'Sau giờ làm, công nhân chỉ xem ti vi và ngủ, không có điều kiện giải trí''

Trình bày tâm tư, nguyện vọng với Thủ tướng, một nữ công nhân cho biết sau giờ làm việc ngoài xem ti vi ra thì ngủ, không có điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần.

Chiều 28.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ, đối thoại với 300 công nhân (CN), người lao động tại KCN Biên Hòa (Đồng Nai).
Tham dự buổi gặp gỡ còn có đại diện lãnh đạo các bộ: Bộ LĐ-TB-XH; GD-ĐT; VH-TT-DL; Văn phòng Chính Phủ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường…
Xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân
Báo cáo với Thủ tướng tại buổi gặp mặt, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết sau 18 tháng kiểm điểm lại những nội dung công việc Thủ tướng giao tại buổi đối thoại với CN ngày 30.4.2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết với 30 doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn cũng ký với nhiều DN tại địa phương triển khai thẻ giảm giá (5 - 40% so với giá niêm yết của các sản phẩm, dịch vụ) dành cho CN.
Tổng LĐLĐ VN cho biết cho biết thực hiện xây dựng thiết chế công đoàn tại các KCN theo quyết định 655 của Thủ tướng, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 50 khu thiết chế công đoàn trong cả nước. Mỗi thiết chế công đoàn rộng khoảng 3 - 5ha, vốn đầu tư 500 - 700 tỉ đồng, trong đó Tổng LĐLĐ VN đầu tư 100 tỉ, còn lại thực hiện theo cơ chế xã hội hóa.
Công nhân đang trình bày tâm tư, nguyện vọng với Thủ tướng Ảnh: Lê Lâm
Cụ thể các nội dung xây dựng bao gồm: nhà ở cho CN, nhà văn hóa đa năng, văn phòng tư vấn pháp luật, siêu thị công nhân, vườn hoa cây cảnh, khu vui chơi giải trí.
Hiện đã có 3 thiết chế công đoàn tại 3 KCN: Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) xây dựng 708 căn hộ với số vốn 290 tỉ đồng, tạo chỗ ở cho 3.000 CN; KCN Đồng Văn (Hà Nam) xây dựng 1.335 căn hộ, tạo chỗ ở cho khoảng 5.200 công nhân, vốn đầu tư 758 tỉ đồng; KCN Mỹ Tho (Tiền Giang) xây dựng 1.016 căn hộ, giúp 4.000 CN có chỗ ở, tổng vốn đầu tư 598 tỉ đồng.
Dự kiến, mỗi năm, Tổng LĐLĐVN sẽ dành khoảng 700 tỉ đồng để xây dựng các thiết chế công đoàn tại các địa phương trên cả nước.
Hỗ trợ công nhân khi về hưu
Sau khi được Thủ tướng khuyến khích, nữ công nhân Võ Thị Mỹ Tiên (quê Đồng Tháp, CN KCN Biên Hòa 2) kiến nghị Chính phủ quan tâm xây dựng khu vui chơi giải trí cho CN. Theo chị Tiên, công nhân sau giờ làm việc ngoài xem ti vi ra thì ngủ, không có điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần.
Còn chị Nguyễn Thị Thủy (Công ty Taekwang Vina) quan tâm đến vấn đề tiền lương và thu nhập. Theo chị Thủy, mức lương đối với CN có gần 20 năm kinh nghiệm như chị chỉ hơn 8 triệu đồng là quá thấp. “CN ở tỉnh lẻ thường thiệt thòi do phải chịu các chi phí sinh hoạt đắt đỏ, tiền nhà trọ, tiền nuôi con nhỏ, đi lại và tiền gửi về quê phụ giúp gia đình, do vậy nên cuộc sống hết sức chật vật”, chị Thủy nói.
Khi được Thủ tướng hỏi mức lương 8 triệu đồng có đủ sống không, chị Thủy nói 8 - 10 triệu so với mặt bằng chung của công nhân là khá cao nhưng để tích lũy có nhà cửa quả là giấc mơ xa vời.
Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và công nhân Ảnh: Lê Lâm
Khác với nhiều CN khác, anh Nguyễn Ngọc Tuấn Minh (làm cho Công ty Taekwang Vina) may mắn được công ty quan tâm tạo việc làm được 6 năm nay khi anh là người khuyết tật. “Ngoài chính sách nhà nước dành cho người lao động, công ty còn chăm lo đời sống CN như nhà trẻ, căn tin, chăm sóc y tế… Anh được công ty quan tâm nhiều hơn, bố trí thuận lợi cho việc đi lại. Chưa kể đi mua sắm cũng không phải trả tiền liền mà công ty hỗ trợ trả vào các kỳ lương cuối tháng”, anh Tuấn kể. Khi Thủ tướng hỏi giá mua trong siêu thị công nhân có rẻ hơn bên ngoài, anh Tuấn cho biết giá cả rẻ hơn.
Chị Phạm Thị Mến, người gắn bó 22 năm với Công ty Taekwang Vina, đề nghị Chính phủ quan tâm chế độ cho CN khi về hưu. Theo chị Mến, hiện nay mức lương hưu của CN rất thấp, chỉ khoảng hơn triệu đồng/tháng. Chị Mến cũng nêu tình trạng một số DN đang tìm đủ mọi cách cắt hợp đồng lao động đối với người trên 35 tuổi và kiến nghị Thủ tướng có chính sách hỗ trợ cho công nhân nghỉ hưu yên tâm ổn định cuộc sống.
Tại buổi gặp gỡ, các vấn đề cơ bản được phần lớn CN nêu ra đó là việc làm, thu nhập, cơ hội cho CN khuyết tật, việc đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp, nhà ở và nơi vui chơi giải trí…
Đẩy nhanh xây dựng thiết chế công đoàn
Sau khi nghe các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của CN lao động. Chính phủ cũng đã phối hợp với Tổng LĐLĐVN và các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thiết chế văn hóa công nhân.
“Tôi đã trực tiếp đi thăm nhà trẻ, đến tận siêu thị công nhân, thăm phòng khám, tới khu nhà trọ…thấy đời sống CN ngày càng được cải thiện. Tôi có hỏi bữa ăn giữa ca của công nhân thì được biết đã nâng lên từ 16.000 đồng (2016) lên 23.000 đồng. Đây cũng là khoảng cách rất đáng kể trong điều kiện giá cả được bình ổn. Chất lượng bữa ăn tuy chưa ngon nhưng như thế là điều đáng mừng”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng ấn tượng với mức đóng BHXH, BHYT cho CN tại Đồng Nai rất cao, gần 98%. Các DN cũng không có tình trạng biệt đối xử với CN. Giới chủ và người lao động có mối quan hệ hài hài hòa. Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các KCN Đồng Nai và nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho CN, nhà đầu tư cũng là lợi thế của VN trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại buổi gặp gỡ, nhiều công nhân nữ trình bày sự quan tâm đến thu nhập và nơi vui chơi giải trí Ảnh: Lê Lâm
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng đời sống CN hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng ta mới làm được số việc bước đầu. Để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân cần phải đồng tâm hiệp lực và phải làm tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trước hết là phải chú trọng nâng cao trình độ cho CN, tạo điều kiện cho CN nâng cao kỹ năng, tay nghề.
Về vấn đề nhà ở cho công nhân, Thủ tướng cho rằng các tỉnh phía Nam và Đồng Nai nói riêng mặc dù quan tâm vấn đề này nhưng số lượng CN thì quá lớn mà nguồn lực lại có hạn. Thủ tướng yêu cầu địa phương cần ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho CN. Trước mắt các địa phương tiếp tục quy hoạch, xử lý, quản lý tốt hơn các khu nhà trọ, đặc biệt là về giá cả, an ninh trật tự… để CN có điều kiện ở tốt hơn.
Vấn đề tiền lương, theo Thủ tướng hiện Chính phủ cũng đã có chính sách nâng lương theo khu vực. Tuy nhiên việc này cần có bước đi chặt chẽ, tính toán kỹ lưỡng để làm sao lương tối thiểu có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động.
Thủ tướng tham quan siêu thị dành cho công nhân trong công ty Taekwang Vina Ảnh: Đức Nguyễn
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ VN phối hợp thành lập ngay Quỹ học bổng dành cho CN. “Tôi sẽ là người đóng góp đầu tiên để hình thành quỹ học bổng này”, Thủ tướng nói.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, đại diện Tổng LĐLĐVN cam kết sẽ sớm hình thành quỹ học bổng này và mong muốn các mạnh thường quân, DN, và cả CN cùng chung tay đóng góp.
Thủ tướng tặng học bổng cho một số công nhân khó khăn, vừa đi làm vừa đi học Ảnh: Lê Lâm
Dịp này Thủ tướng trao tặng 2 máy tính xách tay trị giá 10 triệu đồng cho gia đình anh Lưu Văn Hải có 2 thế hệ đang làm việc tại Công ty Taekwang Vina và CN Nguyễn Ngọc Tuấn Minh (cả 2 vợ chồng bị khuyết tật).
Thủ tướng cũng đã tặng 5 suất học bổng toàn phần trong suốt khóa học để nâng cao trình độ tay nghề (ĐH, CĐ) cho 5 công nhân hoàn thành tốt công việc. Mỗi suất học bổng cao đẳng 9 triệu đồng/năm; đại học 18 triệu đồng/2 năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.