đêm lùng, cào vét các loại cá bé, cá tý hon dưới lòng biển bất kể vào mùa cá bắc hay cá nam. Những chiếc ghe từ nhỏ đến lớn cứ hoạt động tấp nập, chà qua xát lại lòng biển nên cá cũng chẳng kịp sinh sôi, nảy nở…Còn xử phạt ư! Theo ông Nguyễn Văn Do, Chi cục trưởng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên thừa nhận: Đội ngũ làm công tác bảo vệ rất mỏng, trang thiết bị lại vừa thiếu, vừa yếu nên việc tuần tra bắt giữ cũng là một điều rất khó. Với lại khi xử phạt cũng không có bến bãi để neo đậu tàu thuyền…nên việc chuyển nghề và khuyến cáo bà con chỉ là việc “ đem muối bỏ biển”.
Thực tế ở trên địa bàn vùng biển Phú Yên hiện có trên dưới 3.000 chiếc tàu, thì đã có 1.000 chiếc làm nghề lưới giã cào. Theo Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, chính hấp lực từ thị trường, giá cả và nghề nuôi tôm hùm lồng đang nở rộ ở vùng biển Phú Yên và xã Xuân Tự ( huyện Vạn Ninh –Khánh Hòa), khiến cho nhiều ngư dân chẳng những không chuyển nghề mà còn đóng thêm nhiều chiếc tàu có công suất mới để ra khơi cào vét cá, tôm…Còn ở tại bến cá Dân Phước, đã có khoảng trên dưới 200 chiếc thuyền chuyên đánh bắt bằng giã cào để mưu sinh. Ông Ngô Quang Hàm, người dân ở thôn Dân Phước bộc bạch: Tôi làm nghề giã cao đôi được gần 10 năm nay. Tôi đánh bắt chủ yếu là để cho gia đình nuôi tôm hùm lồng là chính. Lúc trước, đánh bắt còn dư dả cá, tôm. Còn nay, thì họa hoằn lắm mới đủ cá cho mấy con tôm hùm “điểm tâm”. Không biết liệu như thế này thì không biết đào đâu ra cá để nuôi tôm hùm lồng nữa? Còn chuyển nghề ư, tiền gia đình tôi đang vay đóng thuyền vẫn chưa trả hết mà chuyển nghề thì chẳng biết có sống nổi hay không…?
…Tàu về bến, tôi phụ giúp Nhật, Hường khuân vác cá lên bờ để chuyển đến chợ cho kịp bán buổi sáng. Tôi đành tạm chia tay với họ. Chia tay với những người giã cào, những người sống chủ yếu dựa vào biển, vào sự ban tặng của đại dương, sau một ngày mệt nhọc vì say sóng, cái mệt nhọc của một người đi biển không quen. Tôi đứng lặng thật lâu nhìn dáng lầm lũi gánh từng gánh cá của họ mà lòng chợt trào lên một niềm thương cảm. Gánh cá, con thuyền và những tấm lưới hành nghề giã cào của họ và cả “ cuộc đời bám biển ”chừng như quá nặng! Nhưng dẫu gì đi nữa, tôi vẫn biết chắc chắn rằng, những người tham gia vào đánh bắt bằng giã cào trên biển và sống chủ yếu dựa vào đại dương bao la và bằng cách “ đưa biển về rừng ” sẽ còn khốn khó hơn để tìm kiếm sự sống. Bài tóan để giải quyết họ bỏ hẳn nghề này đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp ngành thông qua việc hỗ trợ vốn, tạo việc làm…để họ có thể tham gia và có thể sống được. Tôi biết phía trước con đường, nơi ngày mai con thuyền họ rẽ sóng ra khơi , bao giờ cũng là hai ngã rẽ về một phía cơm áo, còn phía kia là nẻo rẽ của những ước mơ bình dị nhất. Trong có có việc bỏ hẳn nghề hủy diệt này.
Văn Tài
Bình luận (0)