Tại sao chọn Bệnh viện Bình Dân?

18/05/2007 23:54 GMT+7

Ngày 18.5, hội thảo quốc gia về "Thí điểm cổ phần hóa bệnh viện công" tiếp tục diễn ra tại TP.HCM. Tham luận của Sở Y tế TP.HCM đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu khi lý giải tại sao phải chọn Bệnh viện Bình Dân để làm thí điểm cổ phần hóa (CPH).

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, BV Bình Dân là BV chuyên khoa ngoại trong đó niệu là mạnh nhất. Thế nhưng cho đến nay, BV Bình Dân cũng chưa thực hiện được việc ghép thận, trong khi BV đa khoa như BV 115 đã thực hiện được. Như vậy BV Bình Dân không phải là BV "độc quyền" về niệu.

Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ của BV Bình Dân khá mạnh nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị kém xa bệnh viện tư... Ví dụ nhiều BV tư đều có máy chụp CT scan 64 lát cắt nhưng BV Bình Dân và nhiều BV công khác chưa có. BV Bình Dân đã đi vay theo chương trình kích cầu 85 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất mới (khu điều trị mới) nhưng cũng không đủ cho nhu cầu trang thiết bị cả bệnh viện và phát triển thêm. "Nếu tiếp tục đầu tư như hiện nay thì BV Bình Dân, BV nhà nước khác của thành phố sẽ tụt hậu so với BV tư nhân", BS Dũng nhấn mạnh.


BV Bình Dân - Ảnh: D.Đ.M

Theo đề án CPH đã được trình lên UBND TP.HCM, BV Bình Dân được định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền là 90 tỉ đồng (không tính giá trị mặt bằng; không tính giá trị khu BV mới do được xây dựng bằng vốn vay kích cầu và chưa trả). Trả lời những thắc mắc cho rằng việc định giá này là thấp, BS Dũng cho biết tổ chức định giá là từ bên ngoài, và ngay cả những máy móc thiết bị đã có từ trước năm 1975 nhưng vẫn còn sử dụng vẫn được định giá luôn.

CPH nhằm huy động thêm 60 tỉ đồng nữa (tăng vốn điều lệ thành 150 tỉ đồng) theo cơ cấu vốn nhà nước chiếm 60%, cán bộ nhân viên của BV chiếm 12,22%, cổ đông chiến lược 7,78% và cổ đông bên ngoài chiếm 20% (phát hành theo phương thức bán đấu giá cổ phần ra bên ngoài). "Chúng tôi theo đúng chủ trương là Nhà nước giữ vốn chi phối; không bán BV mà chỉ huy động góp vốn đầu tư và không bán cổ phần ưu đãi cho bất cứ ai ngoài quy định của đề án. Số cổ phần bán ưu đãi chỉ được chuyển nhượng sau 5 năm", BS Dũng khẳng định.

Sau CPH vẫn bảo đảm các chính sách cho người nghèo

Đề án cũng đề nghị để BV Bình Dân được tiếp tục hưởng chương trình vay vốn kích cầu; được miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu; được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu... Đặc biệt, đề án xin được lập Quỹ chính sách xã hội cho người nghèo từ nguồn cổ tức cổ phần nhà nước bảo đảm cho người nghèo vẫn được hưởng chăm sóc y tế cơ bản  tại BV Bình Dân. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết nếu kiến nghị lập Quỹ chính sách xã hội này không được thông qua thì BV sẽ xin thôi không thực hiện CPH nữa. BS Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc BV Bình Dân - khẳng định: "Chúng tôi cũng sẽ thuyết phục các cổ đông trích từ 1-3% lợi nhuận hằng năm để lập quỹ từ thiện riêng của BV". Được biết, UBND TP.HCM sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về đề án CPH Bình Dân trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.