Tôi may mắn được các anh gật đầu cho tham gia một chuyến đi làm... thám tử tư!
Nhập môn
Để được tham gia, tôi phải học qua một lớp huấn luyện cấp tốc để nhập môn. Nói là khóa học cho nó oai, chứ thật ra là trong một chầu càphê tôi mời, các anh bắt đầu thuyết trình chỉ giáo cho tôi những điều phải làm, để gia nhập một cuộc đi làm thám tử.
Các thám tử tư với cái nghề tay trái này, đa số trong các anh là bộ đội xuất ngũ, nhiều anh từng là trinh sát trong chiến trường Campuchia, võ thuật lão luyện, sự nhanh nhạy đáng tin cậy vào bậc cao thủ khi gặp sự cố. Các anh dặn tôi không được nêu tên, bởi cái nghề này tuy xã hội rất cần, nhưng pháp luật thì chưa cho phép hoạt động chính thức, công khai.
Nhưng cũng không thể nói, cái nghề của các anh là trái pháp luật, bởi nguyên tắc đầu tiên của thám tử tư đất Sài thành là không được làm gì trái pháp luật, chỉ hoạt động trong khuôn khổ những quy tắc mà các anh đặt ra là không bao giờ đụng chạm đến thân chủ (khách hàng) cũng như đối tượng. Các anh vẫn hay đùa: “Nhìn bằng mắt thì chẳng có luật nào cấm, nên có lẽ nghề thám tử tư của tụi tôi chỉ có... nhìn thôi”.
Nhưng cái nhìn của thám tử tư cũng phải được đào tạo, những cặp mắt của trinh sát, lanh lợi và ẩn mình giữa đám đông, nơi công cộng, trong quán càphê hay bất cứ nơi nào mà đối tượng không biết đang bị... nhìn mới là điều khó. Do vậy, chỉ riêng “cái nhìn”, các anh thám tử tư phải giáo huấn cho tôi suốt hơn 30 phút đồng hồ.
Theo các anh, sợ nhất trong cái nghề này là làm lộ tung tích của mình, bị đối tượng phát hiện là “bể dĩa”, do vậy tôi phải nhẩm đi nhẩm lại chỉ riêng cái việc nhìn để bắt đầu được nhập cuộc làm thám tử.
Sau “cái nhìn”, là học cách thay đổi xiêm y, mỗi thám tử phải luôn mặc trong người ít nhất 3 cái áo màu khác nhau, trang bị ít nhất 2 cái mũ bảo hiểm sẵn sàng theo xe (xe gắn máy).
Chưa hết, bao giờ thám tử đi làm việc đều đi theo một nhóm ít nhất có 2 xe gắn máy trở lên, cứ một đoạn đường thì các thám tử phải đổi xe cho nhau, sau đó là thay đổi màu áo, mũ bảo hiểm... để tránh bị phát hiện. Và rất nhiều ngón nghề thám tử mà tôi được dặn dò rất kỹ trước khi tham gia vào cái “nghề” này.
Đơn đặt hàng… và vào cuộc
Sau khi đã qua “khóa huấn luyện” ngoài quán càphê, tôi chờ gần nửa tháng sau mới được các anh gọi điện thoại báo tin vừa nhận được đơn đặt hàng. Gọi là đơn đặt hàng nói cho oách, chứ chỉ là một lời nói miệng, thỏa thuận với nhau giữa khách hàng và thám tử trong vòng vài phút. Nghề thám tử ăn khách nhất vẫn là đơn đặt hàng “trỏ ghen”.
Các anh giải thích, “trỏ” là chỉ trỏ, còn “ghen” là mấy bà thấy sinh nghi ông chồng hay ong bướm mà không bắt quả tang được, hoặc ngược lại. Loại khách hàng này hiện thuộc hàng số 1, nhiều lúc các thám tử phải phân loại mới nhận đơn đặt hàng.
Ngoài “trỏ ghen”, các thám tử cho biết, cũng từng phá nhiều vụ sản xuất hàng giả, hàng nhái mà đơn đặt hàng đến từ các Cty, đơn vị sản xuất hàng chính hiệu. Sau khi thám tử theo dõi phát hiện nơi làm hàng giả, hàng gian báo với khách hàng, từ đó khách hàng có bằng chứng báo cơ quan chức năng phá án.
Lần đầu tiên tôi tham gia là một đơn đặt hàng “trỏ ghen” của một bà sồn sồn ngoài 40 tuổi ở Q.Bình Thạnh. Chỉ cần một tấm ảnh cỡ 3x4 của đối tượng, chi phí thanh toán theo thời gian, đoạn đường làm việc của thám tử tư, nói chung có vụ “trỏ ghen”, phía khách hàng chỉ tốn có vài trăm nghìn đồng do đối tượng “hoạt động” quá lộ liễu, dễ dàng phát hiện.
Nhưng có vụ đối tượng hoạt động bí mật, rất tinh vi và cẩn thận nên thám tử vất vả cả tháng trời mà chưa “trỏ” ra nơi ẩn nấp, hoặc để bắt quả tang, thì giá phải tính theo thời gian theo dõi.
Tuy nhiên, theo các thám tử tư, đa số loại “trỏ ghen” hoạt động rất dễ theo dõi và bắt quả tang tận nơi chỉ trong vòng vài lần bám đuôi, ngoài ra cần phải nắm bắt quy luật đi lại của đối tượng là “nắm được đuôi ngay”.
Tôi bắt đầu theo chân 3 thám tử tư trên 2 xe gắn máy, xuất phát từ Q.1. Địa điểm đến là một Cty ở Q.3. Chúng tôi chọn một quán cóc vỉa hè ngồi chờ đối tượng xuất hiện. Qua bức ảnh phía khách hàng đưa nhận diện, là một người đàn ông khá phốp pháp, mặt đen, tóc húi cao nhưng đã lốm đốm bạc. “Một gương mặt dễ nhận dạng”, một thám tử bảo.
10 giờ, trời bắt đầu nóng hầm hập, người ngoài đường phóng xe vội vã, người đàn ông có khuôn mặt trong bức ảnh bước ra từ trụ sở Cty, vẫy taxi. Ám hiệu của anh S (thám tử) là: “Mũ bảo hiểm của tao đâu rồi?”, có nghĩa tất cả chuẩn bị đeo bám đối tượng. 1 xe gắn máy đeo bám sát với xe taxi, 1 xe còn lại chạy một quãng khá xa, nhưng không để mất dấu xe trước.
Cứ qua một vài đoạn đường, 2 xe đổi vị trí cho nhau. Đường phố nóng hầm hập, người xe đông kín, nhất là qua các chỗ có “lô cốt”, xe gắn máy có thể len lỏi chạy nhanh qua được, nhưng xe taxi phải bò từng tí một, mà cứ rề rề ngay sau đít xe taxi rất dễ bị phát hiện, hoặc người đi đường mắng vì cản trở giao thông...
Chiếc taxi chở đối tượng dừng lại trước một quán càphê tại góc đường 3.2 và Cao Thắng, Q.10. Chúng tôi dừng xe bên kia góc đường, người đàn ông vào quán... Nhưng bên trong lại là một tốp đàn ông khác ngồi cùng đối tượng. Buổi đầu tiên của tôi đi làm thám tử chưa có kết quả.
Liên tiếp 2 hôm sau, cuộc đeo bám vẫn diễn ra miệt mài, có lúc tôi thấy mệt mỏi và nghi ngờ đối tượng đã phát hiện có “đuôi”. Cũng quán càphê cũ, có lúc ông ta ngồi một mình nhiều giờ liền rồi ra về. Đến chiều thứ sáu, tức sau 4 ngày đeo bám, tôi mới thấy đối tượng này khá cẩn thận và tinh vi. Ông ta đi ra từ Cty bằng xe gắn máy tay ga, rồi đến một siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận gửi xe vào đó.
Không đi siêu thị mua sắm, đối tượng vẫy xe taxi hướng về Q.Gò Vấp. Đến đường Quang Trung, trước chợ Hạnh Thông Tây mới, đối tượng lại xuống xe taxi, tiếp tục đón xe ôm chạy vù vào con hẻm sâu bên trong khu dân cư. Tốp thám tử liên tục phải thay đổi biện pháp đeo bám, tôi cũng phải khổ sở làm theo.
Ngôi nhà có cổng rào lớn hiện ra, bên trong là một cái sân khá lớn với phía sau là một ngôi nhà cấp 4. Cánh cổng mở ra gấp gáp, rồi đóng sầm lại.
Vẫn chưa “phá án”, anh S ra hiệu cho chúng tôi ghé quán càphê đầu hẻm, gần ngôi nhà. Vừa càphê, vừa trò chuyện với chủ quán để tìm hiểu đối tượng vào đấy làm gì. Anh S quyết định móc điện thoại “Alô...”. Hợp đồng kết thúc.
Đối tượng có gia đình 2 con trai đã lớn, nhưng trong ngôi nhà mà thám tử tư theo dõi phát hiện chính là nhà của đối tượng sống lén lút cùng vợ bé, cô vợ bé đã sinh con một cách âm thầm.
Sau lần “trỏ ghen” ấy, vài ngày sau, các thám tử lại gọi tôi tham gia một hợp đồng dài hơi... đi tỉnh. Tôi háo hức tham gia khăn gói lên tận Tây Ninh để theo đối tượng. Hợp đồng lần này là một người phụ nữ đang lao động ở nước ngoài, bà ta làm việc vất vả nhưng cứ gửi tiền về cho chồng thì ông chồng lại đem đi bao gái. Để có bằng chứng, thám tử tư vào cuộc.
Không cần “trỏ”, mà chỉ cần chụp ảnh làm bằng chứng là xong hợp đồng. Đi ngoài tỉnh, cuộc đeo bám đối tượng gặp không ít khó khăn hơn trong nội thành, đó là đối tượng xài xe ôtô, phóng như bay, chúng tôi thì đi xe gắn máy đã là một cuộc “đọ sức” không cân bằng.
Để chụp được cảnh 2 người tình tứ, chúng tôi rượt đuổi theo xe ôtô của đối tượng trên quốc lộ đi về một khu vườn ở tận Bình Dương suốt một buổi và trên đường đã không dưới vài lần thám tử tư bị CSGT “vịn” lại vì vi phạm tốc độ.
Nhưng bù lại, những bức ảnh cũng không mấy khó khăn đối với thám tử tư, vì đối tượng ăn, ở, đi chơi với người tình một cách công khai!
Thế đấy, nghề thám tử tư vẫn âm thầm sôi động ở đất Sài thành. Có khá nhiều người tham gia, nhưng họ đều làm “nghề” không chính thức, không phô trương, dù khách hàng rất nhiều!
Theo Lao Động
Bình luận (0)