Sáng 13.8, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị 7 tháng, chủ yếu xoay quanh vấn đề phát triển điện gió ồ ạt ở vùng rừng núi phía tây Quảng Trị, ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh đã chuyển đổi 148 ha rừng (không có rừng tự nhiên) để xây dựng 29 dự án điện gió ở H.Hướng Hóa; không có chuyện phá rừng làm điện gió, có chăng là trong quá trình thực hiện chủ đầu tư đã vi phạm, nhưng qua kiểm tra diện tích vi phạm không đáng kể.
Về an ninh trật tự, trung tá Kiều Đức Tính, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, thừa nhận các “điểm nóng” tại các công trường điện gió là có thật, xoay quanh mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư.
Trong khi đó, ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng hiệu quả của việc phát triển điện gió đến rất rõ với nền kinh tế Quảng Trị, dù đâu đó vẫn còn đôi chút hệ lụy, nhưng xét cho cùng “cái được vẫn nhiều hơn cái mất”.
Ông Đồng cho biết hiện các dự án đang thi công nên không tránh khỏi những ảnh hưởng đến người dân và môi trường, gây nguy cơ sạt lở, tỉnh sẽ chỉ đạo chấn chỉnh, tuy nhiên khi các dự án hoàn thành, tỉnh sẽ yêu cầu các chủ đầu tư trả lại màu xanh cho đất thông qua chương trình trồng 1 tỉ cây xanh; 80 km đường mà các chủ đầu tư làm để vận chuyển thiết bị sẽ trở thành những con đường dẫn đến từng thôn bản...
Tương tự, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tái khẳng định phát triển điện gió ở miền tây Quảng Trị là chủ trương đúng, đưa lại lợi ích về kinh tế - xã hội, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, ít tác động đến môi trường. Theo ông Hưng, 1 MW điện gió chỉ chiếm hơn 0,6 ha nhưng đem lại 700 triệu đồng/năm cho ngân sách.
Vùng phía tây Quảng Trị chưa phát triển thì đây là cơ hội. Về những lo ngại về môi trường, tỉnh đã giao Sở TN-MT chủ trì thực hiện đề án đánh giá tác động môi trường, báo cáo sơ bộ với tỉnh vào đầu năm 2022. Tuần tới, tỉnh cũng sẽ tổ chức hội nghị về giải pháp chống sạt lở đất cho các dự án điện gió tại H.Hướng Hóa.
Bình luận (0)