Quay quắt nơi ‘chợ người’

02/03/2014 09:00 GMT+7

Không chỉ đến từ ngoại tỉnh mà ngay cả người dân sống tại thủ đô, thậm chí sinh viên, cử nhân cũng kiếm sống tại các chợ lao động ở Hà Nội.

Không chỉ đến từ ngoại tỉnh mà ngay cả người dân sống tại thủ đô, thậm chí sinh viên, cử nhân cũng kiếm sống tại các chợ lao động ở Hà Nội.

Quay quắt nơi ‘chợ người’
Ngóng người tới thuê mướn - Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiều năm trước, ngày cao điểm một lao động ở chợ lao động cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây khi kinh tế khó khăn, nhiều người đứng chùn cả chân mà chẳng kiếm đủ tiền mua ổ bánh mì cầm hơi qua ngày.

Người thủ đô cũng góp mặt

Trong những ngày rong ruổi khắp các khu chợ lao động từ chợ Đồng Xa, Dịch Vọng, Bưởi đến chợ Mai Động, Cầu Bươu... tôi gặp không ít lao động tự do là người thủ đô Hà Nội. Họ tới từ các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn... Mẫu số chung cho lời giải đáp lý do gia nhập chợ lao động đều là hết đất, thiếu việc, đói ăn.

Đúng 7 giờ 15 sáng, xe cộ trên đường bắt đầu đông hơn, cũng là lúc anh Nguyễn Văn Đức (quê xã An Khánh, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội) cùng hơn chục người đàn ông trong làng bắt chuyến xe buýt vào nội thành. Điểm đến của họ là khu chợ lao động nằm ngay dưới chân cầu vượt Dịch Vọng (điểm giao nhau giữa đường Xuân Thủy - Phạm Hùng). Thu mình trong chiếc áo rét “đại hạ giá” vừa sắm đợt trước tết, anh Đức giọng buồn buồn: “Tiếng là ở thủ đô nhưng ngày ngày vẫn ra đứng chợ người bán sức lao động như dân bao tỉnh khác. Chỉ hơn mỗi chỗ là tối được ăn cơm nhà, được nhìn mặt vợ con. Nhưng biết làm sao được, giờ không còn ruộng để cấy cày, cũng chẳng trẻ trung gì nữa để theo đuổi một cái nghề nào đó... nên chỉ biết bán sức lao động kiếm ít đồng đong gạo”.

Quay quắt, bạc mặt cả ngày đôi khi cũng chẳng có việc. Bởi thế, họ cứ phải ngóng trông và nuôi hy vọng như một chị kiếm sống ở “chợ người” tâm sự:  Ước gì chiều nay có ai tới thuê vợ chồng bốc mấy vạn gạch, để mai có tiền gửi về quê đóng học cho thằng út

Trước đây, An Khánh là một ngôi làng cổ, đồng ruộng thẳng cánh cò bay, nhưng rồi nhiều khu đô thị, dự án mọc lên, ruộng đất lần lượt bị thu hồi. Nhiều thôn trong xã, đất nông nghiệp bị thu hồi 100%, đơn cử như thôn Lũng Vân. “Với tiền đền bù gần chục sào đất, gia đình cất được ngôi nhà 4 tầng khang trang. Số tiền ít ỏi còn lại gia đình tậu chiếc xe máy để lấy cái đi lại và mua cho thằng cả chiếc công nông chở thuê vật liệu trong làng. Nhưng giờ xe công nông bị cấm lưu hành nên thằng cả lại vào nam làm công nhân. Còn mình ở nhà cũng phải động chân động tay thì mới sống nổi”. Mất ruộng, đồng nghĩa với việc người nông dân bị bần cùng hóa trên chính mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên. Vẫn theo lời anh Đức, không chỉ ở An Khánh, mà ở nhiều xã lân cận, những người có hoàn cảnh như anh không hiếm.

Tại chợ lao động Cầu Bươu, lẫn trong những người làm thuê tới từ các huyện ngoại thành Hà Nội, tôi gặp anh Đỗ Đức Hữu (43 tuổi, ở H.Ứng Hòa). Anh Hữu bảo đây đã là năm thứ 6 liên tiếp anh bươn chải kiếm sống kiểu này. Năm nay, ăn tết xong, từ ngày mùng 10 âm lịch, khi cậu lớn đi học lại, vợ anh Hữu cũng tất tả khăn gói cùng chồng vào nội thành gia nhập “đội quân” bán sức lao động. “Thằng bé ở nhà với ông bà nội, còn vợ chồng mình ra đây thuê nhà ở với thằng lớn. Ban ngày cháu đi học, còn vợ chồng mình ra chợ, ai thuê gì thì làm nấy. Đến tối mịt về ba người mới gặp nhau”, anh Hữu kể.

Cử nhân, sinh viên cùng bán sức

Cũng tại chợ Cầu Bươu, vừa thoáng thấy chiếc xe của tôi dừng ven đường, gần chục lao động vội chạy tới, vồn vã hỏi xem cần mướn ai, làm gì... Trong số họ, người khiến tôi để ý hơn cả là nam thanh niên có nước da trắng, khuôn mặt thư sinh. Đặc biệt, dù có người tìm đến thuê thì cậu thanh niên này cũng chạy ra cùng mọi người, nhưng lại chẳng bao giờ “chào hàng”. Cậu thanh niên tên Nguyễn Minh Tùng (quê H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội) là sinh viên một trường đại học có tiếng nằm trên địa bàn Q.Hai Bà Trưng (TP.Hà Nội). Tùng kể bố mẹ không may mất sớm nên cậu phải ở cùng người anh trai. Mới đây người anh trai lập gia đình, nên Tùng gần như phải tự lo trang trải cho cuộc sống sinh viên. Ngày đầu theo người chú ra chợ bán sức lao động, Tùng phải đeo khẩu trang, vì sợ bạn bè nhận ra. “Khổ, thằng bé nó có biết gì đâu ngoài sách vở. Vì vậy mỗi khi có việc, cái gì phải bốc vác, gánh gồng nặng nhọc thì anh em nhận làm, còn việc gì nhẹ nhàng như kiểu quét lại chút vôi ve, đánh véc ni lại bộ bàn ghế thì nhường cho cháu nó”, một lao động tại đây lên tiếng. Trò chuyện với tôi, Tùng kể: “Ngoài những giờ lên lớp em thường cùng chú ra chợ lao động. Tiền kiếm được không nhiều, có hôm chỉ dăm, bảy chục nghìn đồng hoặc một trăm, nhưng từng đó cũng đủ giúp em trang trải cuộc sống sinh viên”.

Còn tại chợ Mai Động, tôi gặp Quang Anh (23 tuổi, quê H.Phú Xuyên, TP.Hà Nội), một cử nhân ngành luật. Theo lời Quang Anh, cậu ra trường hơn năm nay nhưng chưa xin được việc. Hiện Anh còn hai đứa em cũng đang theo học đại học, mà bố mẹ chỉ làm nông, nên bắt buộc Anh phải đi kiếm việc để nuôi sống mình. “Cũng may là quê có nghề mộc, nên từ nhỏ mình đã làm quen với cái cưa, cái đục. Giờ đứng chợ nếu có ai kêu mình sửa lại cái mộng tủ, bộ bàn ghế... mình đều làm ngon lành”, Anh cười nói.

Quay quắt nơi ‘chợ người’

Quay quắt nơi ‘chợ người’
Người lao động bán sức

Người đông... chợ ế

Không thuận đường tàu xe như những lao động tới từ H.Hoài Đức và cũng để tiết kiệm chi phí, nhiều lao động khác buộc phải ở trọ. Nhà trọ là những gian nhà cấp 4 ọp ẹp ven sông Hồng, hay những dãy nhà ẩm mốc gần bến xe, khu chợ tạm... Chị Phúc (38 tuổi, lao động tại khu chợ người Long Biên) bộc bạch: “Vài năm trước khi còn nhiều người thuê mướn, ngày cũng được vài trăm. Nhưng bắt đầu từ tết năm ngoái đã ít người thuê hẳn. Giờ có hôm chẳng được xu nào, tối về chỉ dám ăn bát mì tôm”.

Theo lời chị Phúc, từ tết năm ngoái, do một loạt dự án chậm triển khai, công nhân xây dựng thất nghiệp nhiều vô kể, từ các nơi họ đổ về thủ đô bán sức lao động, khiến chợ nào cũng ế. “Đứng đợi việc ở chợ Long Biên nhưng lại hóng mãi tít chợ Đồng Xuân, dưới chợ Bưởi. Và hễ nghe thấy ai kháo dưới đó có việc là cánh này lại hối hả gói ghém đồ đoàn, phi xe đạp xuống ngay...”, chị Phúc nói.

Quay quắt, bạc mặt cả ngày đôi khi cũng chẳng có việc. Bởi thế, họ cứ phải ngóng trông và nuôi hy vọng như một chị kiếm sống ở “chợ người” tâm sự: “Ước gì chiều nay có ai tới thuê vợ chồng bốc mấy vạn gạch, để mai có tiền gửi về quê đóng học cho thằng út”.

Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.