Sức mạnh của chính sách đại đoàn kết dân tộc

29/04/2005 22:55 GMT+7

Cũng như nhiều đồng chí khác, tôi đã tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ đầu đến cuối. Sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, tôi tham gia phong trào hòa bình đòi thi hành hiệp định cùng với các luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, Giáo sư Phạm Huy Thông...

Nhưng ngày 1/8/1954, nghĩa là ngay sau khi hiệp định vừa được ký kết, chính quyền Sài Gòn đã đàn áp dã man các cuộc biểu tình của nhân dân hoan nghênh Hiệp định Genève. Từ 1954 đến 1959, nhất là từ sau khi Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về lập chính quyền ở miền Nam, các cuộc khủng bố và đàn áp những người kháng chiến cũ và những người yêu nước diễn ra ngày càng khốc liệt. Việc lê máy chém khắp nơi theo sắc lệnh 10/59 của Diệm đã đưa sự phẫn uất của các tầng lớp nhân dân miền Nam từ thành thị đến nông thôn lên cao độ.

Khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất của nhân dân 2 miền Nam - Bắc bị chà đạp thô bạo. Và như chúng ta đều biết, để đáp ứng đòi hỏi bức xúc của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ cơ bản là phải giải phóng miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, trước mắt là kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ tập đoàn thống trị tay sai, thành lập ở miền Nam một chính quyền liên hợp dân tộc và dân chủ. Đảng nêu ra phương châm chiến lược: đẩy mạnh đấu tranh chính trị đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, phát triển song song 2 hình thức đấu tranh, tiến tới Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Theo kinh nghiệm lịch sử của ông cha ta, đặc biệt từ khi có Đảng, yêu cầu xây dựng một mặt trận nhằm tập hợp và thống nhất lực lượng để chiến đấu, được đặt ra. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch, với cương lĩnh độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà, đã làm cho cách mạng miền Nam tranh thủ thêm nhiều bạn đồng minh và cô lập cao độ kẻ địch ở trong và ngoài nước. (Tôi được cử tham gia Trung ương Mặt trận Dân tộc miền Nam và sau này tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam).

Bị thất bại trong chiến tranh đặc biệt, từ năm 1965 Mỹ đưa quân vào tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam Việt Nam, đồng thời dùng máy bay đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, các tầng lớp nhân dân miền Nam ở đô thị cũng như ở nông thôn, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng đoàn kết một lòng đứng lên chống giặc. Song song với các tổ chức đấu tranh của thanh niên, công nhân, sinh viên, phụ nữ... đã hình thành các lực lượng đấu tranh trong các tôn giáo, các nhân sĩ trí thức và ngay trong những người có tinh thần dân tộc trong quân đội và chính quyền Sài Gòn.

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình do luật sư Trịnh Đình Thảo làm chủ tịch được thành lập, Mặt trận Dân tộc thống nhất được mở rộng thêm một bước. Đặc biệt từ khi có Hội nghị Paris, Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam và khi Hiệp định Paris được ký kết khẳng định Mỹ phải rút quân, chấm dứt sự dính líu về quân sự ở miền Nam Việt Nam và thành lập ở miền Nam Việt Nam một Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm 3 thành phần ngang nhau từ trung ương đến địa phương, ở các đô thị miền Nam Việt Nam đã hình thành "lực lượng ba", những tổ chức và phong trào đấu tranh chính trị thu hút đông đảo các tầng lớp quần chúng tham gia như: Phong trào Dân tộc tự quyết do luật sư Nguyễn Long làm chủ tịch; Phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ do bà Ngô Bá Thành đứng đầu; Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc do Giáo sư Lê Văn Giáp làm chủ tịch; Ủy ban Vận động đòi cải thiện chế độ lao tù gồm nhiều nhân sĩ, trí thức, linh mục, tu sĩ, tăng ni, phật tử; Lực lượng hòa giải dân tộc, tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris do luật sư Trần Ngọc Liễng đứng đầu... và ngay trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn cũng xuất hiện những cá nhân và nhóm đối lập với chính quyền độc tài Nguyễn Văn Thiệu, đòi phải nghiêm chỉnh thực thi Hiệp định Paris. Giới báo chí cũng đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, ở nước ngoài, đặc biệt ở Pháp, đông đảo kiều bào, kể cả các lực lượng chính trị lưu vong cũng đã không ngừng đấu tranh ủng hộ lập trường đàm phán của 2 phái đoàn ta tại Hội nghị Paris và tích cực hưởng ứng phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang ở trong nước. Trong những năm cuối của cuộc chiến tranh, chính quyền Sài Gòn đã bị khủng hoảng và cô lập tột độ.

Không những ở trong nước mà cả trên trường quốc tế, sự xuất hiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với lá cờ nửa đỏ nửa xanh, ở giữa có ngôi sao vàng, một biểu trưng cao đẹp của cuộc chiến đấu chính nghĩa đã làm nhân dân thế giới hiểu rõ thêm lập trường của nhân dân ta và phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam, chống chiến tranh xâm lược lớn mạnh nhanh chóng, thu hút rộng rãi các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Đặc biệt phong trào phản chiến ở Mỹ đã tác động không nhỏ đến chính sách của chính quyền Mỹ lúc đó.

Một lần nữa chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, của nhân dân ta đã thể hiện sức mạnh vô địch của nó.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của cuộc đấu tranh chống xâm lược. Trong cuộc chiến tranh này, chỉ có kẻ xâm lược mới là kẻ thất bại. Còn nhân dân Việt Nam ta đã thắng lợi, đã giành được độc lập và thống nhất. Chỉ có một chính sách hòa hợp dân tộc rộng rãi, xóa bỏ mặc cảm và hận thù, cùng nhau hướng tới tương lai, đồng tâm hiệp lực xây dựng đất nước phồn vinh thì đó mới là con đường đúng đắn nhất, vẻ vang nhất, con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra.

Nguyễn Thị Bình
(Nguyên Phó chủ tịch nước)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.