Quà của ni sư Tâm Nguyệt đến với vùng lũ

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
16/10/2020 07:12 GMT+7

Số tiền, hàng mà ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt (trụ trì chùa Phổ Hiền, Bà Rịa-Vũng Tàu) thông qua Báo Thanh Niên chuyển đến bà con vùng lũ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam... trong dịp này lên hơn 1 tỉ đồng.

Chiều 14.10, qua điện thoại, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt thông báo với PV Thanh Niên rằng tính đến hiện tại, bà đã vận động được 4 đợt cứu trợ cho đồng bào miền Trung gặp lũ lụt. Theo đó, đợt 1 là 200 triệu đồng tiền mặt đã được Thanh Niên đi trao cho bà con vùng lũ thuộc các tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị trong các ngày 11 và 13.10; đợt 2 gồm 2.700 thùng mì tôm, 60 thùng sữa, 30 thùng bánh; đợt 3 gồm 1.500 thùng mì tôm, 100 thùng bánh; đợt 4 gồm 5.000 thùng mì tôm, 20 tấn gạo, 400 thùng nước... Theo ni sư Tâm Nguyệt, hàng đợt 2 đã tới Huế, còn hàng các đợt còn lại sẽ lần lượt lăn bánh từ TP.HCM trong các ngày 16 và 17.10. Tổng cộng các đợt hàng là gần 10.000 thùng mì, 20 tấn gạo.

Nguy cơ lũ lụt quay lại miền Trung trong 10 ngày tới

Thông qua Báo Thanh Niên, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt gửi lời cảm ơn tấm lòng của quý phật tử gần xa của chùa Phổ Hiền (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đặc biệt, cảm ơn chị Hà Thị Hà Phương (Công ty vận tải Xuân Thanh, 31A Trần Nguyên Hãn, P.Thuận Hòa, TP.Huế), người đã nhận vận chuyển tất cả số vật phẩm từ thiện nêu trên từ TP.HCM ra miền Trung và chở đến từng địa điểm phát quà, mà không lấy tiền xăng xe, lộ phí.
Đúng hẹn, sáng 15.10, PV Thanh Niên đã đón được xe hàng từ thiện để mang đi trao tặng cho người dân các vùng ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. 400 suất quà, mỗi suất gồm 1 thùng mì tôm, 2 bịch sữa, 2 gói bánh được chất đầy trên 1 chiếc xe tải.
Tại Thừa Thiên-Huế, đoàn thiện nguyện đã đến chùa Bồ Điền và chùa Đông An (cùng ở xã Phong An) và chùa Điền Xuân (xã Phong Xuân, H.Phong Điền), lần lượt trao mỗi nơi 100 suất quà.
Tại Quảng Trị, xã Triệu Đại (H.Triệu Phong) là địa chỉ mà đoàn thiện nguyện tìm đến. Trên ngả đường đổ về xã vùng trũng này, dù nước đã rút đi phần nhiều, nhưng trên những bức tường và cây cối, dấu vết của trận lũ lớn vẫn còn đó. Ở trụ sở UBND xã Triệu Đại, khi chúng tôi đến, bà con địa phương đã đứng ngồi đầy sân. Hẹn bà con 10 giờ 30 phút, chúng tôi đến đúng giờ, nhưng hẳn mọi người có lẽ không muốn lỡ mất phần hàng cứu trợ, nên đã đến sớm hơn. “Chúng tôi làm nông mà lụt thì heo gà chết, lúa thì ngâm nước, rau màu ngập úng hết… nên nhà đâu còn gì ăn. Có mì tôm, có bánh, có sữa… là tốt rồi”, ông Lê Quang Lâm (60 tuổi), một người dân địa phương, nói.
Trong khi đó, theo anh Nguyễn Ngọc Tâm, Bí thư Xã đoàn Triệu Đại, bà con ở đây chưa lụt đã khổ, huống hồ lụt. “Dù thế, các nguồn lực cứu trợ có hạn nên chúng tôi cũng phải bình xét những hộ khó khăn hơn để nhận quà trước. Các hộ ít khó khăn hơn, chúng tôi sẽ cân đối, nếu có những đoàn cứu trợ sau”, anh Tâm cho hay. 12 giờ trưa, khi những phần quà cuối cùng được phát hết, chúng tôi gọi điện báo cho vị ni sư tốt bụng từ phương xa. Bà vui vẻ cảm ơn và cho biết: “Quà cho dân vùng lũ của sư còn 2 đợt nữa, đợt sau nhiều hơn đợt trước, nhờ mấy chú Báo Thanh Niên cả đó!”.
Với một bạn đọc, với một ni sư có tấm lòng như sư Tâm Nguyệt, khó ai phụ lòng khi được bà gửi gắm...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.