Rét đậm, rét hại sẽ tiếp tục kéo dài

12/02/2008 00:00 GMT+7

Hôm qua 11.2 là ngày thứ 29 liên tiếp các tỉnh miền Bắc đối mặt với rét đậm, rét hại. Trong ngày, nhiệt độ thấp nhất tại Sa Pa (Lào Cai) là - 0,30C, Bắc Hà (Lào Cai) 3,80C, Lạng Sơn 60C, Sìn Hồ (Lai Châu) 6,30C, Mộc Châu (Sơn La) 3,60C, Hà Nội 110C.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, chiều và đêm qua, các tỉnh miền Bắc lại chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh tăng cường. Không khí lạnh sẽ kéo giảm nền nhiệt độ tại đây xuống từ 10C - 30C, khiến các tỉnh kể trên tiếp tục xuất hiện rét đậm, rét hại trong ít nhất 2-3 ngày nữa.

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết đến khoảng ngày 18 hoặc 19.2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng tiếp tục chịu thêm đợt không khí lạnh tăng cường, gây rét đậm, rét hại. Phải sau ngày 20.2, nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc mới bắt đầu nhích dần lên, trời ấm hơn. "Đây là đợt rét lịch sử, được xác định là kéo dài nhất trong mấy chục năm trở lại đây. Rét đậm, rét hại diễn ra trên diện rộng", ông Tăng nói. Trên thực tế, trong đợt rét này nhiều nơi tại các vùng núi cao, nhiệt độ đã xuống rất thấp, một số điểm xuống dưới 00C như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - 50C, Sa Pa (Lào Cai) - 20C... gây ra băng giá, mưa tuyết.

Trong những ngày qua, số trẻ em phải nhập viện vì mắc các bệnh về đường hô hấp rất cao. Tại Bệnh viện nhi Trung ương mỗi ngày có gần 400 bệnh nhi đến khám. Bác sĩ Vũ Quý Hợp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, bệnh viện đã huy động 10 bác sĩ trực tại phòng khám để kịp thời khám chữa bệnh cho các cháu. Tại khoa Nhi của các Bệnh viện Xanh Pôn, Bắc Thăng Long, Thanh Nhàn, Việt Nam - Cuba, khá đông bệnh nhi bị viêm họng, sốt, tiêu chảy... tới khám. Theo các bác sĩ, trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn ở họng, mũi do thời tiết lạnh, hanh khô rất dễ dẫn đến viêm đường hô hấp dưới, như viêm phổi rất nguy hiểm. (Nam Sơn - Thúy Anh)

Rét kéo dài kèm theo mưa đã làm xáo trộn sinh hoạt của người dân các tỉnh phía Bắc. Học sinh tiểu học tại Hà Nội và một số tỉnh khác đã phải nghỉ học. Người già và trẻ nhỏ nhiễm lạnh, bị viêm phổi phải nhập viện ngày càng tăng. Và hơn ai hết, nông dân lại là những người chịu thiệt hại nhiều nhất trong đợt rét lịch sử này. Ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Qua kiểm tra nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy, hàng chục ngàn ha lúa và hoa màu gieo cấy từ 20 tháng chạp đến giáp Tết đã bị chết vì rét. Các tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất là Thanh Hóa với 27.000 ha lúa, Nghệ An với 10.000 ha lúa và 3.000 ha lạc, Phú Thọ với 7.000 - 8.000 ha lúa, Hòa Bình với 3.000 ha lúa bị chết, phải cấy lại". Trước mắt, Cục Trồng trọt vẫn tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân chưa nên cấy lúa trong thời gian này, đồng thời có phương án bảo vệ diện tích mạ đang có. 

Tại Quảng Bình, Thanh Hóa, Lào Cai và một số địa phương khác, rét cũng đã khiến trâu, bò chết rải rác. Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại, ông Phan Duy Hạnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nói: "Các huyện Sa Pa, Bát Sát, Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương đã có khoảng 500 - 700 con trâu, bò bị chết. Đây là thiệt hại không nhỏ đối với các hộ dân vùng cao". Theo ông Trần Văn Tuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, chưa khi nào địa phương này phải chịu đợt rét như hiện nay. Đàn gia súc thiếu thức ăn và không được sưởi ấm nên đã có tới 630 con trâu, bò chết. 

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.