Sa ngã ở tuổi vị thành niên

19/01/2018 14:30 GMT+7

Vụ chặn xe chém nhau giữa đường phố Đà Nẵng như phim xã hội đen, diễn ra ngay trước camera và bị tung lên mạng… một lần nữa báo động tình trạng trẻ thành niên vi phạm pháp luật.

Liếc mắt là… chém
Chỉ vì đi ngang và liếc nhau tại quán bánh kẹp trường THCS Nguyễn Thị Định (Q.Cẩm Lệ), nên Lê Trung Hiếu (Hiếu Mìn, 16 tuổi, ngụ Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) rủ thêm 9 người bạn đi trên 5 xe máy tìm đánh một thanh niên tên Phi (22 tuổi, ngụ Q.Hải Châu) vào tối 26.12.2017.
Đến khu vực tượng đài Mẹ Nhu (Q.Thanh Khê), cả nhóm phát hiện Ngô Anh Khoa (16 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê), một người trong nhóm Phi, lái xe máy chở 2 bạn gái là V.H.A. (16 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ) và Đ.N.L. (17 tuổi, ngụ Q.Hải Châu) nên cả nhóm truy đuổi, khi đến địa chỉ 610 Trần Cao Vân thì bắt kịp, đạp ngã xe nạn nhân. Tiếp đó là cảnh đánh, chém hội đồng rồi nhóm hung thủ tẩu thoát khỏi hiện trường. Nhưng sau “tai nạn” bất thần này, Khoa lồm cồm ngồi dậy, dựng xe và… tiếp tục chở 2 bạn gái bỏ đi, không trình báo công an.
Công an Q.Thanh Khê hiện xác định 5 nghi phạm chém Khoa gồm: Tưởng Nhật Vinh (16 tuổi), Nguyễn Xuân Duy (cùng ngụ Q. Cẩm Lệ), Trần Văn Hoàng Việt, Ngô Tiến Tài (cùng ngụ Q.Thanh Khê), Huỳnh Minh Hiền (Hiền Méo, cùng 15 tuổi). Rất may cho Khoa là những “anh hùng nhí” này chỉ dùng sống dao để chém với ý định dằn mặt, nên nạn nhân chỉ bầm, sưng một vài chỗ.
Vai trò giáo dục của gia đình ở một số trường hợp tỏ ra “bất lực”. Đọc lý lịch của Duy cùng bè bạn trong nhóm, điều tra viên vừa trách vừa thương cho hoàn cảnh của các em.
Trong khi đó, Khoa cũng thuộc nhóm “không phải dạng vừa”. Trước đó 1 ngày, Phi cũng rủ Khoa, Vũ Hồ Minh Anh (20 tuổi, ngụ Q.Hải Châu), Nguyễn Đình Thuận (22 tuổi) và Bôn (20 tuổi, cùng ngụ Q.Cẩm Lệ) cùng 2 người khác mang đao, kiếm đi chém một nhóm thanh niên tại quán trà sữa Bà Lan (đường Tôn Đản, Q.Cẩm Lệ) nhưng phi vụ bất thành...
Gia đình “bất lực”
Cũng chỉ ít ngày trước trước đó, Công an Q.Thanh Khê bàn giao Nguyễn Xuân Duy cho gia đình vì Duy chưa đủ tuổi để bị xử lý hình sự về hành vi trộm cắp. Điều tra viên dặn dò “cố gắng đừng gặp lại các chú nữa nghe cháu”, nhưng Duy trả lời gọn lỏn: “Cuộc đời chưa biết trước được điều chi chú”. Chưa đầy 15 tuổi, nhưng Duy và đồng bọn cùng trang lứa đã trộm cắp khắp các địa bàn quận huyện.
“Nếu trước đây, trẻ em phạm pháp như Duy dễ dàng đưa vào trường giáo dưỡng để rèn luyện. Nhưng hiện theo quy định mới, yêu cầu thủ tục rất nhiêu khê, lập hồ sơ theo dõi không thua gì các vụ án lớn… đã gây khó khăn cho công tác kiểm soát an ninh trật tự địa bàn”, trung tá Trần Văn Tuấn, Đội phó Đội hình sự Công an Q.Thanh Khê nói.
Khi vi phạm pháp luật, trẻ chưa thành niên được đưa về địa phương giáo dục trong 6 tháng, và phạm pháp 2 lần tiếp theo mới bị đưa ra tòa để có quyết định. Chính vì nhiều khâu, lắm công đoạn như vậy nên ở một số quận huyện, trong năm 2017 chỉ đưa được một vài trường hợp đi giáo dưỡng. Trong khi đó, vai trò giáo dục của gia đình ở một số trường hợp tỏ ra “bất lực”.
Đọc lý lịch của Duy cùng bè bạn trong nhóm, điều tra viên vừa trách vừa thương cho hoàn cảnh của các em. Hầu hết gia đình các em đều nghèo, sống ở vùng giáp ranh các quận, điều kiện kinh tế khó khăn, môi trường sống phức tạp. Đặc biệt, đa số các em “khuyết” cha cha mẹ hoặc do mồ côi, ly dị hoặc đi tù. Có em sống với ông bà già yếu, bệnh tật, không ai chăm sóc, quản lý nên dễ bị bạn bè rủ rê, sa ngã. Thậm chí, khi tạm giữ nhiều em, các điều tra viên không tìm được người bảo hộ để làm việc, đành phải mời đại diện tổ chức Đoàn thanh niên chứng kiến.
Theo thống kê của Viện KSND TP.Đà Nẵng, năm 2017, cơ quan chức năng khởi tố 788 vụ án, 1.207 bị can, tăng 59 vụ, 46 bị can so với 2016, trong đó có 89 bị can chưa thành niên (chiếm 8%, tăng 2%), 27 bị can là học sinh, sinh viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.