Sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu

09/11/2008 22:36 GMT+7

* TP.HCM ứng phó với xả tràn hồ Dầu Tiếng * Biển động mạnh ở vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hồi 16 giờ ngày 9.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18 độ vĩ bắc, 116,1 độ kinh đông, trên khu vực bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo, trong 24 giờ tới bão số 9 di chuyển theo hướng giữa nam và nam tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và tiếp tục suy yếu. Đến 16 giờ chiều nay 10.11, bão chỉ còn mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 400 km về phía Đông.

Xả tràn hồ Dầu Tiếng

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM có thông báo khẩn về việc triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó với việc xả tràn hồ Dầu Tiếng. Mực nước hồ Dầu Tiếng đã đạt mức báo động 3 lúc 5 giờ ngày 9.11 và vẫn tiếp tục lên từ 5 - 8 cm mỗi ngày. Đợt xả tràn sẽ diễn ra sát những ngày triều cường cao nhất giữa tháng 11, vì vậy các quận huyện triển khai ngay biện pháp phòng tránh, cần chú ý những khu vực xung yếu trên địa bàn các quận huyện Củ Chi, Hóc Môn, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh. (M.Vọng)

Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng nam tây nam, mỗi giờ đi được 10 – 15 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Khoảng 16 giờ ngày mai 11.11, vị trí tâm ATNĐ cách đảo Song Tử Tây (phía bắc quần đảo Trường Sa) khoảng 300 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Sau đó, ATNĐ di chuyển theo hướng nam tây nam và suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc biển Đông, bao gồm cả phía đông quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, biển động rất mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh.

Chiều tối qua 9.11, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn) đã có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau và Kiên Giang, các bộ ngành liên quan. Công điện nêu rõ vùng nguy hiểm của bão số 9 được xác định từ vĩ tuyến 10 đến 19 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 110 độ kinh đông.

Chạy tránh bão, 2 tàu đâm vào nhau

Trong lúc vội chạy vào bờ tránh cơn bão số 9, hai chiếc tàu đánh cá số hiệu QNg 8990-TS của ông Nguyễn Văn Liêm và QNg 8806-TS của ông Nguyễn Văn Hội (cùng ở xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) tối 8.11 đã đâm vào nhau trên vùng biển thuộc xã Phổ Khánh, H.Đức Phổ.

Hậu quả, tàu ông Liêm bị vỡ phần trước mũi, còn tàu ông Hội cùng 4 ngư dân bị chìm. Rất may tai nạn xảy ra cách bờ chỉ chừng 5 cây số, lại có tàu cá của ông Huỳnh Văn Ba đang chạy gần đó phát hiện đến kịp nên những người bị nạn đã được cứu thoát. (Hoàng Thuyên)

Các tỉnh, thành và bộ ngành kể trên bằng mọi biện pháp, sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông thông báo kịp thời cho chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến của bão để chủ động về nơi trú tránh an toàn gần nhất, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, đồng thời quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành; huy động lực lượng xung kích và phương tiện của nhân dân tại cơ sở để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố...

Theo thông tin nhanh của Phòng Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), tính đến 18 giờ chiều 9.11, có 73 phương tiện với 729 ngư dân đang hoạt động ở khu vực các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; 28.033 tàu thuyền với 155.566 ngư dân đang neo đậu và hoạt động ven bờ các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau. Tối 9.11, Bộ đội Biên phòng tiếp tục bắn pháo hiệu báo bão tại 39 điểm. Hiện chưa có thông tin về thiệt hại do bão số 9 gây ra.

 

Ảnh bão số 9 chụp qua vệ tinh

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, đến chiều qua 9.11, Đà Nẵng vẫn còn 86 tàu với 481 lao động chưa trở về đất liền. Bộ đội biên phòng TP đã liên lạc với tất cả các tàu thuyền để thông báo về đường đi của bão cũng như bắn pháo hiệu báo bão tại Hải Vân và Sơn Trà. 

Trong khi đó, đến sáng qua 9.11, tất cả các tàu thuyền ở Quảng Nam đã vào bờ. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng đưa thêm 50 cán bộ chiến sĩ về âu thuyền Hồng Triều (Duy Vinh, Duy Xuyên) để giúp dân chằng chống, buộc chặt số tàu thuyền đang neo đậu tránh bão tại đây. Hải đội 2 cử lực lượng và 4 tàu tuần tra, 2 ca nô cao tốc túc trực tại cửa sông An Hòa (Núi Thành), Cửa Đại (Hội An), đồng thời phối hợp với Trung tâm cứu hộ miền Trung, Vùng 3 Hải quân sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Trong ngày qua, mưa lớn đã gây ngập tại nhiều địa phương như Tam Kỳ, Đại Lộc, Điện Bàn; H.Thăng Bình đã lên phương án sẵn sàng di dời 2.000 hộ dân vùng ven sông, biển, vùng triều cường, hộ dân nhà chưa kiên cố; trong đó hơn 50 hộ dân vùng đặc biệt nguy hiểm được động viên di dời ngay trong buổi sáng ngày 9.11.

Quang Duẩn - V.P.Thảo - Hồ Trọng - M.Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.