Phụ trách công trường Formosa: Không có chuyên môn, chỉ học mò

16/12/2015 17:31 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Thái Đức khai trước tòa chưa có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn, tự mò mẫm học cách vận hành kích thủy lực của giàn giáo nhưng vẫn phụ trách công việc này tại công trường Formosa.

Bị cáo Nguyễn Thái Đức khai trước tòa chưa có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn, tự mò mẫm học cách vận hành kích thủy lực của giàn giáo nhưng vẫn phụ trách công việc này tại công trường Formosa.

Chiều nay (16.12), phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa (Hà Tĩnh) bước sang phần thẩm vấn, xét hỏi. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tọa phiên tòa đã thẩm vấn, xét hỏi bị cáo Nguyễn Thái Đức (30 tuổi, ngụ tại Hà Tĩnh).
Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Đức khai, khoảng 19 giờ ngày 25.11, Đức cùng với bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, quê Quảng Bình) và anh Trần Anh Hoàn (28 tuổi, ngụ ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh; 1 trong 13 nạn nhân tử vong trong vụ sập giàn giáo) thuộc tổ phụ trách tại công trường, đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành giám sát của 2 cán bộ kỹ thuật người Hàn Quốc là ông Kim Jong Wook, Chỉ huy trưởng công trường và ông Lee Jae Myeong làm đốc công.
Bị cáo Đức thừa nhận là người trực tiếp phụ trách kích thủy lực từ số 17 đến số 32 tại giàn giáo Lane 2 nhưng trước đó bị cáo chưa từng được học trường lớp nào về kỹ thuật điều khiển kích thủy lực, chưa có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực này. Đức thừa nhận, chỉ mò mẫm học điều khiển kích thủy lực giống như cách một người chưa biết sửa xe máy, mò mẫm dần rồi thành quen và biết.
Sap-gian-giaoBị cáo Nguyễn Thái Đức trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa - Ảnh: Phạm Đức
Khi tòa hỏi nhận biết được giàn giáo mất an toàn từ khi nào, bị cáo Đức trả lời: “Khoảng 19 giờ 20, lúc bị cáo đang làm việc tại công trường thì bất ngờ giàn giáo Lane 2 phát ra tiếng động mạnh kèm theo rung lắc. Qua kiểm tra, bị cáo thấy kích thủy lực số 22 và 24 tại Lane 2 bị tụt xuống 5 - 6 cm so với bình thường và một số kích khác cũng bị tụt xuống. Bị cáo Đức, Tuấn và anh Hoàn đã tự ý xử lý bằng cách nâng cho hai kích thủy lực số 22 và 24 lên cân bằng với các kích thủy lực khác rồi tiếp tục điều khiển các kích thủy lực khác cho giàn giáo Lane 2 hạ xuống. Lúc này toàn bộ công nhân đã phát hiện ra sự cố rung lắc của giàn giáo và đã bỏ chạy toán loạn khỏi khu vực nguy hiểm”.
Chủ tọa cho rằng khi kích 22 và 24 tụt xuống từ 5 - 6 cm sẽ khiến cho giàn giáo lệnh hẳn so với bình thường, tự ý nâng 2 kích này lên mà không báo cáo cho người chỉ đạo, điều hành giám sát tại công trường là ông Wook và ông Myeong là thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật. Bị cáo Đức cho biết, hạ kích thủy lực như trên đã từng được các cán bộ kỹ thuật người Hàn Quốc hướng dẫn.
Bị cáo Đức cũng khai thêm, khoảng 10 phút sau, lúc toàn bộ công nhân đã trở lại làm việc bình thường thì giàn giáo Lane 2 tiếp tục rung lắc kèm theo tiếng động phát ra ở thân giàn nên công nhân tiếp tục bỏ chạy. Qua kiểm tra, bị cáo Đức và Tuấn phát hiện kích thủy lực số 15 và 16 bị tụt xuống khoảng 15 cm so bình thường nhưng vẫn không báo cho ông Wook và ông Myeong biết về sự cố mà tự ý nâng 2 kích này lên ngang bằng với các kích khác theo cách làm cũ.
Chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp: “Tại sao bị cáo không biết nhiều về quy trình kỹ thuật vận hành giàn giáo nhưng khi sự cố giàn giáo xảy ra lại không thông báo cho người có chuyên môn kỹ thuật và có trách nhiệm chính tại công trường mà tự ý cùng với 2 người khác nâng, hạ giàn giáo”. Bị cáo trả Đức trả lời: “Bị cáo cứ nghĩ là không vấn đề gì nên đã tự xử lý”.
“Bị cáo có biết như vậy chủ quan, cẩu thả, quá tự tin, quá bàng quan dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Làm công việc đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề chuyên môn cao chứ có phải xúc cát, xúc đất đâu mà không báo rồi tự ý làm”, chủ tọa truy. Bị cáo Đức cúi mặt, im lặng một lát rồi mới nói: “Bị cáo biết rõ đây là lỗi nghiêm trọng của mình”.
Trả lời thẩm vấn của tòa, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cũng khai khi kích thủy lực bị tụt, bị cáo cũng tự ý điều chỉnh và không báo cáo với ông Wook và ông Myeong.
19 gia đình nạn nhân yêu cầu hỗ trợ, bồi thường thêm thiệt hại
Tại phiên xét xử, đại diện của Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, sau khi vụ tai nạn lao động xảy ra, Công ty Samsung C&T (nhà thầu chính) và Công ty Nibelc Việt Nam (nhà thầu phụ, đơn vị cung cấp nhân lực cho nhà thầu chính) đã hỗ trợ, bồi thường kịp thời cho gia đình 13 công nhân tử vong và 29 công nhân bị thương. Công ty Samsung C&T đã hỗ trợ, bồi thường gần 8,5 tỉ đồng (5,2 tỉ đồng cho 13 công nhân tử vong và gần 3,3 tỉ đồng cho 29 công nhân bị thương). Công ty Nibelc Việt Nam đã hỗ trợ, bồi thường số tiền hơn 1,2 tỉ đồng (780 triệu đồng cho 13 công nhân tử vong và 426 triệu đồng cho 29 công nhân bị thương).
Hiện nay vẫn còn 9/13 gia đình công nhân tử vong và 10/29 gia đình công nhân bị thương tiếp tục yêu cầu Công ty Samsung C&T và Công ty Nibelc Việt Nam hỗ trợ, bồi thường thêm thiệt hại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.