Tài liệu chưa từng công bố của chính quyền Sài Gòn: Phá vỡ Hiệp định Paris

20/04/2010 01:17 GMT+7

Ngày 23.1.1973, 4 ngày trước khi ký kết chính thức, chính quyền Sài Gòn bắt đầu thực hiện những kế hoạch cụ thể nhằm phá hoại Hiệp định Paris. Mời nghe đọc bài

“Lách luật” và cấp tập hành quân

Ngày 23.1.1973, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ban hành công điện hỏa tốc gửi thủ tướng, các đô - tỉnh - thị trưởng, tổng tham mưu trưởng và tư lệnh các quân đoàn, quân khu “ra lệnh treo cờ trên toàn quốc” nhằm mục đích “tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia để xác nhận phần đất và phần dân”, vào lúc “12 giờ trưa ngày thứ tư, 24.1.1973”.

Tiếp đó, khi đã có bản dự thảo Hiệp định Paris trong tay, Ủy ban Liên bộ điều hợp ngừng bắn của chính quyền Sài Gòn tiến hành phân tích từng câu chữ nhằm tìm kiếm kẽ hở để “lách luật”:

- Trong câu đầu của Hiệp định “Các bên tham gia Hội nghị Paris về VN” được họ giải thích là “chỉ có hai phe tham dự hòa hội Ba Lê (Paris). Một phe là VN cộng hòa và đồng minh Hoa Kỳ và phe kia là Cộng sản”.

- Điều 2, câu “việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn” bị bắt bẻ như sau: “Bản tiếng Anh dùng chữ “durable and without limit of the time” trong khi đó bản văn tiếng Việt lại dịch là “vững chắc và không thời hạn”. “Durable” không có nghĩa là vững chắc, mà chỉ có tính chất lâu dài”.

- Lợi dụng điểm c, điều 3 không quy định cụ thể về lực lượng vũ trang của các bên, chính quyền Sài Gòn đặt “cảnh sát quốc gia” và “nhân dân tự vệ” nằm ngoài phạm vi của hiệp định. Sau đó, hai lực lượng này trở thành nhân tố chủ yếu dưới sự yểm trợ của chủ lực quân Sài Gòn tiến hành cuộc chiến tranh “giành dân, lấn đất” với cách mạng...

- Nhằm tránh thực hiện điều 6 của hiệp định “hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam VN của Hoa Kỳ và các nước khác”, quân đội Mỹ đã tiến hành bàn giao toàn bộ căn cứ, phương tiện chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn trước khi hiệp định được ký kết.

Về quân sự, trong các ngày 22.1, 17.2, 3.3.1973, Bộ tổng tham mưu quân lực chính quyền Sài Gòn có ban hành các công điện, huấn thị về thực thi lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ trong đêm 27 rạng sáng 28.1, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 15 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên, 19 cuộc hành quân cấp tiểu khu và chi khu (theo bản tổng hợp tình hình của Bộ tổng tham mưu sáng 28.1). Trong số này có các cuộc hành quân quan trọng: Đại Bàng (tại vùng Quảng Trị - Thừa Thiên), Lam Sơn (Thừa Thiên), Quang Trung (Quảng Nam), Quyết Thắng 27A (Quảng Tín - Quảng Ngãi), Dakto 15 (Kon Tum)... Tổng kết hoạt động tháng 1, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 694 cuộc hành quân cấp tiểu đoàn trở lên.

“A lê quốc tế dẹp” 

Để đối phó với dư luận đang lên án hành động phá hoại Hiệp định Paris, ngày 9.2.1973, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm ra chỉ thị cho Bộ Quốc phòng “tránh không nên dùng các danh từ tấn công, hành quân, phi xuất, tin chiến trường,...”. Ngày 10.2, đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ban hành “công điện mang tay” mật - thượng khẩn ra lệnh cho các đơn vị “cấm phổ biến các tin tức chiến sự trên báo chí, đài phát thanh hay vô tuyến truyền hình”. Sau đó, trong các báo cáo của quân đội Sài Gòn, phần hoạt động hành quân bị cắt bỏ và thay vào đó là “hoạt động an ninh lãnh thổ”.

Trả lời yêu cầu của quân giải phóng, đề nghị bốn bên tại Ban liên hợp quân sự cùng ra quyết nghị chung kêu gọi “ngừng bắn” và “thi hành các điều cấm”, ngày 13.2, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm ra chỉ thị “quyết định không ra quyết nghị chung”.

Ngày 19.2, Trần Thiện Khiêm lại ban hành công văn “tuyệt đối không có việc tự động bắt tay giữa các chỉ huy trưởng đơn vị các cấp của ta (chính quyền Sài Gòn - BT) với địch (quân giải phóng - BT) để chia khu vực và để cho địch tự do di chuyển”.

Ngày 27.2, trong diễn văn đọc tại Hội nghị quốc tế về VN tổ chức ở Paris, Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn Trần Văn Lắm tuyên bố: “Tại Nam VN chỉ có một chánh phủ dân cử hợp hiến và hợp pháp duy nhất, đó là chánh phủ VN cộng hòa”.

Trước thái độ của chính quyền Sài Gòn, tại phiên họp thứ 10 Hội nghị giữa hai bên miền Nam VN tại Paris ngày 9.5.1973, ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã lên án: “Cho nên người ta không lấy làm lạ là khi hiệp định đã ký rồi, các ông tìm cách phá hoại cái ngừng bắn đó mà rõ ràng ý đồ của phía các ông mà theo chúng tôi biết được ở tại chiến trường là tìm cách xóa bỏ những vùng của chúng tôi mà người ta thường gọi là những cái da báo ở trong vùng các ông. Các ông tìm cách lấn chiếm những vùng đó, rồi ngay cả những vùng giải phóng lớn của chúng tôi các ông cũng tìm cách lấn chiếm với những cuộc hành quân hàng sư đoàn”.

Quan điểm của chính quyền Sài Gòn về Hiệp định Paris thể hiện rất rõ trong phát biểu của ông Thiệu trong hội thảo tại Bộ Dân vận chính quyền Sài Gòn ngày 12.11.1974. Tổng thống chính quyền Sài Gòn tỏ ra thách thức Ủy hội Quốc tế: “Quốc tế bây giờ nói ông Thiệu không thi hành Hiệp định Ba Lê... a lê quốc tế dẹp, chuyện này không phải mấy người. Tôi biết tôi phải làm cái gì, Hiệp định Ba Lê này mấy ông có đọc chưa, mấy ông thuộc bằng tôi không, mấy ông xen cái lỗ mũi vô trong chuyện của tôi... Ôi đồ ba cái thứ là hội quốc tế này, quốc tế kia đánh điện tôi xé tôi vứt giỏ rác, kể cả Liên Hợp Quốc chẳng làm cái trò trống gì cho nên hình”.

“Tôi nói ông già tôi Cộng sản tôi cũng chặt chớ đừng nói ai”.

“Hễ nó (quân giải phóng - BT) giỏi nó thắng mình chịu. Mình thắng nó phải chịu. Không có cái chánh phủ liên hiệp tiên quyết...”.

Hải Thành

(Lược trích Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn (NXB Chính trị quốc gia 2010), tựa bài do Thanh Niên đặt)

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.