Từ trung tâm TT.Kim Sơn (H.Kim Sơn) chúng tôi đi theo tuyến QL10 chừng nửa km thì rẽ vào con đường bê tông rộng chừng 3 m, dài gần 3 km dẫn về thôn 13, xã Quang Thiện (H.Kim Sơn) - nơi Chủ tịch nước sinh ra và lớn lên.
|
Bà Trần Thị Liễu (62 tuổi, ngụ thôn 13, xã Quang Thiện) không cầm được nước mắt nói, hôm 21.9 vừa qua, bà đang ăn cơm trưa thì con trai bà báo hung tin Chủ tịch Trần Đại Quang đã từ trần. “Tôi không tin được, mới vài hôm trước còn thấy bác trên ti vi, không ngờ bác đi đột ngột quá. Cũng lâu lắm rồi không thấy bác về thăm quê, chắc bác bận việc nước. Tội bác quá”, bà Liễu mếu máo.
|
Còn bà Trần Thị Đang (75 tuổi, ngụ thôn 13, cách nhà Chủ tịch nước chỉ khoảng 100 m) cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh ra trong gia đình nông dân bình thường như bao gia đình khác ở vùng quê Quang Thiện. Khi lớn lên và học hành thành đạt, trong làng trong xã, ai cũng tự hào về Chủ tịch.
[VIDEO] Thầy giáo cũ nhớ Chủ tịch nước: "Có nghĩa với thầy, năm nào cũng về thăm"
|
Nỗi ngậm ngùi của ông giáo già
Những ngày này, ông giáo già Lê Kim Toàn (80 tuổi, ngụ thôn 10, xã Hồi Ninh, H.Kim Sơn) - người thầy giáo dạy 3 năm học phổ thông của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, luôn thường trực nỗi đau buồn khi hay tin người học trò nghèo của mình vừa mất. Dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng trong ông luôn khắc nhớ cậu học trò nghèo, lam lũ, vượt lên khó khăn để học tập cho đến ngày thành danh. Cố nén nỗi đau bệnh tật, ông cầm bức ảnh chụp cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên rồi kể cho chúng tôi nghe về cậu học trò yêu quý của mình thuở còn cắp sách tới trường.
tin liên quan
Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong 2 ngày 26-27.9Ông Toàn kể tiếp, do bố mất sớm từ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn học tiểu học, trong khi gia đình lại có tới 6 anh chị em nên gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ của Chủ tịch nước. Cả 6 anh chị em của Chủ tịch nước đều được ông Toàn dạy dỗ và ông quý Trần Đại Quang nhất, bởi tinh thần hiếu học của cậu học trò nghèo này. Hôm nào Chủ tịch nước cũng phải đi bộ khoảng 6 km từ nhà đến trường học. Học xong giờ chính trên lớp, còn gì không hiểu Trần Đại Quang lại theo chân về nhà thầy để hỏi thêm. Vì thế, lực học của Trần Đại Quang rất tiến bộ. Mỗi khi không có mặt ở trường, ông Toàn lại giao lớp cho học trò Quang quản lý lớp học.
“Học xong cấp 3, Quang thoát ly gia đình, từ đó thầy trò cũng ít gặp nhau. Ngày Quang lên làm Bộ trưởng Bộ Công an rồi Chủ tịch nước, lần nào về thăm quê, Quang đều ghé nhà tôi hỏi thăm sức khỏe, dịp Tết cổ truyền nào không về được Quang cũng gửi thiệp chúc mừng năm mới, động viên tôi nghỉ ngơi cho khỏe mạnh. Nghe tin Chủ tịch nước mất, tôi đau xót vô cùng”, ông Toàn đau buồn nói.
Từ hôm Chủ tịch Trần Đại Quang từ trần, nhiều người dân quanh vùng đã đến nhà ông ở thôn 13, xã Quang Thiện để ngóng tin. Trên khu đất rộng ở đầu thôn 13, cách nhà Chủ tịch một dòng kênh, nhiều xe, máy và nhân lực đã được chính quyền địa phương huy động đến san ủi, lu lèn tạo mặt bằng để chuẩn bị hậu sự cho Chủ tịch nước. Hiện không khí làm việc hết sức khẩn trương.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND H.Kim Sơn, cho biết sau khi được san lấp bằng phẳng, chính quyền địa phương sẽ dựng nhà bạt làm nhà tang lễ để cán bộ, nhân dân đến viếng Chủ tịch nước.
Theo nhiều người dân địa phương thì đây cũng là khu đất dự kiến sẽ được dùng làm nơi an táng cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chính quyền và nhân dân địa phương đang ngóng trông từng giờ để được đón Chủ tịch nước trở về yên nghỉ nơi quê nhà.
Bình luận (0)