Khu rừng tự nhiên này rộng chừng 200 ha, cách trung tâm xã chừng vài cây số và nằm ngay trên đường ĐT643. Nằm giữa khu rừng là di tích di tích lịch sử quốc gia Hội trường Mùa Xuân thuộc thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa (Phú Yên).
Đây là di tích nằm trong quần thể khu di dích lịch sử quốc gia, căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ, đã được Bộ VH-TT-DL cấp bằng xếp hạng năm 2008.
|
Từ xa nhìn vào, đã thấy khu rừng này bị xâm hại. Một vạt rừng rộng lớn đã bị đốn hạ, phát dọn trắng và đốt trụi. Đến nơi, thấy dưới mặt đất đã trồng cây keo con và có nhiều cây lớn bị đốn hạ nhưng chưa kịp đốt.
|
Đi sâu vào bên trong, qua khu vực di tích lịch sử quốc gia Hội trường Mùa Xuân, phóng viên phát hiện một con đường mà lâm tặc đã phát dọn để chuyển cây gỗ từ trong rừng ra ngoài. Càng đi sâu vào trong, càng thấy có nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, một số cây đã bị lâm tặc chuyển ra ngoài, chỉ còn sót lại gốc.
|
Trong phạm vi chúng tôi đã đi qua, đếm được có chừng 20 cây rừng có đường kính lớn từ 30-70 cm bị đốn hạ. Lâm tặc còn để lại dấu vết hiện trường cách chuyển gỗ ra bên ngoài là dùng xe gắn máy độ chế, gắn dây cáp thép để tời kéo gỗ tập kết về khu vực suối Hội trường (theo tên gọi của người địa phương) để từ đó vận chuyển đi nơi khác.
|
Ông Đoàn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, H.Sơn Hòa, cho biết khu rừng xung quanh khu di tích lịch sử quốc gia Hội trường Mùa Xuân là rừng tự nhiên, nhưng chức năng của nó là rừng sản xuất. Tuy nhiên, rừng này được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong số này, có 8 ha nằm gần quần thể di tích được giao cho Phòng VH-TT H.Sơn Hòa quản lý, còn lại là do UBND xã Sơn Long quản lý, bảo vệ.
Cũng theo ông Hải, thời gian gần đây, lợi dụng dịch bệnh, lâm tặc đã xâm hại rừng khu rừng này. Trong ngày 8.7, qua kiểm tra tại khoảnh 6, tiểu khu 173, kiểm lâm địa bàn cùng cán bộ lâm nghiệp xã Sơn Long đã phát hiện lâm tặc đã khai thác 6 cây gỗ lớn có đường kính từ 40-70 cm, dài 15 m thuộc chủng loại gỗ giẻ và tạp, 2 cây đã bị xẻ thành ván vận chuyển ra khỏi khu vực, 4 cây còn tại hiện trường.
Ngày 4.9, UBND xã Sơn Long tổ chức tuần tra tại tiểu khu V3.4 thì phát hiện thêm 2.100 m2 rừng nguyên sinh bị chặt hạ hoàn toàn. "Những năm qua, UBND xã phối hợp với một cán bộ kiểm lâm địa bàn để quản lý rừng, nhưng lâm tặc lợi dụng phá rừng vào ban đêm, trong khi lực lượng cán bộ xã mỏng, rất khó kiểm soát được", ông Hải giãi bày.
|
Trong khi đó, ông Tạ Ngọc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Sơn Hòa, cho biết đơn vị đã biết thông tin về các vụ phá rừng và yêu cầu kiểm lâm địa bàn kiểm tra thực tế một số vị trí. Trong ngày 9.9, kiểm lâm kết hợp chính quyền địa phương tiếp tục đi kiểm tra, thống kê diện tích rừng bị phá, có biện pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tại khu vực này. Hiện diện tích rừng trên địa bàn rất lớn, trong khi chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn quản lý rừng từ 2 đến 3 xã nên rất khó kiểm soát.
|
Ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết trong thời điểm địa phương căng mình phòng chống dịch Covid-19, các đối tượng đã xâm nhập khai thác rừng trái phép. UBND H.Sơn Hòa đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng.
Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn H.Sơn Hòa xảy ra nhiều vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng với diện tích 70,9 ha. Trong chuyến kiểm tra rừng bị phá ở xã Sơn Hội (H.Sơn Hòa) mới đây, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã chỉ đạo Công an tỉnh Phú Yên vào cuộc điều tra, xác minh các vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng trên địa bàn H.Sơn Hòa để xử lý theo quy định pháp luật.
|
Bình luận (0)