Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là một trong những chủ trương lớn và luôn được lãnh đạo TP.HCM quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, chỉ sau một thời gian “trống giong cờ mở”, ra quân rầm rộ thì tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường “đâu lại vào đó”.
Tái lấn chiếm tràn lan
|
Riêng tại Q.1, nơi từng quyết liệt ra quân tái lập trật tự lòng lề đường, tình trạng ô tô đậu tràn lan dưới lòng đường phổ biến ở hầu hết các tuyến đường. Bát nháo nhất là dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ, ô tô tràn xuống đậu ở lòng đường kéo dài 2 chiều nối từ Lê Thánh Tôn đến Tôn Đức Thắng và ngược lại. Còn trên các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa (Q.1, Q.3, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận), hàng trăm quán nhậu "đại náo" vỉa hè, lòng đường khiến áp lực giao thông càng thêm căng thẳng.
Có mặt tại khu vực trước cổng chợ Bà Chiểu và đường Bùi Hữu Nghĩa, lối vào chợ Bà Chiểu (P.1 và P.2, Q.Bình Thạnh) chiều 14.3, PV ghi nhận nơi đây cả ngày lẫn đêm đều ̣đông đúc người mua, bán. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường diễn ra “tấp nập”. Ngay giao lộ Bùi Hữu Nghĩa - Vũ Tùng, các sạp cá, hải sản bày bán dưới lòng đường. Nhiều phương tiện lưu thông qua đây phải chen chúc nhích từng chút. Tại đường Phạm Văn Đồng (đoạn P.1, Q.Gò Vấp và P.13, Q.Bình Thạnh) từ 19 - 22 giờ ngày 14.3, tình trạng các quán nhậu, quán ăn, cà phê… hoạt động náo nhiệt trên vỉa hè nhưng không thấy lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lý.
|
Dọc đường Nguyễn Trãi, đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Huỳnh Mẫn Đạt (thuộc P.2, P.3, P.8, Q.5); đường Nguyễn Tri Phương (P.14, Q.10) cả ngày lẫn đêm luôn nhộn nhịp các gian hàng bày bán đồ ăn, mũ nón, giày dép, quần áo trên vỉa hè. Các sạp nằm san sát nhau, xe máy dựng ngổn ngang chắn hết lối đi, “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường.
Ngày 25.2, khi PV đến UBND P.Bến Thành (Q.1) để hỏi về công tác xử lý tái lấn chiếm lòng lề đường trong thời gian qua, một nữ cán bộ ở đây nói: “lãnh đạo đi công việc gấp”, và đề nghị PV để lại câu hỏi. Trong nội dung chất vấn, PV có đề cập đến việc đường Tôn Thất Tùng xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, trách nhiệm của phường ở đâu? Tuy nhiên, trong văn bản trả lời, UBND P.Bến Thành giải thích do các gánh hàng rong chỉ đến rồi đi nên rất khó xử lý, đồng thời khẳng định trên tuyến đường Tôn Thất Tùng “không có tình trạng chiếm dụng vỉa hè cho mục đích kinh doanh”.
Khi chúng tôi nói đường Tôn Thất Tùng có đặt vật cản, chiếm dụng lòng đường thường xuyên, thì đại diện P.Bến Thành cho biết sẽ kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, đến chiều 15.3, chúng tôi tiếp tục đến ghi nhận tại đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và đường Lý Tự Trọng (gần trụ sở UBND P.Bến Thành), cảnh chiếm dụng lòng đường, vỉa hè vẫn “rình rang”. PV tiếp tục trở lại UBND P.Bến Thành để chất vấn, nhưng không gặp được vị lãnh đạo nào vì “lãnh đạo đang bận họp” (!).
Thành phố quyết liệt, địa phương... nửa vời
|
Theo ông Tường, trong 157 tuyến đường mà 24 quận, huyện đăng ký với TP lập lại trật tự lòng lề đường từ đầu năm 2018, đến nay vẫn còn nhiều tuyến chưa thông thoáng như đã cam kết. Cụ thể, chỉ có 34/157 tuyến được thông thoáng (chiếm 21,7%), còn lại 109 tuyến có chuyển biến nhưng không đáng kể (chiếm 69,4%) và 14 tuyến đường bị đánh giá phức tạp (chiếm 8,9%).
Đề cập đến yêu cầu chấn chỉnh, đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “Không thể để lộn xộn lòng đường, vỉa hè được. Chủ tịch các quận, huyện phải tăng cường xử lý vấn đề này”. Vậy lãnh đạo quận, phường... nói gì về nhiệm vụ này khi tình trạng tái chiếm lòng lề đường tràn lan?
Ông Lê Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND P.8 (Q.5), thừa nhận tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường còn xảy ra trên địa bàn phường. “Thực hiện chủ trương của TP, đơn vị cũng đã tích cực ra quân xử lý tốt trên một số tuyến đường, tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo trật tự đô thị, nhưng xét về kết quả như mong muốn thì phường thừa nhận chưa đạt được”, ông Dũng nói. Còn bà Văn Thị Hoàng Duyên, Phó chủ tịch UBND P.1 (Q.Gò Vấp), thừa nhận trách nhiệm quản lý lòng lề đường trên địa bàn phường là thuộc về UBND phường. Khi PV hỏi đã có cán bộ nào bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm khi để xảy ra vấn nạn tái lấn chiếm phức tạp, bà Duyên nói: “Trong năm 2018, không có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật về công tác trật tự lòng lề đường”.
Bình luận (0)