Tách luật Giao thông 'không ổn tí nào'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/11/2020 13:11 GMT+7

Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là "không ổn tí nào" vì thực chất là "chữa lợn lành thành lợn què".

Sáng 11.11, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự án luật Giao thông đường bộ sửa đổi và luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó, luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì được tách ra từ luật Giao thông đường bộ do Bộ GTVT chủ trì.

"Không ổn tí nào"

Nhiều đại biểu băn khoăn về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc tách thành 2 luật. Đại biểu Đỗ Văn Sinh, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho rằng việc tách thành 2 luật là “không ổn”.
“Nó giống như ta chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có 4 chân, giờ phải xẻ thành 2 con lợn mỗi con có 2 chân thì nó không còn là lợn nữa”, ông Sinh ví von.
Ông Sinh phân tích, hiện có 5 lĩnh vực giao thông, gồm: giao thông thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt và giao thông bộ, giờ Chính phủ đề nghị tách luật Giao thông đường bộ thì sau này có tách 4 luật kia hay không? Hay cùng cách lập luận như vậy, chúng ta có tách luật Khám chữa bệnh thành 2 hay không vì luật này cũng bao gồm cơ sở vật chất và con người?
“Rõ ràng câu chuyện nó đang liên kết với nhau thế này tự nhiên chúng ta xẻ nó ra. Trong khi chúng ta đang rất cần sự liên kết, liên thông, đảm bảo tính đồng bộ logic”, ông Sinh nói và nhấn mạnh tách như vậy “không ổn tí nào” và ông không đồng tình.
Có cùng lập luận, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, không đồng tình với giải trình của cơ quan soạn thảo, rằng tai nạn trong lĩnh vực giao thông đường bộ rất nhiều, chiếm 95% tổng số vụ nên cần phải có luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
“Nguyên nhân nào thì phải giải pháp đó. Nguyên nhân là con người thì phải tìm giải pháp là con người, như nâng cao ý thức nhận thức. Nguyên nhân là con người mà tại sao lại tìm giải pháp là tách riêng luật, rồi sau đó chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước về một số vấn đề?”, bà Hoa nêu và cho biết rất băn khoăn. 
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cũng bày tỏ rất băn khoăn về việc tách luật vì cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn “đang có vấn đề”.
“Nói gì thì nói, bây giờ xây dựng luật phải nằm trong một tổng thể hệ thống pháp luật mà nó phải có quy chuẩn chung. Không thể tùy tiện hoặc mình thực hiện theo một ý chí nào đó”, ông Thắng nói.

Phát biểu của ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Cũng theo ông Thắng, trong Chỉ thị 18 và Kết luận 45 của Ban Bí thư mà Bộ Công an dẫn ra như cơ sở chính trị để xây dựng luật Bảo đảm trật tự giao thông đường bộ chỉ yêu cầu "tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới" chứ không yêu cầu xây dựng luật riêng.
“Ban Bí thư có nói thế đâu? Hay mình hiểu ý của Ban Bí thư khác đi?”, ông Thắng nói.

"Có tiền giả thì chả lẽ phải chuyển cho công an in tiền?"

Vấn đề chuyển đổi đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, quy định tại luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ cũng khiến các đại biểu băn khoăn. 
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, thời điểm này cái gì xã hội làm được thì giao cho xã hội, không nên cái gì cũng quan trọng hóa lên rồi phải chuyển cơ quan quản lý.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Ảnh Gia Hân

“Thời gian qua tôi thấy việc này đã làm tốt. Bây giờ chỉ có hiện tượng cấp giấy chứng nhận giả thì phải chuyển cho bên công an để tốt hơn thì có đúng không? Đến tiền còn có tiền giả thì chả lẽ phải chuyển cho công an in tiền? Chứng minh thư cũng làm giả thì chuyển cho ai làm? Hiện nay, công an vẫn đang làm đấy”, ông Sinh phân tích.
Cũng theo ông Sinh đặt vấn đề, hiện nay, Bộ Công an đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe thì bằng lái máy bay, tàu hỏa, tàu thủy thì có giao cho Bộ Công an không? Đó là chưa kể, việc chuyển đổi này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy vì hiện nay, chúng ta đang xã hội hóa hàng trăm cơ sở đào tạo, hàng ngàn người đang là công chức, viên chức của ngành giao thông thực hiện nhiệm vụ này.
“Bây giờ chuyển việc này sang công an thì có tăng biên chế không? Hàng nghìn người bên ngành giao thông đi đâu? Đó là những hệ lụy mà chúng ta không đánh giá tổng kết thì rất khó thuyết phục”, ông Sinh nói.
Đại biểu Hoa cũng băn khoăn vấn đề này vì cho rằng, việc dân sự nên để cơ quan dân sự làm, các lực lượng quốc phòng, an ninh tập trung làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Còn ông Hoàng Thanh Tùng thì cho biết, hiện nay, ngành Giao thông có khoảng 2.000 nhân sự làm nhiệm vụ cấp phép lái xe, nên nếu chuyển nhiệm vụ này sang ngành Công an thì 2.000 cán bộ này không thể sang ngành Công an được mà Bộ GTVT cũng không biết là sẽ sa thải hay dùng vào việc gì khác?
“Đấy có phải là dư không? Có đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy không? Ngành Công an có tăng thêm ngần ấy con người để thực hiện nhiệm vụ mới được giao hay không? Đó là vấn đề Chính phủ cần phải đánh giá tác động, có giải pháp và có câu trả lời”, ông Tùng đề nghị.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đề nghị phải kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến đại biểu Quốc hội xem có nên tách luật không rồi mới làm tiếp.
“Nếu với phương pháp luận xây dựng dự thảo luật này thì tôi nghĩ có khi rồi chúng ta không tin ai cả, chỉ tin mỗi bản thân chúng ta làm tốt, còn các bộ khác làm tốt. Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên bây giờ đang đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn”, ông Kiên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.