TP.HCM: Rác ô nhiễm giữa thành phố

Các điểm tập kết rác trên những tuyến đường đông đúc; các xe thu gom rác quá thô sơ, trống hoác, rất nhếch nhác, gây ô nhiễm giữa lòng thành phố.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, dọc nhiều tuyến đường ở TP.HCM như Trương Định, Trường Sa (Q.3), Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Thái Học (Q.1), Cộng Hòa (Q.Tân Bình)... các bãi rác được tập kết thành đống, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm. Đáng nói, việc tập kết rác vào những giờ cao điểm, ở những con đường lượng xe cộ đông khiến việc lưu thông qua những khu vực này rất khó khăn.

Bãi tập kết rác tràn lan

Theo Sở TN-MT TP.HCM, hiện mỗi ngày TP.HCM có khoảng 9.100 tấn rác sinh hoạt phát sinh. Còn thống kê, năm 2018, ngân sách TP.HCM chi trả cho công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.500 tỉ đồng (tương ứng với 2,97 triệu tấn rác). Hiện nay lực lượng thu gom rác dân lập chiếm 60% tỷ trọng thu gom chất thải của TP.HCM. Việc quản lý hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt do UBND các quận/huyện điều hành.
Chiều 17.6, chúng tôi ghi nhận tại một điểm tập kết rác trên đường Trương Định, đoạn từ đường Kỳ Đồng đến đường Hoàng Sa (P.9, Q.3). Rác từ các hộ dân được công nhân dùng xe rác tự chế chở về đây chất thành đống, trông rất nhếch nhác ở một quận trung tâm. Người dân ở đây cho biết, bãi rác này có đã lâu; ngày mưa cũng như nắng đều bốc mùi hôi thối, nước rác chảy ra gây ô nhiễm nặng.
Tương tự, dọc đường Trường Sa (khu vực Q.3) cũng có nhiều điểm tập kết rác nhỏ lẻ. Tình trạng rác đổ tràn lan gây mất mỹ quan cũng được chúng tôi ghi nhận trước cổng Trường mầm non 12 (đường Trường Sa, P.12, Q.3).

Người đi bộ phải bịt mũi khi qua điểm tập kết rác trên đường Trương Định (Q.3)

Ảnh: Nhật Linh

Không khỏi giật mình khi thấy bãi rác tập kết “khổng lồ” trên đường Phan Văn Trị (đoạn giao với đường Nguyên Hồng, P.11, Q.Bình Thạnh). Buổi chiều ở đây tấp nập xe rác từ nhiều nơi về đổ rác, các xe chen chúc nhau chiếm gần nửa lòng đường.
Bà Hương (55 tuổi, sống trên đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh) cho biết bãi rác này được tập kết gần 10 năm nay, người dân tại đây cũng bức xúc vì hằng ngày phải hứng trọn mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Phản ánh lên chính quyền mấy năm nay nhưng không thay đổi được gì. Chiều nào cũng gom một đống rác, ruồi cũng từ chỗ tập kết này phát triển. Thậm chí rất nhiều người ở đây đã chuyển đi nơi khác ở, vì ảnh hưởng sức khỏe chịu sao nổi”, bà Hương bức xúc.
Một bãi tập kết rác khác gây nhếch nhác nằm trước cổng Trường tiểu học Lương Thế Vinh trên đường Cô Giang (P.Cô Giang, Q.1). Chưa hết, một điểm tập kết rác nữa ở dưới chân cầu Ông Lãnh (đường Nguyễn Thái Học, Q.1), nơi tập trung đông dân cư và một khu chợ nhỏ đông đúc người qua lại. Bãi rác này lớn, bốc mùi hôi và nước rỉ rác chảy ra đường. Trên đường Út Tịch, hay khu công viên Bình Giã (giáp với đường Cộng Hòa, cùng Q.Tân Bình) cũng gặp tình trạng tập kết rác nhếch nhác, để rác tràn xuống lòng đường...
Rác ô nhiễm giữa thành phố

Xe thu gom rác tự chế không được che đậy, gây ô nhiễm môi trường

Ảnh: Trần Tiến

Xe thu gom rác đến đâu bốc mùi đến đó

Mỗi sáng, mọi người đều thấy những chiếc xe rất thô sơ chạy vào các khu phố, con hẻm để thu gom rác. Những chiếc xe này trống hoác, chạy đến đâu là bốc mùi, nước rỉ rác chảy ra đến đó. "Người dân đóng tiền đổ rác, nhưng xe thu gom rác không được đầu tư, không hề có nắp đậy, bốc mùi hôi thối. Những xe rác này buổi sáng hòa vào dòng người đông đúc ở TP.HCM, gây ô nhiễm nghiêm trọng, không tương xứng với TP.HCM được xem là hiện đại nhất nước”, ông Nguyễn Thanh (một cư dân sống lâu năm ở TP.HCM) bày tỏ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết các loại xe đi thu gom rác đa phần tự chế, không đảm bảo quy định giao thông cũng như chất lượng vệ sinh và bảo vệ môi trường trong quá trình thu gom.
Rác ô nhiễm giữa thành phố

Những chiếc xe thu gom rác quá thô sơ, không đảm bảo vệ sinh môi trường

Ảnh: Trần Tiến

Những người làm nghề đi thu gom rác thuê (làm thuê cho tư nhân đứng ra thầu gom rác) cho chúng tôi biết phương tiện lấy rác hiện nay được chế thành xe lôi để kéo thêm thùng chứa rác phía sau. Các xe máy kéo thùng rác này không có biển số, thậm chí không có giấy tờ. Làm loại xe tự chế này tốn từ 10 - 20 triệu đồng, tùy kích cỡ thùng, chất lượng.
Anh Nguyên (37 tuổi, quê Kiên Giang, gắn bó với nghề đi thu gom rác gần 20 năm) cho biết anh đã nhiều lần bị CSGT giữ xe, vì xe không có biển số, không giấy tờ. Ông T. (43 tuổi, trú Q.Gò Vấp) hiện đang làm nghề thu gom rác thuê tại một số tuyến đường trên địa bàn Q.3 cho biết ông làm nghề này gần 10 năm nay. Mỗi tháng ông được đơn vị dân lập (đơn vị thầu thu gom rác) trả 6 - 7 triệu đồng; xe ông đi thu gom rác do tư nhân trang bị...

Sẽ thay đổi các phương tiện gom rác


Ngày 2.10.2018, UBND TP.HCM có kế hoạch triển khai chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, đơn vị thu gom rác, chậm nhất đến hết tháng 10.2019 phải hoàn tất việc chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác không đạt chuẩn hoặc sẽ bị xử phạt.
Thùng rác tự chế thay bằng thùng nhựa hoặc composite có dung tích 660 lít, có nắp đậy, thân thùng có thiết kế kín chống rỉ nước. Xe máy thay bằng xe điện đẩy thùng rác 660 lít. Ngoài ra, một số mẫu xe ba gác, xe lam cũng được thay thế bằng các mẫu xe phù hợp.
UBND quận/huyện cũng chỉ đạo các đơn vị trúng thầu cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải, công ty dịch vụ công ích phải bố trí đủ phương tiện. Đối với các hẻm nhỏ, dài, phương tiện thu gom rác (xe cơ giới loại nhỏ và thùng 660 lít) không thể vào, đơn vị thu gom cân nhắc bố trí các thùng nhựa có đáy kín, có bánh xe để vận chuyển rác ra ngoài. Không được sử dụng sọt tre, nhằm đảm bảo không rỉ nước rác ra đường.
Về yêu cầu mẫu xe rác: Phương tiện cơ giới được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho loại ô tô chở rác, thùng xe kín, miệng nạp rác có nắp đậy, có hệ thống xử lý nước rỉ rác. UBND quận/huyện sẽ hỗ trợ các cá nhân thu gom rác vay vốn với lãi suất ưu đãi theo đúng quy định nhưng không được quá 60 triệu đồng/trường hợp hoặc sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.