Sở Xây dựng TP.HCM tự ý "đẻ" thêm thủ tục

20/12/2007 22:59 GMT+7

Mới đây, Sở Tư pháp TP.HCM phát hiện ra Sở Xây dựng đã tự "đẻ" thêm nhiều thủ tục nằm ngoài các quy định về pháp luật xây dựng.

Mệt mỏi vì thủ tục 

Chủ đầu tư một dự án khu căn hộ chung cư tại quận 12 cho biết: "Theo quy định của Nghị định (NĐ) 52 trước đây, được duyệt xong quy hoạch chúng tôi khởi công dự án. Khi xây dựng xong tầng 1, NĐ 90 được ban hành. Vậy là Sở Xây dựng TP.HCM đình chỉ dự án, yêu cầu chúng tôi phải trình và phê duyệt dự án đầu tư mới được khởi công, đồng thời phải bổ sung các thủ tục khác như phòng cháy chữa cháy, báo cáo chứng minh vốn dự án... Sau  nhiều lần chúng tôi giải thích dự án này thực hiện theo NĐ 52, sự hồi tố theo NĐ 90 là trái với quy định, Sở Xây dựng mới giải tỏa quyết định đình chỉ dự án sau 2 tháng bị ngưng trệ".

Giám đốc của một công ty địa ốc tại TP.HCM nói rằng, theo quy định của NĐ 90 thì các doanh nghiệp khi đầu tư một dự án nhà ở phải qua 19 bước thủ tục như thiết kế hạ tầng, khả năng kết nối hạ tầng, thiết kế cơ sở, khả năng đầu tư, chứng minh vốn của chủ đầu tư... Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở 19 bước thủ tục, Sở Xây dựng TP.HCM còn yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung thêm các hồ sơ như thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận môi trường, các văn bản đấu nối hạ tầng kỹ thuật... trước khi triển khai dự án. Các chủ đầu tư mệt mỏi và bức xúc bởi những thủ tục này do Sở Xây dựng tự ý ban hành, hoàn toàn không có trong các quy định pháp luật về xây dựng. 

Bị "thổi còi"!

Trong quá trình rà soát, Sở Tư pháp TP.HCM đã phát hiện một số văn bản do Sở Xây dựng tự ý "đẻ" thêm ngoài các quy định của pháp luật về xây dựng. Tại Văn bản số 7229/HD-SXD-CPXD ký ngày 25.8.2006, Sở Xây dựng thêm vào một số quy định như buộc chủ đầu tư trong hồ sơ cấp phép xây dựng phải có văn bản chấp thuận của các cơ quan quản lý về môi trường và phòng cháy chữa cháy. Sau rất nhiều ý kiến phản ứng, ngày 18.9.2007 Sở Xây dựng phải ra thông báo bãi bỏ việc yêu cầu chủ đầu tư phải có hai văn bản này nhưng tính ra, các yêu cầu nói trên tồn tại trong thực tế xử lý hồ sơ cấp phép của Sở Xây dựng trong hơn 1 năm trời, gây khó khăn rất nhiều cho các chủ đầu tư. 

Đặc biệt, dù không có thẩm quyền nhưng trong Văn bản 7229, Sở Xây dựng cũng tự ý đưa ra quy định: "nhà ở riêng lẻ tại vùng xa đô thị, điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt thì chỉ được xây dựng tối đa 2 tầng (1 trệt, 1 lầu) với tổng diện tích sàn xây dựng không quá 200m2". Sở Tư pháp nhận định: "Một số nội dung tại văn bản 7229 là không phù hợp pháp luật. Mặt khác, về thẩm quyền, việc Sở Xây dựng ban hành Văn bản 7229 chứa đựng nhiều nội dung quy phạm pháp luật là không phù hợp thẩm quyền". Vì vậy, Sở Tư pháp đã kiến nghị UBND TP.HCM đình chỉ thi hành và bãi bỏ Văn bản 7229.

Trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình theo quy định của NĐ 95 (ngày 15.7.2005), Sở Xây dựng TP.HCM cũng tự ý ban hành một số văn bản (Hướng dẫn số 8531 ngày 2.12.2005, Thông báo số 8933 ngày 6.10.2006) yêu cầu chủ đầu tư phải nộp thêm một số loại giấy tờ ngoài thành phần hồ sơ theo quy định của NĐ 95 như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong khi tại điểm b, khoản 2, điều 11 của NĐ 95 chỉ yêu cầu nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng); quyết định xử lý vi phạm hành chính và chứng từ chứng minh chủ sở hữu công trình đã thực hiện xong quyết định xử phạt; báo cáo kiểm định chất lượng công trình; giấy chứng nhận chất lượng xây dựng công trình; biên bản nghiệm thu hạ tầng kỹ thuật... Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc yêu cầu chủ sở hữu công trình phải nộp thêm những loại giấy tờ nói trên bởi: "Nếu chỉ căn cứ vào thành phần hồ sơ quy định tại điều 11 của NĐ 95 thì cơ quan cấp giấy chứng nhận không có đầy đủ căn cứ để công nhận quyền sở hữu và cũng không thực hiện được các quy định pháp luật chuyên ngành khác liên quan đến quản lý xây dựng". Tuy nhiên, Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng: "Nội dung hướng dẫn của Sở Xây dựng là không phù hợp pháp luật, trái thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết phải ban hành các thủ tục hành chính (mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện) thì phải do UBND TP.HCM xem xét quyết định".

Chính vì những thủ tục trái quy định kể trên, Sở Tư pháp đã kiến nghị UBND TP.HCM đình chỉ và bãi bỏ các văn bản như Hướng dẫn 7229, Hướng dẫn 8531, Thông báo 8933 và Thông báo 7845 do Sở Xây dựng ban hành.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.