TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng quy định công dân ghi âm, ghi hình phải xin phép cán bộ của Hà Nội gây phản cảm về mặt xã hội và ngược với tinh thần của luật Tiếp công dân và luật Ban hành văn bản.
Quyền của người dân
Ông Sơn cho rằng, việc Hà Nội quy định công dân muốn ghi hình, ghi âm phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân cũng tương tự vụ cấm công dân quay phim chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ gây ồn ào trước đây: “Tại sao lại không nghĩ là động viên người dân quay phim chụp hình để ghi nhận những việc làm tốt của cán bộ?”, TS Lê Hồng Sơn nói.
TS Lê Hồng Sơn - Ảnh: Thái Sơn |
tin liên quan
Phải thu hồi văn bản 'cấm' dân quay phim cán bộ của Hà Nội vì trái luậtTrái luật?
TS Lê Hồng Sơn còn cho rằng quy định “cấm” công dân ghi âm ghi hình cán bộ nói riêng và Quyết định số 12/QĐ-UBND về Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân nói chung của Hà Nội là không đúng thẩm quyền và trái luật Tiếp công dân, luật Ban hành văn bản. Cụ thể, luật Tiếp công dân trao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thẩm quyền ban hành quy chế, nội quy và đây được coi là văn bản hành chính cá biệt.
Tuy nhiên trong Quyết định số 12/QĐ-UBND của Hà Nội lại đưa các quy phạm pháp luật vào, trong đó nội dung mang tính chất cấm đoán công dân, vừa trùng lắp với luật vừa trái thẩm quyền: “Tôi cho rằng, quy định như trong văn bản là sai về thẩm quyền và sai tính chất của văn bản, vì đây là văn bản hành chính cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Thứ hai là thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố thì quyền quyết định vấn đề này mà việc người dân được ghi âm, ghi hình hay không là do Quốc hội quyết. Nếu thấy cần thiết thì Quốc hội sẽ quy định việc ghi âm, ghi hình, quay phim trong luật chứ không thuộc thẩm quyền của cá nhân Chủ tịch UBND thành phố”, ông Sơn phân tích và cho rằng dựa trên quy định luật Tiếp công dân và luật Ban hành văn bản đều cho thấy văn bản của Hà Nội sai cả hình thức, nội dung lẫn thẩm quyền.
Từ những vấn đề nêu trên, TS Lê Hồng Sơn cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xem xét có biện pháp để khắc phục. “Trách nhiệm của các cơ quan công quyền, trước hết là Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phải lên tiếng ngay về nội dung của Quyết định số 12 của Hà Nội, không để công luận xôn xao như vậy, gây mất niềm tin của người dân”, ông Sơn nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết sau khi dư luận có ý kiến trái chiều, Cục đã cử cán bộ kiểm tra và sẽ có ý kiến trong thời gian sớm nhất.
|
Bình luận (0)