Về nơi nói dóc nhất miền Nam

22/01/2012 15:15 GMT+7

Địa danh Lung Tràm, Khánh Hải, U Minh không xa lạ với những ai đã đọc truyện cười bác Ba Phi. Những mẩu chuyện đơn sơ, mộc mạc gắn với đồng bưng, sản vật U Minh có phần cường điệu (nói dóc) đã được mọi người biết đến.

Bác Ba Phi cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” vào năm 2003. Tuy nhiên, chuyện đời của nghệ nhân này và những đứa con, cháu bây giờ sinh sống ra sao không phải ai cũng biết.

Một con người trung thực, khẳng khái

Lâu nay người ta nghe truyện cười Ba Phi cứ ngờ rằng ông là người hay nói dóc. Kỳ thật Ba Phi luôn là con người khẳng khái, mực thước và nghiêm khắc. Đã hứa là làm, hoàn toàn không dóc láo gì cả.

Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884 tại Rạch Mũi, Cái Nước, Cà Mau; mất năm 1964 tại Lung Tràm, U Minh, Cà Mau; thọ 80 tuổi. Sinh ra trong gia đình có 5 anh em, Ba Phi là con trưởng, ở miền Nam gọi là thứ hai (Hai Phi) trong một gia đình họ tộc dưới triều Nguyễn, nhưng không mấy thân Nguyễn. Chính vì vậy gia đình ông bỏ xứ ra đi, chèo chống đến miệt U Minh rừng thiêng nước độc để mưu sinh. Năm 15 tuổi, cha mất, Hai Phi phải gánh vác mọi chuyện trong gia đình. Ở tuổi 17, Hai Phi có sức mạnh hơn người và rất chịu khó làm việc. Những người lớn tuổi kể rằng, Hai Phi làm việc rất giỏi, phát cỏ một càng đến hai công, trong khi trai tráng trong làng giỏi lắm chỉ được 1 công đất.

Lớn lên, Hai Phi bị Pháp bắt đi lính lê dương và từng ở Pháp đến 5 năm, rồi quay sang Xiêm La, bỏ trốn về U Minh. Thấy Hai Phi khỏe mạnh, thật thà, lại biết tính toán làm ăn, Hương quản Tế nhận vào làm công, dần dà cảm thông nên gả con gái là Trần Thị Lữ (thường được gọi là cô Ba Lữ). Lấy cô ba, Hai Phi được gọi là Ba Phi (gọi theo nhà vợ), cái tên Ba Phi chính thức xuất hiện từ đó. Dù mang tiếng lấy vợ, nhưng Ba Phi phải ở rể nhà vợ đúng 3 năm mới được gần gũi với người kề cận trăm năm với mình.

Thương chàng rể siêng năng và biết con gái mình kém nhan sắc, Hương quản Tế ưu ái cắt đất cho vợ chồng Ba Phi nhiều hơn người khác. Tương truyền đất của Ba Phi đến 500 mẫu, kéo dài từ huyện lộ Trần Văn Thời - Sông Đốc, giáp với ấp Lần Ranh ra tới biển Tây bây giờ. Đất đai được cho là những cánh rừng với muôn thú dữ dằn, lau sậy, tràm mọc quanh năm. Ba Phi khẳng khái, đối xử với gia đình tử tế nên được mọi người ủng hộ đào kênh xẻ từ ruộng ra đến cửa biển để giao thương, mua bán với những ghe tàu Xiêm La cập bến. Từ đó có tên kênh Lung Tràm bây giờ.

Ở với cô Ba Lữ được 5 năm, nhưng không có con, đêm đêm Ba Phi kéo đờn cò nghe não nuột. Cầm lòng không đậu, cô Ba Lữ bàn cách cưới vợ cho chồng. Lúc đầu Ba Phi không đồng ý, nhưng nghe vợ nài nỉ mãi ông mới chịu ưng một cô tên là Cà Cham (người dân tộc Khmer). Rước về được vài năm, cô sinh hạ 3 mặt con thì qua đời ở tuổi 24. Thời gian này Ba Phi thường thay mặt Hương quản Tế chở cá đi bán ở Tiền Giang. Ông quen với con của ông chủ vựa cá và bà này sinh hạ cho ông một đứa con trai tên Nguyễn Tứ Hải, rồi bỏ ông về quê. Vì vậy tiếng là 3 vợ, nhưng khu mộ của ông hiện tại ở ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, ông nằm giữa, kề bên là hai bà: Lữ Thị Cham và Trần Thị Lữ.

Đất đai nhiều, nhưng khi cách mạng cần để vừa sản xuất vừa chiến đấu, Ba Phi hiến cho cách mạng (trước năm 1945), chỉ giữ lại hơn 50 công để làm ruộng sinh sống. Chuyện hiến đất của ông cũng làm cho lắm người cười nghiêng ngả vì cái tính tiếu lâm của mình.

 


Căn nhà đơn sơ làm nơi thờ tự bác Ba Phi cũng bị các cháu của ông tranh chấp - Ảnh: N.H

Thông minh, dí dỏm

Tại hội thảo quốc tế về chuyện cười dân gian Ba Phi được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) tổ chức năm 2002, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, giá trị nghệ thuật của truyện cười Ba Phi mang đậm phong vị của làng quê Nam Bộ. Tiếng cười sảng khoái vui tươi, gắn chặt với đồng ruộng, chim muông, cây rừng; không châm chọc, đả kích các tầng lớp thống trị, nhưng không vì vậy mà giá trị nghệ thuật không cao.

Đó là những chuyện sáng ra thấy le le tập thể dục đông vô kể; cọp vào nhà ăn gia súc bắt xay lúa, tàu rùa chạy nhanh như tàu máy, con rắn hổ mây tát nước khô cả đìa cá, lúa nở dưới nước, nếp dẻo đến mức treo được con chó trên xiên nhà, chim chóc bay rần rần che mát cả góc trời, chim nhiều đến mức cả xóm đuổi riết bị khàn cổ hết trọi, chuột thì vừa chắp tay ra sau đít vừa hứng lúa, cá rô ăn xoài hoài bởi vậy nấu canh chua không cần dầm me... Chuyện kể của bác Ba Phi về sản vật vùng Lung Tràm, vùng đất U Minh cái gì cũng lớn, cũng to, cũng vĩ đại.

Nào có phải xa xôi gì đâu. Chính mảnh đất U Minh này sản vật muôn loài, tôm cá nhiều vô kể. Đến cuối thế kỷ 19 người dân nơi này hoàn toàn không nuôi cá đồng. Cá thiên nhiên cứ mặc tình xuống bắt; chim trên trời tối tối bay về đậu trên cành cây, trứng từ tổ rớt xuống mặc tình ăn. Đó là hiện thực của rừng U Minh.

Tuy nhiên, bác Ba Phi cũng tỏ ra người ứng xử khá thông minh. Chú Út Búp - cháu bác Ba Phi - kể: Có lần Ba Phi đi rừng về, mấy đứa nhỏ trong xóm bu lại đòi kể chuyện chơi. Bác Ba nghiêm mặt: Nói chơi cái gì, tao tức muốn chết đây nè. Hồi nãy phát hiện được con trăn bề ngang đến mấy sải luôn. Thấy bác Ba nói hơi quá, vợ khều nhẹ. Có người hỏi: Vậy chiều dài nó bây nhiêu. Ba Phi trả lời: Cũng vài sải. Vậy con trăn vuông à! Đâu có, hồi nãy nó dài lắm, tại bác gái mày khều nó đứt hết mấy khúc rồi, không tin hỏi bác gái bây coi. Vậy là ai cũng cười vang. Hay như chuyện “ôm cổ rắn” có người nghe vặn vẹo: “Bác Ba ôm cổ rắn té bảy ngày bảy đêm mới tới đất, vậy trong mấy ngày đó bác ăn gì để sống”. Bác Ba trả lời tỉnh rụi: “Thì lâu lâu tắp vô nhà người ta xin cơm, nước uống rồi... té tiếp!”.

Thật thà, pha chút dí dỏm nên chuyện hiến đất của bác Ba cũng làm cho nhiều người cười đến chảy nước mắt. Khi được vận động hiến đất cho cách mạng, đầu tiên bác Ba tuyên bố hiến 200 mẫu, ở dưới người ta vỗ tay rần rần; cao hứng bác Ba tuyên bố hiến thêm 300 mẫu nữa. Tràng pháo tay lớn hơn, kéo dài hơn. Khoái chí bác Ba hiến thêm vài trăm mẫu nữa. Khi anh thư ký cộng lại số đất bác Ba hiến gấp nhiều lần số đất hiện có khiến ai cũng cười.

Và những sự thật đến tê lòng

Bây giờ con đường về quê bác Ba Phi đã được trải nhựa bêtông, nhựa bóng đàng hoàng. Thuận tiện cho xe ôtô đi lại cả 2 mùa mưa nắng. Từ Cà Mau đến thị trấn Sông Đốc khoảng hơn 20km. Từ thị trấn men theo đường về Sông Đốc khoảng 15km, thấy ngã rẽ vào xã Khánh Hải thì quẹo vào. Lung Tràm cách UBND xã Khánh Hải khoảng 5km. Tất cả đều đường nhựa. Duy chỉ nơi bác Ba Phi ở là hoang sơ đến không tưởng tượng nổi. Khu mộ nằm trên đất của bác Ba vẫn vậy, thiếu sự chỉn chu chăm sóc. Ngôi nhà nhỏ nằm bên đường dẫn vào khu mộ thường xuyên vắng chủ, bàn thờ thiếu khói hương. Tôi cứ nghĩ Cà Mau đã bỏ quên một nghệ nhân dân gian có một không hai, hóa ra không phải.

Bà Nguyễn Thị Dung - cháu nội của bác Ba Phi - kể: “Tôi là con của ông Nguyễn Tứ Hải, dòng con thứ ba của ông nội tôi. Chúng tôi có tất cả 5 người con, gồm: Tôi, Nguyễn Thị Dung; Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Mỹ Lệ, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Quốc Chiến, nhưng không được thuận thảo. Hiện tại trong gia đình đang tranh chấp đất với nhau. Mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Anh chia đất đai không đồng đều nên còn tranh chấp”. Chính việc nội bộ gia đình tranh chấp đã làm chậm tiến độ xây dựng khu trưng bày, tưởng niệm tại khu di tích bác Ba Phi của tỉnh Cà Mau.

Khi nghe tôi đề cập đến khu di tích còn hoang sơ quá, chưa khai thác hết tiềm năng, anh Nguyễn Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời - ngậm ngùi: “Thật tình tui rất buồn về chuyện này. Là lãnh đạo ở địa phương mà không giải quyết chuyện tranh chấp được. Thẩm quyền của xã chỉ hòa giải rồi thôi. Tôi rất xót xa khi có khách đến thăm ghé vào nhà muốn nghe lại những câu chuyện xưa của vùng đất U Minh huyền thoại thì được lái sang câu chuyện tranh chấp đất đai trong nội bộ gia đình”.

Chuyện tranh chấp đất đã kéo dài gần 10 năm, nay đã được TAND thụ lý, nhưng vẫn chưa đến hồi kết. Khu di tích đã định vị, nhưng buộc phải tạm ngừng. Theo Sở VHTTDL Cà Mau, đầu năm 2012, sở cho tiến hành xây dựng trước nhà lưu niệm, ở phần đất gia đình thống nhất hiến 3.000m2, còn các phần còn lại sẽ được xây dựng sau.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.