Trong hàng trăm, hàng ngàn lễ hội, đền, chùa mang tín ngưỡng dân gian đó, lễ hội Bà Chúa Kho (Cổ Mễ, Bắc Ninh) có lẽ là một lễ hội độc nhất vô nhị bởi tính thực dụng, vay mượn giữa người thực với cõi âm và sự lộn xộn, bát nháo của nó.
Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay
Bạn bè tôi thường bảo tôi là kẻ quê mùa, lạc hậu, sống giữa thủ đô mà không biết hưởng thụ cái thú du xuân, lễ bái đầu năm. Có lẽ bởi tôi không tin rằng cứ lễ bái sẽ được một thế lực vô hình nào đó quyết định tương lai thay cho bản thân mình.
Thế nhưng ăm nay có khác, mấy ngày tết nghỉ dài, ăn đã chán cái miệng, ngủ chán cái mắt, sáng mùng 5, nắng hửng, trời đẹp, một ông bạn là doanh nhân đến chúc tết và kể câu chuyện đầu năm ngoái đi lễ bà Chúa Kho về làm ăn thắng lớn, năm nay muốn lên lễ nữa. Dù chả tin chuyện đó, nhưng tôi cũng theo chân.
Sẽ là hơi ngoa nếu nói thành phố Bắc Ninh là trung tâm môi giới thánh thần, nhưng ai cũng có thể thấy rằng dọc theo con đường 1A cũ chạy qua thành phố la liệt hai bên đường là những hàng quán đầy ắp những “cành vàng lá ngọc” và vàng mã cho người âm, với đủ loại biển hiệu: “Nhận viết sớ, sắp đồ lễ vào đền Bà Chúa Kho” và chả thiếu các dịch vụ để người dương gian giao tế với người cõi khác.
Đến lối rẽ từ thành phố vào đền thờ Bà Chúa, xe con, xe máy đã dồn nhau lại thành một khối, nhích từng chút, từng chút khiến con đường trở nên tắc nghẽn. Trong đoàn người kìn kìn ấy tôi thấy toàn những trai thanh, gái lịch, những doanh nhân thành đạt, những công chức nhà nước, những mệnh phụ phu nhân cưỡi những chiếc xe rất đẹp với những mâm lễ thật là hào phóng chứ tịnh chả thấy bóng dáng bác nông phu nào.
Gần trưa, thật là khó khi tìm được chỗ đỗ xe bởi tất cả các bãi đỗ đều chật cứng. Đền thờ Bà Chúa ở trên đồi cao, lối vào đền người chen người, người chen lễ, xô đẩy, nên mặt người nọ phải úp vào mông người kia mới có thể nhích từng bước tới được gần cửa bà. Khói hương mù mịt, khấn vái vang trời, mã cháy rừng rực, tro bay tứ tán, rác xả ngập lối, thật là: “Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước áo quần như nêm. Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”.
Dù cực nhọc là thế nhưng ai ai cũng cố chen vào cho thật sát, thật gần đến cung cấm để “thủ thỉ” vào tai bà những khoản vay, khoản nợ và cầu xin bà ban cho sự giàu sang phú quý nơi cõi thực.
Lễ âm đổi lấy lộc dương
Đến bà Chúa Kho không thể không sắm lễ - ông bạn tôi sau nhiều năm đi lễ giải thích. Bạn bảo, có rất nhiều người không sắm lễ, chỉ đến đây xin “lộc rơi, lộc vãi” của bà nhưng không trả lễ cũng bị bà “phạt’ làm cho lụn bại nên ai cũng phải có lễ cho bà. Chả hiểu chuyện đó thực hư thế nào nhưng những người tôi gặp ở đền bà quả thật là không ai không có lễ. Người cầu nhiều thì sắm lễ lớn, người chỉ đi vãn cảnh như tôi thì chí ít cũng bỏ dăm chục ngàn đồng vào hòm công đức dù chả cầu xin điều gì.
Bạn tôi gọi người biện lễ. Ngoài lá sớ chữ nho được cố định là 15 ngàn đồng, còn giá lễ thì được các chủ hàng nâng giá hết sức vô tội vạ một con gà luộc giá bán từ 200.000- 300.000 đồng, khoanh giò lụa khoảng 3 lạng có giá 120.000 đồng, xôi gấc 20.000 - 40.000 đồng/đĩa. Các loại hoa quả, hương, bánh kẹo, nước ngọt đều gấp 5-7 lần so với giá bình thường. Và có một thứ không thể thiếu trong mâm lễ vật dâng lên bà Chúa là vàng mã và tiền âm phủ. Đồ mã gồm nào là “cây vàng”, “lá ngọc”, đỉnh vàng, đỉnh bạc, ngựa, áo, đồ trang sức.
Tiền âm phủ thì có hàng chục loại khác nhau, từ loại tiền âm phủ cổ xưa đến những ngoại tệ như đôla đủ mệnh gia được in ấn chẳng khác gì tiền polymer của cõi dương gian. Vừa sửa soạn đồ lễ cho bạn tôi, Tuấn – chủ quầy biện lễ Huy Tuấn bảo: “Bọn em còn nhận làm trọn gói cho khách với giá từ 300 nghìn đồng đến hàng triệu đồng tùy theo yêu cầu của khách. Khách đặt tiền, bọn em sẽ sắm lễ và bê mâm lễ vật vào tận nơi, đặt lên bàn thờ bà cho khách tha hồ khấn. Nếu khách tự bê vào thì phải lễ mễ bưng lễ qua rừng người có khi qua được rừng người đó đồ lễ đã nát bét rồi và như thế thì mất thiêng.
Vào được đến nơi, tìm chỗ đặt cũng rất khó khăn bởi bàn thờ thì nhỏ, nhưng đã có hàng trăm mâm lễ xí chỗ trước rồi. Vì thế nên đa số người đi lễ thuê bọn em làm trọn gói”. Tuấn nói: Những người làm ăn lớn, được lộc của bà, không tiếc tiền sắm lễ tạ, hồi cuối năm em được một bà từ Đồng Nai nhờ sắm đủ 8 mâm lễ dâng lên đủ 8 điện thờ trong đền với giá tới 5 triệu đồng/ mâm lễ. Người nào mới đến cửa bà, muốn vay vài chục tỉ cũng biện lễ không dưới triệu đồng.
Chen lấn toát mồ hôi, úp mặt vào mông người khác mãi rồi tôi cũng lên tới sân đền, có lẽ chả nơi nào bát nháo như ở đây. Hàng rong, đổi tiền lẻ, bán sách tử vi, tướng số, vàng mã la liệt khắp sân. Do có quá nhiều người đặt lễ nên nhà đền đã đặt hẳn một cái sạp nhiều tầng giữa sân đền để con nhang đệ tử có chỗ mà “dâng tấm lòng thành”. Và đây cũng chính là chỗ lộn xộn, bừa bãi hơn nơi nào hết. Chả dại chen chân chốn ấy, tôi tránh sang ban thờ công đồng bên cạnh vắng người hơn để bỏ vài đồng giọt dầu lấy may.
Vừa thả tờ tiền xuống hòm công đức, một chị một tay cầm cái bát, một tay cầm 2 đồng tiền xu đã sán vào hỏi: Anh tên gì? Vợ anh tên gì? Các con anh tên gì? Tưởng chị ta là người nhà đền tôi nói tên, thế là chị ta lầm bầm khấn vái một hồi rồi gieo cặp tiền xuống cái bát và quay ra đòi tiền: “Tiền khấn thuê, mỗi người được khấn là 10 ngàn đồng”. Ối giời ơi. Tôi còn chưa kịp nghe chị ta khấn cái gì thì chị ta đã đòi 40 ngàn – bằng cả một ngày công của loại viên chức quèn như tôi. Không trả tiền ư? lập tức vài “đồng nghiệp” của chị ta xúm lại.
Không muốn phiền phức đầu năm và hy vọng lời khẩn cầu gì gì đó của chị ta sẽ đến tai bà Chúa và bà sẽ ban lộc cho tôi, tôi đành rút tiền trả và chuồn ra chỗ khác. Lúc này tôi mới để ý, trong đền có đến hàng trăm người làm “dịch vụ” khấn thuê dù trước điện có tấm biển to tướng: “Nghiêm cấm khấn thuê, cúng mướn”.
Bà Chúa là ai?
|
Theo truyền thuyết dân gian truyền tụng lại ở vùng Kinh Bắc thì bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, Bắc Ninh tên thật thế nào chả ai rõ. Bà vốn xuất thân trong một gia đình nghèo khổ ở thôn Cổ Mễ, nhưng do xinh đẹp và đức hạnh nên được nhà vua mời về cung lấy làm vợ. Sau đó vì nhớ nhà, bà được vua cho về lập đồn điền, lại giao cho giữ kho lương thực bên sông Cầu ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Sau khi bà hoá, người dân đã lập đền thờ ở nơi đây.
Cũng có một truyền thuyết khác về ngôi đền này là thờ bà Lý Chiêu Phong - con gái Vua Lý Thánh Tông và Hoàng hậu Thượng Dương, làm chủ kho binh lương ở núi Cổ Mễ. Bà tham gia chiến đấu chống quân Tống và anh dũng hy sinh tại mặt trận sông Như Nguyệt nên được phong thánh.
Thế nhưng trong chính sử chưa từng có bất cứ một dòng nào về việc bà Lý Chiêu Phong được giao coi kho quân lương giúp dân, giúp nước chống giặc. Lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc chỉ ghi nhận hai phụ nữ là bà chúa kho. Đó là Lý Châu Nương coi kho Phụng Thiên đã tự ải trong cuộc chiến với quân Nguyên – Mông, được vua Trần truy tặng “Quản trưởng Quốc khố Công chúa”. Nhân dân làng Giảng Võ (Hà Nội) – nơi sinh ra bà và Diễn Châu (Nghệ An) – nơi bà đóng quân đều lập đền thờ tôn bà làm phúc thần, tức gọi bà Chúa Kho.
Người thứ hai là nàng Bạch Hoa được cha là quan Vệ uý giao cho coi kho thành Nam Định đời Vua Tự Đức chống Pháp xâm chiếm nước ta. Bà tử trận trong trận đánh tháng 12.1873 ở thành Nam Định và được Vua Tự Đức xét công phong tặng “Tiết liệt Anh phong giám thương Công chúa”, hạ chiếu xây miếu thờ ở chân Cột cờ thành Nam và được phong làm bà Chúa Kho.
Thế nhưng sức mạnh của niềm tin dân gian vẫn lớn hơn chính sử và hẳn là cái kho “tiền- vàng” ở Cổ Mễ là vô tận nên bà Chúa Kho ở đây mới có đủ để “ban phát” thoải mái cho tất cả mọi người vì bất kỳ ai đến xin lộc hay vay mượn bà bao nhiêu cũng đều hết sức hỉ hả khi ra về. Chả biết trên thực tế, cái thứ tiền âm phủ các con nhang, đệ tử cúng cho bà, bà có nhận được không và bà sẽ ban lại lợi lộc gì cho họ, chỉ biết mỗi ngày hàng chục tấn vàng mã trị giá cả trăm triệu đồng bị hỏa thiêu tại đây. Đó là chưa kể tới tiền xăng, tiền ăn ở, đi lại của con dân lãng phí không thể kể xiết.
Theo Lao Động
Bình luận (0)