Mưu đồ của Trung Quốc ở Trường Sa

24/02/2015 05:08 GMT+7

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở phi pháp tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa làm dấy lên hồi chuông báo động ở biển Đông.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở phi pháp tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa làm dấy lên hồi chuông báo động ở biển Đông.

Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quá trình Trung Quốc xây dựng phi pháp ở bãi đá Gaven - Ảnh: IHS Jane's Defence Weekly
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy quá trình Trung Quốc xây dựng phi pháp
ở bãi đá Gaven - Ảnh: IHS Jane's Defence Weekly
Vào giữa tháng này, tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly đăng bài phân tích cảnh báo Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng phi pháp thêm 3 bãi đá tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN, bao gồm các bãi đá Tư Nghĩa, Ga ven và Gạc Ma. Cụ thể, các bức ảnh chụp từ vệ tinh ngày 24.1.2015 cho thấy Trung Quốc đã bồi thêm 75.000 m2 đất, tương đương diện tích 14 sân bóng đá. Các công trình đang được xây dựng trên đó bao gồm hai cầu tàu, một cơ sở lớn và một bãi đáp trực thăng, theo các chuyên gia.
Pháo đài trên biển
Những hình ảnh vệ tinh còn cho thấy Trung Quốc đã gia tăng “đáng kể” quá trình xây đắp ở hai bãi đá Gạc Ma và Gaven, với nhiều công trình tương tự như ở bãi Tư Nghĩa. Trước đó, chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review dẫn nhiều nguồn tin cho rằng ý đồ của Bắc Kinh là biến bãi đá Gạc Ma thành một hòn đảo nhân tạo với chiều dài 5.000 m và chiều rộng 400 m để phục vụ mục tiêu cài cắm thêm tiền đồn không quân trên biển Đông. Trong đó có thể bao gồm một đường băng dài 2.000 m để không quân nước này triển khai các chiến đấu cơ Su-30, J-11 và J-10, có bán kính tác chiến ít nhất 1.500 km, xuống biển Đông.
Những bãi đá trên nằm trong số 7 bãi đá ở Trường Sa mà Trung Quốc đang thực hiện các dự án bồi đắp phi pháp. Bốn bãi đá còn lại là Chữ Thập, Châu Viên, Vành Khăn và Én Đất. Trong đó, truyền thông Trung Quốc từng loan tin Trung Quốc có kế hoạch biến Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn hơn cả Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa hiện bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp, đồng thời xây dựng một sân bay tại đó.
Đến ngày 18.2, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ) công bố một loạt ảnh do thám về hoạt động xây dựng ráo riết của Trung Quốc ở Trường Sa. Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định với Reuters: “Công trình bồi đắp ngày càng lớn và tham vọng hơn so với những gì chúng ta nghĩ. Ở nhiều cấp độ khác nhau, các bên sẽ rất khó đối phó Trung Quốc ở biển Đông”.
Biên tập viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương James Hardy của IHS Jane's Defence Weekly cũng phát biểu với CNN: “Trước đây chỉ có vài công trình bê tông nhỏ, nhưng giờ đây trở thành các đảo với bãi đáp trực thăng, đường băng, cảng và các cơ sở hỗ trợ lượng lớn binh sĩ... Chúng ta có thể thấy đây là chiến dịch được lên kế hoạch, có tính toán nhằm tạo ra các pháo đài có khả năng trên không lẫn trên biển bao phủ trung tâm của quần đảo Trường Sa”.
Tiến tới lập ADIZ ?
Theo các chuyên gia, các công trình mới có thể phục vụ từ hoạt động thương mại, đánh bắt và khai thác dầu khí cho đến thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. “Các đảo nhân tạo có thể dùng để lắp đặt các hệ thống ra đa và cảnh báo sớm để giúp Trung Quốc tăng cường năng lực do thám ở biển Đông”, giáo sư người Úc chuyên nghiên cứu về biển Đông Carl Thayer nhận xét. Trong khi đó, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez dự đoán Trung Quốc sẽ hoàn tất công việc xây đắp phi pháp trước đầu năm tới và sẽ tuyên bố lập ADIZ ở biển Đông trong vòng 3 năm, theo Reuters.
Theo tờ The Wall Street Journal, các quan chức Mỹ thời gian qua đã liên tục yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động xây dựng trên nhưng vô ích. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cũng đã truyền đạt lo ngại của Washington trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng này.
Âm mưu lớn
Theo tôi, việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp đất để xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa nhằm phục vụ cho một mục tiêu lớn hơn: từng bước đơn phương tuyên bố và thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông, như từng thực hiện trên biển Hoa Đông. Cho tới giờ Bắc Kinh vẫn chưa thể thực thi ADIZ ở biển Hoa Đông, vì vậy tôi cho rằng họ rất muốn sở hữu năng lực thực thi trước khi tuyên bố lập ADIZ trên biển Đông. Nếu điều này thành hiện thực, đây sẽ là một động thái cực kỳ khiêu khích và mang tính đe dọa đối với cả Mỹ lẫn Nhật Bản.
Giáo sư Zachary Abuza,
chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á
Đi ngược DOC
Các hoạt động bồi đắp này ít có khả năng tạo căng thẳng như vụ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), do vậy sẽ khó khăn hơn cho cộng đồng quốc tế nếu muốn can thiệp. Tuy nhiên, các hoạt động xây dựng nói trên về cơ bản đi ngược lại điều 5 của Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC). Do vậy, ASEAN nên tập trung tìm ra giải pháp để cùng đồng thuận phản ứng lại hành vi mang tính làm đảo lộn hiện trạng này của Bắc Kinh.
Tôn Vân,
chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ)
Bất chấp luật pháp quốc tế
Việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp đất để xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và việc chọn các đảo, đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi để thực hiện hoạt động này thật trùng hợp. Bởi lẽ những thực thể trên đều nằm trong hồ sơ kiện Trung Quốc mà Philippines trình lên Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan). Có vẻ như Bắc Kinh đang cố thay đổi hiện trạng nhằm gây khó khăn, nếu không muốn nói là làm cho phiên tòa Philippines đang theo đuổi không thể đưa ra phán quyết về tình trạng ban đầu của những thực thể trên... Những động thái này cũng chứng minh Bắc Kinh đang ngày càng quyết hành xử ngoài những khuôn khổ và chuẩn mực luật pháp quốc tế.
Ông Gregory Poling,
chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS)
An Điền
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.