Quốc hội sẽ dành 1 ngày thảo luận về văn kiện Đại hội Đảng XIII

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/07/2020 19:06 GMT+7

Quốc hội sẽ dành trọn 1 ngày tại kỳ họp thứ 10 diễn ra vào tháng 10 tới để thảo luận về văn kiện Đại hội Đảng XIII .

Sáng 14.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến tổng kết kỳ họp 9 và cho ý kiến bước đầu về kỳ họp 10, Quốc hội khóa 14.

Quốc hội sẽ tiếp tục họp trực tuyến

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp 10 của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, đề nghị kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.
Cụ thể, kỳ họp 10 sẽ kéo dài trong 18 ngày, đợt 1 tiến hành trong 9 ngày, bắt đầu từ 19 - 28.10 bằng hình thức họp trực tuyến; đợt 2 tiến hành trong 9 ngày, từ 3 -12.11 và sẽ họp tập trung.
Theo đó, trong đợt 1, Quốc hội sẽ dành 1 ngày để nghe các tờ trình, báo cáo; 3,5 ngày để thảo luận 6 dự án luật, và 1 dự thảo nghị quyết trình thông qua; 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn; 1,5 ngày thảo luận về công tác tư pháp.
Theo ông Phúc, phiên chất vấn bố trí tại đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn, trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2.
Đợt 2 Quốc hội sẽ dành 3,5 ngày thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội; 3 ngày thảo luận 4 dự án luật; 1 ngày quyết định ngày bầu cử toàn quốc; 1 ngày thông qua các luật, nghị quyết và bế mạc.
Đáng chú ý, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại đợt 2 sẽ dành nửa ngày để Quốc hội thảo luận về văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.

Giảm thời gian chất vấn, tăng thời lượng cho văn kiện Đại hội 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc nên để nội dung chất vấn ở đợt họp trực tuyến (đợt 1) hay đợt họp tập trung (đợt 2).
“Người ta nói kỳ họp vừa rồi (kỳ họp 9) "hơi thiếu lửa" do không có chất vấn và trả lời chất vấn - một nội dung bất cứ kỳ họp nào cử tri rất quan tâm. Bên cạnh đó, kỳ họp tới chúng ta sẽ tổ chức chất vấn lại rất nhiều nội dung từ đầu nhiệm kỳ tới bây giờ, tức là những nội dung đã chất vấn rồi chứ không phải lựa chọn các bộ trưởng nữa”, bà Ngân nêu.
Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, nên chuyển phiên chất vấn sang đợt họp tập trung. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng ý chuyển nội dung chất vấn sang đợt họp tập trung, song đề xuất cân đối nội dung để mỗi đợt diễn ra trong 9 ngày như kế hoạch.
Đồng thời, ông Hiển cũng đề xuất giảm thời gian chất vấn xuống 2 ngày hoặc 2,5 ngày, chứ không cần 3 ngày. "Chất vấn đợt này chúng ta quay lại những vấn đề lời hứa các Bộ trưởng, không phải vấn đề mới. Tôi nghĩ trong 2 ngày là hợp lý”, ông Hiển nói.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng ý chỉ nên để chất vấn từ 2-2,5 ngày, và nên nêu ra những đề tài để không phải là ai muốn hỏi gì thì hỏi, muốn nói thảo luận gì thì nói.
Bà Phóng cũng băn khoăn việc thời gian dành cho thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ có nửa ngày. “Xin các đồng chí là nếu được thì chúng ta nên để 1 ngày, vì chúng ta sẽ thảo luận những vấn đề chiến lược mà Đảng đưa ra xin ý kiến Quốc hội”, bà Phóng nói, và đề nghị dành thời gian thoải mái để đại biểu thảo luận, góp ý văn kiện Đại hội Đảng.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại là chuyển nội dung chất vấn sang đợt 2 họp tập trung, đồng thời bố trí nội dung chất vấn sau phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Về thời gian, bà Ngân đề nghị giảm xuống 2,5 ngày để dành thêm nửa ngày cho thảo luận, góp ý văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.