Sứ mệnh chăm sóc người có công

22/07/2017 09:20 GMT+7

Gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, số lượng người có công chiếm hơn 23% dân số, nên Quảng Nam luôn đặt trọng trách chăm lo, chia sẻ, động viên, thăm hỏi người có công, gia đình chính sách như một sứ mệnh của chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

Chia sẻ
Trong nắng vàng hanh hao một ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi cùng với những cán bộ công đoàn của Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) đến thăm Mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Ngọc (ở thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, H.Núi Thành). Ở tuổi 91, mẹ Ngọc vẫn sảng khoái nở nụ cười tươi chào những người “khách quen”. Mỗi tháng, ngoài việc phụng dưỡng, những nhân viên y tế của THACO còn đến tận nhà mẹ Ngọc kiểm tra sức khỏe, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, đồng thời tư vấn cho mẹ cách sử dụng các loại thuốc sao cho phù hợp với bệnh cao huyết áp đang “đeo bám” tuổi già. Mẹ Ngọc hiền hòa hỏi thăm từng người khách, rồi tâm tình: “Mẹ giờ sống với con cháu và hàng xóm láng giềng trong cảnh đất nước yên bình như vậy là thấy vui rồi. Tuổi già đâu cần chi nữa. Các cháu đến thăm, mẹ vui lắm!”.

Ba người con hy sinh khi tuổi xuân còn đang phơi phới, nỗi đau đã từng quặn thắt trong quá khứ, nhưng giờ nhìn mẹ Ngọc nhẹ nhàng kể chuyện gió sương, chuyện ăn ở, chuyện đêm đêm mơ thấy những đưa con… mà cảm động, mà thương yêu đến lạ! Với 914 Mẹ VN anh hùng còn sống ở Quảng Nam, mỗi mẹ một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có chung một tấm lòng cao cả: kiềm giữ đau thương, mất mát vì niềm vui chung của cả dân tộc, và mẹ Ngọc chỉ là một điển hình.
18 tuổi, anh Trần Hữu Lý (sinh năm 1964, thôn Vân Trai, xã Tam Hiệp, H.Núi Thành) vác ba lô lên đường nhập ngũ. 2 năm sau, năm 1984, cả nhà nhận hung tin anh hy sinh ở chiến trường Campuchia. Bây giờ, ở tuổi 71, bà Hoàng Thị Y, mẹ anh, vẫn còn thẫn thờ trước di ảnh của con. “Ngày trước, nhà cửa, ruộng vườn chi cũng một mình nó cáng đáng. Nó đi mãi rồi, nhà cũng xuống cấp, mưa dột gió lùa. May mà có chính quyền địa phương đưa các anh chị ở THACO đến khảo sát, hỗ trợ giúp cho tiền để làm lại cái nhà như thế này, chứ không biết bao giờ tui mới có chỗ ăn ở đàng hoàng”, bà Y tâm sự. Từng bị địch bắt và đánh đến nỗi hỏng con mắt trái, bà Y không đủ sức khỏe để bươn chải, may mà còn có sự quan tâm, chung tay chia sẻ của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp...
Tại Quảng Nam, THACO đã thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi đóng góp hàng chục tỉ đồng vào chương trình “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công trên vùng đất kiên trung Quảng Nam.
Cùng chung sứ mệnh
Sứ mệnh chăm sóc người có công, gia đình chính sách đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và các sở, ban, ngành, đoàn thể xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, trọng tâm và dành nhiều kinh phí để chia sẻ, động viên, chăm sóc và xây mới, sửa chữa nhà ở, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ... “Cùng với các chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, tỉnh Quảng Nam luôn xác định công tác chăm lo đời sống người có công cách mạng là nhiệm vụ quan trọng nhằm ghi nhận công lao, sự cống hiến, hy sinh của người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Công đoàn THACO thăm mẹ Ngọc Ảnh: Hữu Trà

Quảng Nam đặc biệt quan tâm đến các Mẹ VN anh hùng, với 100% mẹ đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng. Không chỉ phụng dưỡng hàng tháng, nhiều cơ quan, đơn vị ở xa thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, kịp thời động viên an ủi khi mẹ ốm đau hoặc phối hợp với địa phương lo việc tang lễ chu đáo khi mẹ qua đời. Nhiều đơn vị trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, mua sắm đồ dùng phục vụ sinh hoạt, tổ chức cho mẹ tham quan, du lịch… Công tác chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nhận đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... cũng được các địa phương, các ngành, đoàn thể quan tâm; nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề... “Đến nay, có 97,28% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện”, ông Lê Văn Thanh cho hay.

Dù không bù đắp trọn vẹn những cống hiến, hy sinh to lớn của các Mẹ VN anh hùng và người có công, nhưng xuất phát từ tình cảm chân thành, những chương trình tri ân tại Quảng Nam đã thực sự truyền lửa, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, làm ấm lòng những người đã hy sinh vì sự nghiệp của dân tộc.
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 14.792 mẹ được truy tặng và phong tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH, trong đó có 914 Mẹ VNAH còn sống. Quảng Nam có 65.000 liệt sĩ và hơn 30.000 thương, bệnh binh. Nhiều chương trình đền ơn đáp nghĩa, tri ân được địa phương tổ chức, phát động thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Từ nguồn ngân sách của T.Ư, của tỉnh, nguồn vận động từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, các nguồn lực xã hội hóa khác, Quảng Nam đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 55.396 nhà cho người có công, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh... Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, tỉnh đã có Thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho 914 Mẹ VN anh hùng còn sống với tổng số tiền trên 4,5 tỉ đồng; chi trên 50 tỉ đồng thăm hỏi đối tượng chính sách (mức 500.000 đồng/người). Năm 2017, tỉnh phân bổ 265 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở người có công cách mạng và 70 tỉ đồng sửa chữa, nâng cấp 28 hạng mục công trình mộ, nghĩa trang liệt sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.